Dạo gần đây, tôi đã thôi không còn day dứt, dằn vặt bởi những câu hỏi “tại sao”. ” Tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi”, “tại sao người ấy lại đối xử với tôi như vậy”, trong khi tôi đã sống rất chân thành và hết mình cho cuộc sống. Tại sao và tại sao???.
Tôi đã có thể bình thản đón nhận tất cả mọi chuyện xảy đến với mình, dù lúc đầu khá sốc. Tôi đã có thể nhanh chóng chấp nhận hoàn cảnh và bình tĩnh tự đặt ra câu hỏi: “Mình sẽ làm gì, làm thế nào để khắc phục khó khăn và vượt qua những nghịch cảnh? Để tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới và sống tốt hơn, không lãng phí dù chỉ một phút giây được sống, để sống cháy hết mình chứ không phải là tồn tại một cách đơn thuần? Không phải bỗng dưng tôi lại trở nên cứng cỏi và mạnh mẽ đến nhường ấy. Sự khắc nghiệt của cuộc sống đã tôi luyện tôi, trui rèn tôi. Và thêm một lý do nho nhỏ nữa, cũng là nhờ tôi tập chơi hoa thuỷ tiên…
(Thủy tiên – Phố Hoa)
Tôi đến với thú chơi tao nhã này của người Hà Nội từ một dịp rất tình cờ, do cô em tôi giới thiệu. Cô ấy chuyên cung cấp các loại giống củ hoa chơi Tết, thấy tôi yêu hoa và biết cắt tỉa củ quả nên bảo tôi thử gọt thủy tiên xem sao. Thực lòng, tôi cũng có chút ngại ngần vì tôi nghe nói chơi loại hoa này kỳ công lắm. Ngày xưa, thường là những cụ ông cao tuổi và nho nhã mới hay tự tay gọt thủy tiên chơi Tết. Còn tôi, tôi chỉ là một cô gái trẻ…
Nhưng rồi cũng chính vì trẻ, “máu liều cao” mà tôi đã liều lĩnh quyết định thử “dấn thân”…
Không có ai hướng dẫn, tôi lên mạng tìm kiếm thông tin. Cày nát dữ liệu trong mấy ngày, tôi mới dám cầm dao gọt thử. Loay hoay toát mồ hôi hột, cuối cùng sau mấy tiếng đồng hồ, tôi cũng gọt xong được củ thủy tiên đầu tiên trong đời. Vui mừng, phấn khởi, hồ hởi, háo hức, hí ha hí hửng, tôi đăng ảnh lên nhóm TINH HOA THỦY TIÊN VIỆT để hỏi xin ý kiến, trong lòng khấp khởi hy vọng sẽ được khen. Nhiều người “cười” và nhận xét tôi gọt “sạch sẽ quá”. Tưởng được khen là vệ sinh củ sạch sẽ, ai dè đó lại là một lời chê “khéo’. Vì tôi đã gọt “sạch sẽ” tới mức các bao hoa gần như là trơ khấc ra, không còn phần thịt củ để nuôi dưỡng hoa. Nhìn kỹ, củ thủy tiên tội nghiệp của tôi không khác gì một con cua toàn thấy chân với càng. Củ ấy, tôi mang dưỡng thử cũng hỏng. “Lần đầu làm chuyện ấy” của tôi thất bại toàn tập.
Tôi lại lên mạng xem lại các video clip hướng dẫn cách gọt hoa thủy tiên. Nhưng tôi vẫn run tay nên chỉ dám gọt vừa vừa, sợ lại mắc sai lầm “sạch sẽ quá” như lần trước. Thậm chí tôi còn không dám xén lá và cạo cuống hoa. Bụng bảo dạ: thôi thì mùa đầu tiên, chỉ cần nở hoa là được, việc tạo hình sẽ tính sau.
