Anh là bộ đội, chị là giáo viên trường làng. Cái công thức : chồng bộ đội, vợ giáo viên bao năm nay đã trở thành kinh điển, quen thuộc đến mức người ta nghĩ 2 nghề này như một lẽ tất yếu, sinh ra là để dành cho nhau…
Anh đóng quân ở xa, 1 năm được về phép đôi lần. Một mình chị ở nhà vừa đi làm, vừa xoay xở con cái. Thêm tí ruộng vườn cấy hái, chăn nuôi nên lúc nào cũng tất bật. May mà ông bà nội ngoại đều ở cùng làng nên chị có chỗ nhờ cậy những lúc bấn bíu, ốm đau…
Nhà thiếu vắng bàn tay đàn ông, việc gì cũng đến tay chị. Vốn là giáo viên dạy văn, chị cũng nhẹ nhàng, mềm mỏng, nữ tính lắm. Thuở chưa lấy chồng, chị bay bổng, lãng mạn, hoa lá, văn chương, thơ phú. Đôi bàn tay thon dài, mềm mại, không phải làm việc nặng nhọc mấy khi. Giờ chồng đi vắng, việc trong nhà, thượng vàng hạ cám đều đến tay chị hết. Cái bóng đèn đứt dây, cái vòi bị rò nước, cái ghế gãy chân, cái hàng rào bị đổ… cuốc đất, xáo xới vườn tược, hoa màu… chị đều phải tự mò mẫm để học làm. Các con chị thấy mẹ cầm búa, cầm đinh, tô vít, cờ lê loẻng xoẻng, chúng nhìn mẹ đầy ngưỡng mộ và gọi đùa mẹ là BỐ!
Còn anh, mỗi khi được về thăm nhà, anh tranh thủ sửa chữa hết cái nọ đến cái kia. Nâng niu đôi bàn tay chị, anh xót xa, áy náy:
– Đôi tay vợ sinh ra là để cầm phấn, viết văn. Giờ vì anh mà thêm bao chai sạn.
Chị tếu táo: Là hoa tay đấy! Nhờ anh mà em biết làm thêm bao nhiêu việc đấy chứ?
Anh ủ tay chị trong tay anh, rưng rưng…
Những ngày giáp Tết, nhà nào cũng rộn ràng lo sắm sửa đón năm mới về. Mẹ con chị cũng vui lắm. Tết năm ngoái đến phiên anh trực, không về được nên Tết nhà chị buồn hiu hiu. Nhìn gia đình nhà người ta tíu tít lo chuẩn bị Tết nhất, cùng nhau đón giao thừa, lễ Tết nội, ngoại, bạn bè, chị cũng thấy chạnh lòng. Nhưng chị phải luôn tỏ ra vui vẻ để các con được vui, bù đắp cho con sự thiếu vắng bóng dáng của bố. Được cái các con chị ngoan, tự ý thức được nên cũng biết bảo ban nhau, không mè nheo mẹ đòi bố như những năm đầu nữa. Ai hỏi bố cháu đâu? Chúng tranh nhau trả lời đầy tự hào: bố cháu đi cầm súng bảo vệ Tổ quốc rồi ạ!
Năm nay, anh sẽ được về ăn Tết với gia đình. Chị sẽ “bớt” lại mấy việc để phần cho anh làm. Cây đào anh trồng ngoài vườn thì chị phải tuốt lá từ tháng 11 ta để kịp nảy nụ, đơm hoa. Nhưng bánh chưng thì nhất định chị phải đợi anh về mới gói. Chị gói được nhưng anh gói khéo hơn. Mỗi lần gói bánh chưng, nhà chị như có hội. Chị ngâm gạo, đỗ, lạt giang, rửa lá để sẵn đấy. Anh cắt lá, tự tạo khuôn bằng lá, không cần khuôn gỗ mà bánh chưng vuông chằn chặn, 10 cái như 1, xanh mướt, đều tăm tắp. Các con chị háo hức ngồi xem bố gói bánh chưng, xí phần mấy cái bánh chưng con. Tối đến, cơm nước xong sớm, anh bắc bếp luộc bánh. Chị tích trữ củi khô nỏ từ trước, chuẩn bị thêm ít khoai, sắn. Thế là bên bếp bánh chưng bập bùng lửa ấm, cả nhà ăn ngô khoai nướng nóng hổi, thơm bùi, nghe anh kể chuyện đơn vị, chuyện các chú bộ đội vất vả rèn luyện nơi thao trường, chuyện về nỗi nhớ vợ thương con. Các con khoe bố điểm 9, điểm 10. Trong mắt ai cũng rạng rỡ ánh lửa của tình yêu và hạnh phúc.
Ngày 23 tháng chạp, tiễn ông Công, ông Táo về trời xong xuôi, anh gọi điện về báo tin không vui: anh phải ở lại trực Tết thay cho 1 đồng chí phải về quê có việc đột xuất. Chị thấy hẫng hụt. Đang hào hứng với bao kế hoạch đón Tết cùng chồng. Bộ áo dài chị để dành từ dịp 20/11 để Tết năm nay cùng chồng đi du xuân. Nồi bánh chưng bập bùng ánh lửa… Nén tiếng thở dài, chị động viên để anh vui:
– Không sao anh ạ. Nhà mình sẽ đón xuân dài hơn mọi nhà khác. Tết cho đến khi anh hết trực trở về nhà.
