“Tôi muốn dành tặng bài viết này cho những người phụ nữ đang đứng trước ngưỡng cửa của việc ly hôn hoặc đã từng ly hôn vì bị chồng đối xử không tốt với tất cả sự thương mến, trân trọng, cảm thông và chia sẻ. Với tôi, họ cũng là một kiểu anh hùng dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, chống lại số phận, viết lại trang mới của cuộc đời mình- dù chỉ là việc làm bất đắc dĩ…”
Thời xưa, người phụ nữ vốn vẫn bị ràng buộc bởi tam tòng tứ đức. Họ phải coi việc phục vụ, phụng sự chồng con là lẽ sống của mình vì họ chủ yếu ở nhà nội trợ, không có thu nhập nên không có tiếng nói. Họ bị đặt ở vị trí rất thấp so với chồng.
Thời nay, ngoài việc phải thực hiện tốt thiên chức làm mẹ thiêng liêng, nghĩa vụ làm vợ cao cả, họ vẫn phải phấn đấu hết sức mình để có thể học tập, nghiên cứu khoa học, bươn chải kiếm tiền. Thậm chí có nhiều phụ nữ còn xuất sắc hơn cả đàn ông , là trụ cột kinh tế trong gia đình.
Còn đàn ông, về cơ bản là tốt. Nhưng có một số người, mặc cho nhân loại đã có những tiến bộ vượt bậc cả trăm năm nay thì những tàn dư phong kiến , cổ hủ, lạc hậu, gia trưởng, độc đoán, độc tài, phát xít…vẫn còn rơi rớt lại trong đầu họ, trở thành một hệ tư tưởng, một quan điểm sống rất rõ ràng. Và họ áp dụng triệt để quan điểm đó trong việc đối xử với vợ của mình. Họ muốn vợ là phải ngoan ngoãn, hiền dịu, gọi dạ bảo vâng. Khi họ về nhà, vợ phải có mặt ở nhà phục vụ cơm bưng nước rót đầy đủ. Họ liên tục nhắc nhở, dạy bảo vợ như một đứa trẻ kém hiểu biết và thiếu kinh nghiệm. Với họ, vợ luôn là người “còn non và xanh lắm” mặc dù vợ họ đã trưởng thành và va chạm đủ việc ngoài xã hội.
Khi phát sinh mâu thuẫn, họ nổi điên lên, văng tục, chửi bậy, chửi mắng vợ và gia đình vợ, anh chị em, bạn bè của vợ mặc dù những người đó chẳng làm gì có lỗi với họ. Khi người phụ nữ về làm vợ họ thì hãy quên nhà ngoại đi nhé! Người vợ phải sống làm dâu nhà họ, chết làm ma nhà họ. Có việc gì cần thiết lắm mới phải về nhà ngoại thì họ cũng chỉ khệnh khạng, trịch thượng như khách quý chứ không phải con cái trong nhà. Họ kiểm soát vợ chặt chẽ, phong tỏa những mối quan hệ của vợ và gọi tên cho hành động đó bằng một mỹ từ vô cùng lãng mạn và đầy sức thuyết phục: “vì yêu nên mới ghen”. Họ đâu có biết rằng chính cái thứ tình yêu “bao la rộng lớn” ấy đã khiến cho vợ họ bị tù túng, ngột ngạt như bị giam lỏng. Và sau mỗi lần bị bạo hành tinh thần như thế, tình yêu của người vợ dành cho chồng nhạt phai dần đi. Thay vào đó là những tổn thương lâu ngày thành sẹo chai sạn. Họ không động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho vợ mình tiếp tục học hỏi, nâng cao hiểu biết, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để theo kịp thời đại mà ngược lại, họ luôn cản trở và kìm hãm khát vọng vươn lên của vợ khiến cho người vợ luôn bị stress, bực bội, chán nản…
Có những người đàn ông lại lười biếng, đểnh đoảng, vô trách nhiệm, ko chịu động chân động tay chia sẻ, giúp đỡ vợ việc nhà. Họ để mặc kệ vợ ban ngày phải đi làm đầu tắt mặt tối, chiều về lại sấp ngửa đón con, đi chợ, nấu cơm, tắm giặt, quét dọn nhà cửa. Đồ điện, nước, máy móc trong nhà bị hỏng hóc, họ không biết sửa , không đụng tay vào kiểm tra , bảo dưỡng, sửa chữa. Cứ mặc cho vợ đi nhờ hàng xóm hoặc gọi thợ đến sửa, tốn nhiều tiền bạc. Có khi cả đời họ chưa bao giờ đi họp phụ huynh cho con, xem con học hành như thế nào. Con cái ốm sốt thì để mặc vợ một mình chăm sóc. Con quấy khóc có khi họ còn chửi mắng vợ là ngu dốt, là đoảng, ko khéo nuôi con…