Bạn bè thấy tôi gọt thủy tiên bèn đặt tôi gọt hoa thủy tiên chơi Tết. Tôi hồn nhiên nhận lời nhưng vẫn cẩn thận dặn dò: “Nếu thành công…”
Tôi mua một loạt củ, bình dưỡng, bình gốm, lọ thủy tinh, phụ kiện trang trí cho thủy tiên và bắt tay vào gọt cho vụ Tết. Muốn có hoa nở đúng dịp Tết là phải căn ngày giờ cẩn thận. Tùy theo chất lượng củ và thời tiết để tính ngày sao cho sát. Thông thường, một củ hoa nếu gọt tỉa và nuôi dưỡng thành công mất khoảng hai mươi ngày sẽ nở hoa. Cũng có củ mười lăm, mười bảy ngày đã nở hoặc hơn một tháng hoa mới nở. Khi cần hãm tốc độ thì có thể đặt bình hoa vào chỗ mát, thường xuyên thả đá lạnh vào trong bình nước dưỡng cũng kéo dài được thêm đôi ba ngày. Ngược lại, nếu muốn hoa nở sớm hơn thì kích nở bằng cách sưởi ấm cho hoa.
Thủy tiên có xuất xứ từ Chương Châu, một bình nguyên lớn nhất tỉnh Phúc Kiến, ngay bên hồ Động Đình, vừa là vựa thuốc Đông y, vừa là nơi sản sinh ra hoa thủy tiên nổi tiếng. Việt Nam chưa trồng và nhân giống được loại hoa này nên vẫn phải nhập từ Trung Quốc về.
Để có được một bình hoa thủy tiên thành phẩm và đẹp như một tác phẩm nghệ thuật phải trải qua rất nhiều bước tỉ mỉ. Nếu ai không đủ đam mê thì thực khó mà theo được. Đầu tiên là khâu chọn củ. Chọn củ theo cảm quan và kinh nghiệm của mỗi người sao cho củ có chất lượng tốt. (Cái này khá khó vì chất lượng thực tế nằm bên trong củ, nhìn bên ngoài chỉ có thể đánh giá tương đối thôi. Nhiều người chơi thủy tiên lâu năm vẫn bị mua phải lô củ xấu là chuyện rất bình thường. Nên tôi vẫn hay gọi vui hoa này là “hoa duyên” – phải đủ duyên mới làm được hoa đẹp. Cũng có khi gọi nôm na, vui vui là hoa “hên xui”, bởi tay nghề và kinh nghiệm là một chuyện. Không may vớ phải lô củ kém chất lượng hoặc gặp thời tiết xấu thì cũng hỏng).
Chọn củ còn chọn theo hình dáng củ nếu muốn tạo hình theo một ý tưởng nào đó của người chơi: Con thiên nga, giỏ hoa, hình bán cầu, suối hoa, thác đổ…Người chơi hoa càng giỏi, thì bình hoa càng sinh động và đẹp mắt. Chọn được củ đáp ứng được tương đối hai tiêu chí trên rồi thì bắt tay vào công đoạn gọt tỉa.
Trên thực tế, thủy tiên có thể trồng thẳng xuống đất hoặc trồng trong nước đều ra hoa bình thường. Nhưng cầu kỳ nhất và đẹp nhất thì vẫn là nghệ thuật gọt tỉa và tạo hình hoa thủy tiên.
Củ thủy tiên có hình dáng giống như củ hành tây, phía dưới đáy củ có một nắm đất nhỏ để nuôi củ trong một thời gian nhất định. Những Hoa Kiều sống lâu năm ở nước ngoài thường rất trân trọng phần đất này. Có người còn cẩn thận gỡ nắm đất ra, bọc vào một tấm khăn gấm, đặt lên bàn thờ tổ tiên để răn dạy con cháu luôn hướng về Tổ quốc.
Từng củ được bọc trong một túi lưới, xếp gọn gàng trong thùng cho dễ bảo quản và vận chuyển.