Dẫu sao đời vợ bộ đội, chị cũng đã quen với cảnh vắng chồng. Chỉ thương các con đang háo hức mong bố từng ngày…
Mẹ con chị lại tự chuẩn bị Tết. Mùa đông năm nay trời nắng nóng bất thường, cây đào nở bung khi Tết chưa kịp về. Chị lo lắng, thấp thỏm sợ đến khi anh về thì đào không còn hoa. Hết Tết, đào tàn phai thì hết cả không khí xuân mất. Mà anh thì nâng niu cây đào này lắm. Lần nào về cũng hướng dẫn chị cách tỉa cành, tuốt lá sao cho hoa nở rộ đúng dịp Tết nguyên đán.
Rồi thì Tết cũng đến. 1 tay chị cũng đủ cả bánh chưng, xôi gấc, chè con ong, giò, gà, nem, măng, miến.., lễ Tết nội, ngoại. Nhà có 3 mẹ con, ăn chẳng là bao nhưng ngày Tết chị cũng cố gắng lo cho đầy đủ, chu toàn.
Đêm giao thừa, nhà chị lại đoàn tụ, đón Tết trên điện thoại. Anh gọi điện về chúc Tết 3 mẹ con mà giọng cứ như bị nghẹt mũi:
– Mẹ mừng tuổi các con hộ bố nhé! Hôm nào về, bố trả mẹ cả gốc lẫn lãi! Cả nhà yên tâm. Bố ở đơn vị ăn Tết rất to. Lại còn được thủ trưởng mừng tuổi nữa đây này!
Các con cười ré lên:
-Eo ơi! Bố lớn rồi còn được mừng tuổi ạ?
– Ừ. Để bố về nuôi heo đất tăng gia cho các con nhé?
Cứ thế ríu ran một hồi cũng xong giao thừa. 3 mẹ con bước sang năm mới nhẹ nhàng như vẫn có anh ở bên, dù có những giây phút trống trải…
Mùng 1, mùng 2 rồi mùng 3, sao Tết năm nay trôi đi chậm thế nhỉ? Hóa vàng rồi nhưng chị vẫn giữ nguyên mọi thứ để chờ anh. Mấy chú gà trống choai nhốt trong chuồng sáng nào cũng gáy te te báo thức. Bình rượu ngon chị ủ sẵn cả năm trời phảng phất men nồng say. Luống rau xà lách, rau thơm xanh mát mắt. Chỉ tiếc cây đào của anh thì hoa đã tàn mất 1 lứa…
Mùng 5. Cái cảm giác ngóng chờ có phần giảm nhiệt. Cũng chẳng biết khi nào anh về để mà trông với mong, chờ với đợi. Thôi thì cũng xong một cái Tết. Nhiệm vụ trên giao vẫn cứ phải ưu tiên số 1. Gia đình phải là hậu phương vững chắc như người lính chắc tay súng ngoài biên cương vậy. Khi quyết định lấy chồng bộ đội, chị luôn được bồi dưỡng chính trị, quán triệt tinh thần thép như thế. Chị dọn dẹp nhà cửa để ngày mai con đi học, mẹ đi làm. Bánh chưng bọc báo, xếp vào tủ lạnh. Bia, rượu xếp vào kho. Lúi húi quét cánh đào héo úa ngoài sân, lòng chị chợt chùng xuống. Hết Tết thật rồi…
Chợt có tiếng lao xao ngoài ngõ, tiếng chào hỏi, chúc Tết râm ran 1 đoạn đường. Chả có nhẽ???
Ngẩng mặt lên, anh đã đứng ở cổng tự lúc nào. Nụ cười tươi rói. Mắt sáng rạng rỡ, lấp lánh. Dáng người cao lớn, vạm vỡ trong bộ quân phục sắp bạc màu. Làn da nhuộm nâu nắng gió thao trường. Trên vai khoác ba lô trĩu nặng.
Các con chị chạy ùa ra. Anh nhấc mũ đội lên đầu con trai rồi bế thốc lên. Con gái ôm chầm lấy bố. Chị nhấc ba lô ra khỏi lưng anh. Anh kéo chị vào lòng rồi lại đẩy vội chị ra. Chị giật mình. Anh gỡ cái cầu vai ra khỏi vai áo, nhìn chị đầy trìu mến: sợ xước khuôn mặt xinh đẹp của em!
Con gái chợt reo lên: Bố mẹ ơi! Hoa đào lại nở kìa!
Thật kỳ diệu! 1 cái nụ đào tròn căng, giấu mình trong lá, bung nở đón anh về. Xuân bây giờ mới về đến nhà chị. Dẫu có muộn màng….
Hà Nội ngày 4/3/2017
PHỐ HOA
(Tặng những tình yêu người lính)
(Ảnh st)
Để lại một bình luận