Tệ hơn nữa là những người đàn ông ham mê cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá…Họ ngu muội lao vào những cuộc sát phạt đỏ đen, hy vọng chỉ trong một vài canh bạc mà có thể đổi đời thành triệu phú, tỉ phú. Nhưng phú chẳng thấy đâu, chỉ thấy tiền triệu, tiền tỷ tan tành theo mây khói. Không những không có tiền nuôi con mà họ còn vay mượn nợ nần ngập đầu ngập cổ, vay nóng vay nguội khắp nơi chỉ để cố mong gỡ gạc một vài trận bóng, nuôi một vài con lô…Rồi tiền vẫn mất, nợ vẫn mang. Bán sạch nhà cửa để trả nợ mà không xuể. Đẩy vợ con ra đường bơ vơ không chỗ trú thân. Cơ quan đuổi việc. Nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con không thể trả nổi. Họ bỏ trốn. Để lại vợ con bơ vơ đối mặt với chủ nợ nay đến đòi, mai đến hăm dọa…
Có một kiểu đàn ông rất đào hoa, phong tình. Dù đã có vợ con đề huề nhưng vẫn thích tán tỉnh cô này, cặp kè cô kia, phản bội lại tình yêu và niềm tin của vợ con. Khi bị phát hiện, có khi anh ta sẵn sàng bất chấp luân thường đạo lý, ra sức bảo vệ cô bồ bé nhỏ, quay lưng ruồng rẫy người vợ đã từng đầu ấp má kề, từng cùng anh ta trải qua bao nhiêu gian khó từ những ngày đầu tay trắng.
Tệ hại nhất có lẽ là những người đàn ông bị nghiện. Nghiện bia rượu thì suốt ngày say xỉn, chửi bới, đập phá. Sớm sinh bệnh tật làm khổ vợ con. Còn những người vì ham chơi, vì kém hiểu biết, vì một phút yếu lòng tặc lưỡi mà sa chân vào vũng lầy ma túy. Cái này thì không thể cứu vãn được. Vì hầu như không thể cai nghiện được. Ma túy sẽ phá hủy hệ thần kinh, tạo ra ảo giác. Người nghiện sẽ không thể kiểm soát được hành vi của mình nên sẵn sàng làm những chuyện kinh khủng nhất như cướp của, giết người… chỉ nhằm một mục đích là có tiền để mua ma túy…
Điểm qua một số kiểu đàn ông như vậy, không phải vì tôi ghét đàn ông, tôi cũng không vơ đũa cả nắm. Tôi chỉ nhắc đến 1 số kiểu đàn ông với những thói hư tật xấu điển hình. Và các chị em, nếu như các chị lấy phải một người chồng có một hay nhiều hơn một tật xấu như vậy thì tôi xin thành thật chia sẻ với các chị. Vì đó thực sự là một nỗi bất hạnh. Vì các chị đã không được chồng mình yêu thương, trân trọng và bảo vệ. Cuộc sống hàng ngày của mẹ con chị khó có thể yên ổn, bình yên. Các chị bị đày ải về tinh thần, thể xác và tiền bạc…đến mức không thể chịu nổi. Không biết bao nhiêu lần các chị đã phải rơi nước mắt vì đau đớn và uất hận. Và tôi đoan chắc rằng, trong suốt quãng đường hôn nhân của các chị, đã không ít lần các chị nghĩ đến hai chữ LY HÔN và GIẢI THOÁT.
Nhưng xin các chị hãy bình tĩnh.Không ai yêu mà nghĩ đến lúc bị phụ bạc. Không ai cưới mà lại nghĩ đến một ngày sẽ phải ly hôn. Tôi vẫn tâm đắc với quan điểm sống của Viktor E. Frankl được viết trong cuốn sách: ĐI TÌM LẼ SỐNG: “Những thế lực vượt quá khả năng kiểm soát của bạn có thể lấy đi mọi thứ mà bạn có, chỉ trừ một thứ: Đó là sự tự do lựa chọn cách bạn phản ứng trước hoàn cảnh. Bạn không thể kiểm soát điều gì sẽ xảy ra trong đời mình nhưng bạn luôn có thể kiểm soát cách đón nhận cũng như cách phản ứng trước mọi tình huống của cuộc sống”.