Dùng kéo cắt bỏ lưới, gỡ nhẹ nắm đất ra, bóc bỏ các lớp vỏ khô bên ngoài đến khi lộ ra lớp vỏ trắng, tươi bên trong là được. Vệ sinh phần đế củ, loại bỏ các rễ khô héo. Trong quá trình vệ sinh đế, cần tránh tác động vào vầng trắng của rễ để không ảnh hưởng tới bộ rễ của hoa sau này. Bởi rễ thủy tiên cũng là một bộ phận quan trọng làm nên vẻ đẹp hoàn mỹ và kỳ ảo của một bình hoa thủy tiên.
Có nhiều phương pháp gọt, trong đó phổ biến là “gọt ướt” và “gọt khô”. Mỗi cách đều có ưu, nhược điểm riêng. Ai quen cách nào thì thì cứ theo cách đó mà làm. Thỉnh thoảng cũng có người tìm tòi, thử nghiệm tìm ra cách gọt mới.
Sau khi gọt để lộ ra hàng bào mầm sạch như ngọc, trong như tuyết, mọc ở giữa lá, có thể xén lá, cạo cuống hoa luôn để khống chế chiều cao và tạo hình cho hoa lá, cũng có thể ngâm cầu xả nhớt sau khoảng hai ngày, lá và cuống hoa phát triển cứng cáp hơn càng dễ thao tác.
Rửa sạch củ hoa nhẹ nhàng dưới vòi nước chảy rồi mang ngâm úp vào bát nước sạch gọi là “ngâm cầu” để xả nhớt từ vết cắt gọt ứa ra. Mỗi ngày rửa sạch nhớt ở củ trung bình hai lần. Dùng tay kỳ cọ nhẹ nhàng. Cần chú ý nguồn nước để ngâm, dưỡng thủy tiên. Ngày xưa các cụ cẩn thận chỉ dùng nước mưa để ngâm dưỡng. Giờ nước mưa hiếm mà có khi còn bị ô nhiễm nên có thể dùng nước máy lọc qua màng lọc RO hoặc nước máy đã bay hết mùi clo cũng được. Sau khoảng hai đến ba ngày, thấy củ sạch nhớt thì chuyển sang giai đoạn dưỡng. Mỗi ngày dù trời nóng hay lạnh đều phải rửa củ hoa và bình sạch sẽ. Sau đó lại thay nước sạch vào bình hoa.
Khi lá bắt đầu lên xanh và mềm mại, dùng tay uốn nhẹ nhàng từng lá, gài vào các móng rồng hoặc kẽ lá khác để cố định dáng lá.
Tùy theo ý tưởng tạo hình của người chơi mà trong suốt quá trình dưỡng, người đó sẽ cạo, uốn cần hoa, lá theo ý của mình. Sau khoảng 15 -17 ngày, bao hoa sẽ tự xé ra. Ngày thứ 19 – 20, hoa sẽ hé nở. Lúc này, người chơi có thể chuyển hoa sang các bình thủy tinh, gốm, sứ. Có thể kết hợp cùng các phụ kiện phù hợp để tạo nên những tác phẩm hoa thủy tiên nghệ thuật, độc đáo, có một không hai, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào cả.
(Các tác phẩm hoa thủy tiên của Phố Hoa)
Lẽ tất nhiên, không phải củ nào cũng thành công được. Thậm chí, độ rủi ro thối, hỏng, hoa câm, hoa lép của thủy tiên còn khá cao. Có những củ bị mang mầm bệnh sẵn từ trước. Cũng có củ trong quá trình gọt tỉa, ngâm dưỡng bị nhiễm bệnh. Nên khâu vệ sinh là hết sức quan trọng. Khi gọt, tỉa cũng tránh làm dập củ hoa. Nếu bị thối, hỏng phải có biện pháp xử lý ngay và để cách ly, tránh lây lan sang các củ khác.
Một bình thủy tiên đẹp cần hội tụ đủ nhiều yếu tố: Hoa, lá, rễ, móng rồng, cách tạo hình, bài trí, sắp đặt kết hợp cùng các phụ kiện đều phải đẹp hài hòa. Người sành chơi còn chọn cả không gian phù hợp để trưng bày hoa thủy tiên – là những không gian đậm nét hoài cổ. Những người chơi hoa thủy tiên lâu năm, cứ đến ngày rằm tháng Chạp, Tết Ông Công Ông Táo, rằm tháng Giêng và đặc biệt là đêm giao thừa, họ chọn lựa những bình hoa thủy tiên đẹp nhất, trịnh trọng đặt lên ban thờ cùng với đĩa cam Canh màu cam đỏ, quả bưởi Diễn, quả phật thủ màu vàng ươm . Đốt lên chút trầm hoặc thắp nén hương trầm thơm ngát. Màu sắc, hương thơm của hoa, quả hòa quyện vào nhau, vấn vít sóng sánh trong làn khói trầm hương tạo nên một không gian thờ cúng vô cùng đặc biệt, đặc trưng riêng của người Hà Nội xưa mà không nơi nào có được
(Ảnh của chị Nguyễn Thanh Thủy)
Mùa hoa thủy tiên là mùa đông và xuân, kéo dài từ khoảng tháng mười năm này đến hết tháng ba năm sau. Tháng đầu thì củ hơi non, gọt và chăm đều khó. Tháng cuối thì củ lại gần hết chất dinh dưỡng. Nếu bảo quản không tốt cũng dễ hỏng củ.
Thủy tiên có hai loại: Loại hoa cánh đơn gọi là “Kim Trản Ngân Đài”, hoa cánh kép gọi là “Ngọc Linh Long”. Hoa cánh đơn phổ biến và thông dụng hơn hoa cánh kép, mùi hương dường như cũng thanh nhã, nhẹ nhàng hơn.
(Hoa thủy tiên kép – Ngọc Linh Long hay còn gọi là Ngọc Lung Linh. Tác phẩm của chị Nguyễn Thanh Thủy)
(Hoa thủy tiên cánh đơn – Phố Hoa)
Ngoài màu trắng tinh khôi như vẫn thường thấy, thủy tiên còn có màu vàng gọi là “Kim Trản Kim Đài” nhưng không phổ biến lắm và cũng không được ưa chuộng như hoa thủy tiên trắng truyền thống, mặc dù nó cũng có một vẻ đẹp rất riêng và lạ, mùi hương ngọt đậm hơn hoa thủy tiên trắng.
(Tác phẩm của chị Nguyễn Thanh Thủy)
Người trong giới chơi hoa thủy tiên có truyền tai nhau một câu: ”Đàn ông chơi hoa thủy tiên giảm mười tuổi thọ. Đàn bà chơi hoa thủy tiên hại ba lứa đẻ” để nói đến sự kỳ công, vất vả, hao tâm tổn trí khi chơi hoa thủy tiên. Người xốc nổi, nóng tính, hấp tấp, vội vàng khó chơi được hoa thủy tiên. Mỗi khi gọt tỉa, chăm sóc, uốn chỉnh thủy tiên đều rất cần sự tĩnh tại, tập trung tinh thần cao, nếu không rất dễ bị phạm, gẫy, hỏng. Rất nhiều người, kể cả những người chơi hoa lâu năm, nhiều khi ngồi trước củ thủy tiên, cầm dao lên lại phải hạ dao xuống, gói củ cất đi vì tinh thần xáo trộn, không thể làm được, làm là hỏng.
Với riêng tôi, mùa thủy tiên đầu tiên thực sự là một cơn ác mộng. Lúc đầu càng hồ hởi, háo hức bao nhiêu thì càng về cuối lại càng đuối bấy nhiêu. Càng đi sâu vào nghiên cứu và chơi hoa thủy tiên càng thấy mình quá liều lĩnh khi nhận lời bạn bè gọt hoa Tết. Người ta bảo: “điếc không sợ súng” thật quả không sai. Tôi thức đêm thức hôm để gọt củ cho kịp lịch Tết, không kịp học cách tỉa tót, sửa sang, uốn chỉnh, nghĩ đơn giản là cứ nuôi trồng rồi chúng sẽ ra hoa. Đến khi thủy tiên thối hỏng hàng loạt, sát Tết rồi mà hoa gần như không có dấu hiệu có thể nở được khiến tôi lo lắng mất ăn mất ngủ. Có những bình hoa tôi mang tặng người quen đã không nở nổi một bông hoa nào khiến tôi thực sự quá ngại ngùng. Cuối năm, trời rét căm căm mà ngày nào cũng phải thò tay vào nước lạnh buốt để rửa củ, rửa bình, thay nước cho hoa. Xong lại gom hoa vào một thùng, chiếu đèn sưởi suốt đêm suốt ngày để kích nở. Cuối cùng thì cũng được vài củ nở hoa nhưng lá mọc thẳng như lá lúa, cây hoa cao vút lên như cây lúa vậy. Và tôi cũng ốm ba trận vì cảm lạnh.