Các chị không thể cải tạo những thói hư tật xấu của chồng mình vì rằng” giang sơn khó đổi, bản tính khó dời”. Bản chất không tốt đẹp cộng với sự sa ngã vào các tệ nạn xã hội đã ngấm sâu vào trong dòng máu của họ khiến cho họ như thú dữ, bất kể lúc nào cũng có thể trỗi dậy hành hạ các chị. Vậy thì chi cho bằng, các chị phải chọn cách đối mặt với khủng hoảng và học cách xử lý khủng hoảng. Lựa chọn nào cũng có được và mất. Ly hôn hay không ly hôn trong những trường hợp đó cũng như vậy. Chắc chắn các chị đã phải bao đêm mất ngủ, nước mắt đắng cay rơi ướt gối, nâng lên đặt xuống bàn cân để cân, đo, đong, đếm những tổn thương, những đau đớn, mất mát có thể xảy ra khi chỉ có 1 trong 2 sự lựa chọn lạnh lùng đến nghiệt ngã: CÓ hay KHÔNG? ĐI hay Ở?
Nếu như người đàn ông của các chị biết ăn năn, hối lỗi, quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, quan tâm chăm sóc con cái thì có lẽ các chị vẫn cố gắng chấp nhận được. Để giữ bố cho con, để giữ một mái nhà có đủ cả bố lẫn mẹ cho dù nó đã không còn là tổ ấm nữa. Cho dù tình yêu và cảm xúc nơi trái tim các chị đã chết tự lâu rồi.Còn nếu anh ta không hồi tâm chuyển ý, vẫn chứng nào tật nấy, anh ta vô trách nhiệm với con cái, tệ bạc ruồng rẫy vợ, lấy đi hết tài sản trong gia đình, thậm chí đe dọa tới sự an nguy của mẹ con chị thì các chị hoàn toàn có thể nghĩ đến phương án cuối cùng: LY HÔN.
Tôi không cổ xúy chuyện chia uyên rẽ thúy, phá vỡ gia đình. Nhưng khi cái gia đình ấy đã không còn là tổ ấm nữa mà trở thành một khối ung nhọt nhức nhối, mang lại nỗi đau và sự nguy hiểm cho phụ nữ và trẻ em bởi những anh chồng tha hóa đạo đức, mất phẩm giá và nhân cách thì cũng cần mạnh dạn, dũng cảm tiến hành một cuộc đại phẫu mang tên LY HÔN.
LY HÔN quả thật là quá đáng sợ và nhiều đau đớn. Vì nó phá vỡ mái ấm gia đình mà các chị đã mất cả tuổi thanh Xuân của mình để yêu thương và xây dựng, phá vỡ hết niềm tin và tình yêu vào đàn ông. Con cái sẽ tan đàn xẻ nghé. Ruột thịt bị xé nát. Trái tim bị xẻ làm đôi. Uất hận cứ chất chồng. Nước mắt chảy thành sông thành suối. Rồi còn dư luận khắc nghiệt bủa vây.
Nhưng LY HÔN không phải là CHẾT. LY HÔN không phải là chấm hết tất cả. Chỉ là các chị mạnh tay đóng lại một quãng đời tăm tối để bước vào một khoảng trời ấm áp hơn. Có thể sẽ độc hành. Có thể sẽ cô đơn trong vật vã. Nhưng các chị sẽ được sống một cuộc sống mới đầy tự do không người quản thúc. Sẽ được làm những gì mình muốn, sẽ thực hiện tiếp những kế hoạch, viết tiếp những ước mơ còn dang dở từ thời con gái. Mỗi ngày ko còn phải nơm nớp lo sợ bị mắng chửi vô cớ. Mỗi đêm sẽ được ôm con ngủ ngon mà không bị quấy rầy. Chỉ cần các chị được nuôi con thôi, vậy là đủ. Các chị hãy đi tập thể dục, yoga để rèn luyện sức khỏe, đi spa để bảo dưỡng nhan sắc. Tuyệt đối không được hủy hoại mình. Thỉnh thoảng cà phê hóng gió với bạn thân. Hãy quăng mình vào công việc để tiến thân và kiếm tiền nuôi con. Hãy tìm hiểu một vài bộ môn nghệ thuật. Hãy sống thật tốt để bù đắp cho con cái. Hãy là một single Mom thật rạng rỡ, hấp dẫn và hạnh phúc, theo cách riêng của mình. Đấy, LY HÔN cũng có những màu sắc sáng sủa đấy chứ? KHÔNG SAO ĐÂU, CỨ BÌNH TĨNH SỐNG! Tin tôi đi. Chị nhé?
(Tôi xin mượn câu nói: “Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống” của cô Nguyễn Thanh Thúy trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam để làm tiêu đề cho bài viết của mình)
Hà Nội 2016
-PHỐ HOA-
(Sống để Yêu Thương)
Đã gửi từ iPhone của tôi