“Cơn ác mộng ngọt ngào” mang tên hoa thủy tiên còn ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Đến tận mùa hoa năm sau, khi cô em tôi nhập lô củ đầu tiên về, tặng tôi mấy củ gọt chơi sớm. Tôi đã để đấy nguyên một tháng trời không dám “khai đao”. Cho đến khi tôi đủ dũng cảm quên đi mùa hoa thứ nhất, lại vác sách vở đi tìm thầy học lại từ đầu thì tôi mới tá hỏa tam tinh lên rằng tôi sai hoàn toàn, sai ngay từ đầu từ cách chọn củ, cách gọt, ngâm, dưỡng lẫn tạo hình. Thế mới biết, tự học là rất tốt, rất đáng khen. Nhưng rồi “không thầy đố mày làm nên”, “nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại” vẫn cứ luôn đúng, ít nhất là đối với tôi trong lĩnh vực hoa thủy tiên này.
Cũng thật may mắn cho tôi, có lẽ nàng tiên hoa ấy cảm động trước tình yêu, sự kiên nhẫn theo đuổi và tinh thần “học, học nữa, học mãi” của tôi mà cuối cùng đã cho tôi đậu “duyên”. Mùa hoa thứ hai, tôi đã có thể không cần đợi tĩnh tâm mới gọt. Có những thời điểm mà áp lực cuộc sống, công việc, gia đình, tình cảm cùng một lúc bủa vây lấy tôi nhưng tôi vẫn điềm tĩnh bật lên bản nhạc tôi yêu thích, đeo tai nghe vào, cầm dao lên gọt củ thủy tiên trắng đêm. Và tôi cũng đã có được những bình hoa thủy tiên của riêng mình, tuy chưa dám nhận là đẹp nhưng cũng đã “có sự tiến bộ vượt bậc” – như lời nhận xét của một trong những người chơi hoa thủy tiên có tiếng trong hội “Tinh Hoa Thủy Tiên Việt” đã phần nào ưu ái dành tặng cho tôi.
Khi nói đến hoa thủy tiên, người ta nhớ ngay đến một “Thú chơi hoa tao nhã” của người Hà Nội xưa. Tôi không biết người Hà Nội bắt đầu chơi hoa thủy tiên từ bao giờ. Nhưng trong những hình ảnh tư liệu từ đầu thế kỷ 20 đã thấy hoa thủy tiên xuất hiện ở Hà Nội. Người ta gọt, chơi, bày bán hoa thủy tiên và hàng năm đều có tổ chức hội thi hoa thủy tiên ở đền Bạch Mã. Nhưng đến năm 1960 thì bị thất truyền.
(Ảnh tư liệu sưu tầm)
Ngày đó, củ thủy tiên rất hiếm thành ra rất đắt đỏ. Phải là những người khá giả mới dám chơi thủy tiên và dám mua hoa thủy tiên về chơi. Thế nên mới có câu: “Muốn chơi thủy tiên thì phải có “vàng””. “Vàng” ở đây đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa là vừa phải có tiền để mua củ gọt chơi, vừa phải có rất nhiều thời gian để gọt tỉa, nuôi dưỡng và tạo hình. Vì quý hiếm nên người chơi chỉ dám mua một vài củ, gọt rất cẩn thận, tính toán ngày giờ rất kỹ, cạo hoa, xén lá rất tỉ mỉ để mong hoa nở đúng đêm giao thừa, hy vọng gia đình sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Bởi người ta quan niệm hoa thủy tiên có tác dụng khử tà và làm tăng thêm tài khí cho gia đình.
Bẵng đi một thời gian khá dài, hoa thủy tiên chìm nghỉm trong trong hằng hà sa số các giống hoa nội, hoa ngoại ngày Tết. Chỉ còn lại một số cụ cao tuổi vẫn nhớ, vẫn thèm cái làn hương dịu ngọt, thanh tao, cái sắc trắng tinh khôi ôm lấy nhụy hoa màu vàng của nàng tiên nước mà nhất định dặn con cháu phải tìm bằng được hoa thủy tiên về cho cụ bày lên ban thờ gia tiên, cùng với đĩa cam Canh, bưởi Diễn, trong bảng lảng khói trầm hương ấm quyện thì cụ mới thỏa lòng, mới là có Tết.
(Ảnh của chị Nguyễn Thanh Thủy)
Cũng bởi hoa thủy tiên quá khó, quá kỳ công nên không phải ai cũng chơi được. Rất may là những năm gần đây, thú chơi tao nhã này đang dần được khôi phục và phát triển. Điều thú vị nhất là ở chỗ: những người có công đưa thủy tiên hồi sinh trở lại không phải chỉ là các cụ già cao tuổi mà phần lớn lại là giới trẻ với nhiều lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Họ tự thành lập hội – nhóm yêu hoa thủy tiên, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chơi hoa và những tác phẩm hoa thủy tiên đẹp mắt.
Và cũng chính bởi hoa thủy tiên không dễ làm nên trên thị trường ngành hàng hoa – cây cảnh, hầu như không bày bán các bình thủy tiên được gọt tỉa kỹ càng mà chỉ là những bình thủy tiên trồng thủy canh đơn giản trong nước.
(Hoa thủy tiên trồng thủy canh bày bán ở chợ hoa Tết)
Những ai trót mê hoa thủy tiên nghệ thuật đều phải tìm đến những người chuyên gọt tỉa hoa thủy tiên để đặt hoa từ rất sớm. Vì mỗi người chỉ gọt được một số lượng củ rất ít, trong khi nhu cầu của người yêu hoa thủy tiên lại rất cao. Cả người gọt thủy tiên lẫn người mua hoa thủy tiên đều cảm thấy rất tâm đắc khi có được trong tay một bình hoa quý hiếm.
Xét trên khía cạnh “thực vật học”, thủy tiên chỉ là một loại hoa. Xét về mặt nghệ thuật tạo hình, thủy tiên là một loại hoa đẹp, như muôn ngàn loài hoa khác cũng rất đẹp và ngát hương. Tôi cũng không cố ý tô vẽ, ca ngợi, thần tượng hóa, thần bí hóa loài hoa này. Nhưng quả thật, càng đi sâu vào tìm hiểu và trực tiếp có những trải nghiệm đầy “vật vã” sau hai mùa phiêu diêu cùng nàng tiên nước, tôi đã nghiệm ra rằng: Bản thân tôi và rất nhiều người sau một thời gian chơi thủy tiên, tính tình dường như có chút sâu lắng hơn, bình tĩnh hơn, chịu được áp lực cuộc sống tốt hơn. Đúng như câu tôi đã từng nói với bác Nguyễn Phú Cường – một nghệ nhân hoa thủy tiên nổi tiếng của Hà Nội và được bác khen là đúng: “ Học gọt thủy tiên cũng là học “gọt giũa” chính bản thân mình”. “Gọt” tỉ mỉ, cẩn thận từng chút một. Mỗi ngày đều phải “uốn nắn”, “chỉnh sửa”, “tắm rửa”, “làm sạch” mình thì mới mong có được sự trong sáng, thuần khiết, hữu xạ tự nhiên hương – như hoa thủy tiên…
Bởi vậy, với tôi, HOA THỦY TIÊN – KHÔNG ĐƠN THUẦN CHỈ LÀ MỘT THÚ CHƠI…
P/S: Để viết và chỉnh sửa xong bài tản văn này, tôi mất khoảng một tháng . Nhưng để có được chút ít kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật và cả thẩm mỹ về hoa thủy tiên, tôi đã mất hai năm tự mình trải nghiệm, tập gọt và uốn nắn, sắp đặt. Tuy chưa thể gọi là thành công nhưng cũng có thể coi là đã có chút “duyên” với loài hoa dễ mà rất khó này. Phố Hoa xin chân thành gửi lời cảm ơn tới bác Nguyễn Phú Cường – một nghệ nhân hoa thủy tiên rất nổi tiếng của Hà Nội và có tâm với hoa thủy tiên cũng như những người mới tập chơi hoa thủy tiên. Cảm ơn anh Trần Thanh Hải, bạn Tống Hồng Cầm, Nguyễn Nghĩa: ba admin của nhóm Tinh Hoa Thủy Tiên Việt đã luôn nhiệt tình hướng dẫn, chỉ bảo, uốn nắn, chỉnh sửa cho mọi thành viên của nhóm. Cảm ơn em Trần Tuyết Nhung (Bồ Công Anh) đã giới thiệu và dẫn dắt chị Phố đến với thú chơi hoa tuyệt vời này. Cảm ơn Trương Văn Bằng, Hảo Hoàng đã rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Và đặc biệt, em xin cảm ơn chị Nguyễn Thanh Thủy, một cựu cán bộ kiêm phiên dịch viên Tiếng Nhật, kiêm lương y, giỏi cả cầm kỳ thi họa, yêu và chơi hoa thủy tiên 15 năm nay – tác giả của một số tác phẩm hoa thủy tiên tuyệt đẹp mà Phố Hoa mượn để minh họa, có ghi rõ chú thích ở phía trên. Vì quá yêu hoa thủy tiên, mong muốn có một nơi để những người yêu hoa thủy tiên có thể gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ niềm đam mê và từng bước khôi phục lại thú chơi hoa tao nhã đã bị thất truyền, mai một từ rất lâu của Hà Nội ngàn năm văn hiến, chị đã mở ra NGÔI NHÀ HOA THỦY TIÊN tại địa chỉ nhà số 40, ngõ 94 Kim Mã Thượng, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội. Tất cả các bạn độc giả của blog Phố Hoa, sau khi đọc xong bài tản văn này, nếu các bạn quan tâm hoặc yêu thích và có ý định thử “dấn thân” tìm hiểu, tập gọt hoa thủy tiên, các bạn có thể xin gia nhập nhóm Tinh Hoa Thủy Tiên Việt để được các admin và các thành viên vô cùng nhiệt tình chỉ dẫn, chia sẻ kinh nghiệm. Hàng năm, cứ đến mùa hoa thủy tiên (khoảng từ tháng 10 đến hết tháng 3 dương lịch), các bạn có thể tìm đến Ngôi Nhà Hoa Thủy Tiên để được chính những nghệ nhân, những người chơi hoa thủy tiên lâu năm như bác Cường, chị Thủy, anh Hải, bạn Cầm, bạn Nghĩa cùng nhiều thành viên khác trực tiếp hướng dẫn cách gọt tỉa, chăm sóc và tận mắt chiêm ngưỡng, chụp ảnh cùng với các tác phẩm hoa thủy tiên đẹp ảo diệu tại đây – như Phố Hoa, ngay từ lần đầu tiên bước vào không gian đặc biệt này đã thấy rất cuốn hút, gần gũi như được trở về nhà.
(Ảnh Phố Hoa chụp tại Ngôi Nhà Hoa Thủy Tiên)
Chúc các bạn có thêm những niềm đam mê nghệ thuật mới để làm phong phú thêm đời sống tâm hồn! Vì cuộc sống là không chờ đợi!
Hà Nội 18/3/2018,
-PHỐ HOA-
(Sống để Yêu Thương)