Thuở trăng còn nau náu, lần đầu tiên khoác lên mình bộ áo dài trắng tinh khôi, tôi vừa háo hức, vừa bối rối, vừa ngượng ngùng. Đứng chụp ảnh kỷ niệm cùng bạn khác giới hôm chia tay ra trường cuối lớp 12, tôi khép nép, đứng cách bạn một khoảng xa xa…
Ngày chuẩn bị lên xe hoa, lúc đi chụp ảnh cưới, tôi chọn cho mình và chồng tương lai bộ khăn đóng áo dài truyền thống. Chú rể áo dài xanh, cô dâu áo dài đỏ, tôi thấy mình đẹp uy nghi tựa Nam Phương hoàng hậu, sánh duyên cùng hoàng đế Bảo Đại trong ngày chính thức nhập cung, lên ngôi mẫu nghi thiên hạ…
(Ảnh sưu tầm)
Sau này, khi trở thành cô giáo dạy môn hoa nghệ thuật, tôi đã mua cho mình bảy bộ áo dài đủ màu sắc, hoa văn để có thể trọn vẹn một tuần dịu dàng, duyên dáng đứng trên bục giảng, truyền cảm hứng yêu hoa cho bao lứa học sinh thân yêu của mình. Thậm chí, tôi còn đặt riêng một bộ áo dài màu đen chỉ để đi viếng các đám hiếu…
Cho đến một ngày, áo dài truyền thống được lựa chọn trở thành quốc phục của Việt Nam dành cho cả nam và nữ khi kết hợp với quần dài, là trang phục được người Việt Nam mặc trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi, sự kiện quan trọng, đi giao lưu với bạn bè quốc tế , thì tôi thực không lấy làm ngạc nhiên chút nào. Bởi “tất, lẽ, dĩ, ngẫu”, điều đó đương nhiên, hiển nhiên đã ngầm được công nhận và thực hiện từ rất rất lâu rồi. Có chăng, bây giờ chỉ là một thủ tục hành chính, một văn bản chính thức cho việc đó mà thôi. Và trong từ điển Oxford của Anh quốc, từ “áo dài” đã được đưa vào nguyên bản (ao dai).
“Không ai biết rõ chiếc áo dài nguyên thủy ra đời từ lúc nào và hình dáng ra sao. Nhưng dựa trên những hình khắc trên mặt chiếc trống đồng Ngọc Lũ cách nay khoảng vài nghìn năm cho thấy hình những người phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ. Kiểu sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là chiếc áo dài giao lãnh, phụ nữ mặc áo dài với váy. Đến năm Minh Mạng thứ 9 (1828), triều đình Huế ra chiếu chỉ bắt đàn bà mặc áo dài với quần hai ống. Năm 1930, họa sĩ Le Mur ( Cát Tường) đã thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau mà thôi. Vạt trước được họa sĩ nối dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi, đồng thời thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc tạo nên vẻ yêu kiều rất độc đáo. Áo được may ráp vai, ráp tay phồng, cổ bồng hoặc cổ hở, mặc với quần sa tanh trắng, đi giày cao gót.
(Áo dài Le Mur – Ảnh sưu tầm)
Năm 1934, họa sĩ Lê Phổ bỏ bớt những nét lai căng, thô cứng của áo, đưa thêm các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn. Sự dung hợp này quá hài hòa, vẹn vẻ giữa cái mới và cũ, được giới nữ ngày đó hoan nghênh nhiệt liệt. Từ đây, áo dài Việt Nam đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó. Và từ bấy đến nay, dù trải qua bao thăng trầm, bao lần cách tân, cách điệu, hình dáng chiếc áo dài cơ bản vẫn được giữ nguyên.” (Theo từ điển mở Wikipedia)
(Ảnh sưu tầm)
Cũng như mọi loại hàng hóa khác, áo dài được dùng nhiều và phát triển mạnh ở các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị xã hội hơn là vùng nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi. Và đặc biệt, áo dài đẹp nhất khi được may đo ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Ở mỗi nơi, áo dài lại có một vẻ đẹp riêng.
Khi nói về người Hà Nội, ta thường nhớ ngay đến câu:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Để làm nên cốt cách, thần thái thanh lịch đúng “chất” Tràng An ngàn năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội ấy, có sự góp phần không nhỏ của những tà áo dài tha thướt, mềm mại, quyến rũ. Và để làm ra được những tà áo dài đẹp đến nao lòng cho người Hà Nội mặc bao đời nay, không phải là những thợ may người Hà Nội gốc mà là những đôi bàn tay vàng của làng áo dài Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Tây cũ, nay là ngoại thành Hà Nội. Những nghệ nhân may áo dài có tiếng của Hà Nội phần lớn là từ Trạch Xá về kinh kỳ lập nghiệp, truyền từ đời này sang đời khác. Nhiều nhà thiết kế thời trang đã tiếp thu kỹ thuật may áo dài truyền thống, kết hợp với kiến thức mỹ thuật, hội họa đương đại đưa vào áo dài, tạo nên những tuyệt phẩm áo dài và đưa áo dài lên một tầm cao mới, tạo được dấu ấn đẹp trong làng thời trang quốc tế.
(Ảnh sưu tầm)
Những năm gần đây, làng thời trang Việt rộ lên trào lưu cách tân áo dài, cách tân “bạo tay và quyết liệt” khi chiếc áo dài trở thành áo lỡ, kết hợp với quần côn bó hoặc váy đụp thay vì quần dài ống rộng. Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về chuyện cách tân này. Người hào hứng ủng hộ, hưởng ứng; kẻ chê bai, bài xích, tẩy chay gay gắt. Với riêng cá nhân tôi, tôi nhìn nhận vấn đề khách quan như sau:
Bản thân bộ áo dài được gọi là truyền thống bây giờ cũng đã trải qua một quá trình cách tân nhiều lần trong nhiều năm. Áo dài cũng là quần áo, là sản phẩm mang tính thời trang, chịu chi phối bởi quy luật phát triển của thời trang. Mà thời trang thì không bao giờ đứng im. Thời trang luôn tìm cách thay đổi, cải tiến, làm mới và sáng tạo. Sự sáng tạo ấy có thể được người tiêu dùng chấp nhận mà cũng có thể chết yểu ngay sau khi đưa ra thị trường may mặc. Chuyện đó rất bình thường. Tuy nhiên, với riêng áo dài, bên cạnh việc vẫn duy trì áo dài truyền thống, ta có thể chấp nhận cách tân trong một chừng mực nhất định. Ví dụ tà áo có thể ngắn hơn một chút, ống quần ngắn và hẹp hơn một chút cho dễ mặc, dễ di chuyển và vận động, dùng được trong đời sống nhiều hơn thay vì chỉ trong những ngày lễ Tết, sự kiện. Đó cũng là một cách để duy trì, gìn giữ và bảo tồn văn hóa áo dài. Còn những mẫu “áo lỡ váy đụp”, ta có thể không gọi đó là áo dài nữa mà coi nó đơn thuần chỉ là một mẫu thời trang mới mẻ, không hở hang, không phản cảm, không vi phạm thuần phong mỹ tục và người tiêu dùng chấp nhận là được.
(Áo dài cách tân – Ảnh sưu tầm)
Cho dù thế nào thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, từ ngày xuất hiện các mẫu áo dài cách tân, áo dài đã được nhiều người yêu thích và sử dụng thường xuyên hơn. Nhiều cơ quan may áo dài làm đồng phục công sở cho nhân viên nữ. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng quyết định thay mẫu đồng phục áo dài nữ truyền thống bằng mẫu áo dài cách tân để thuận tiện hơn trong việc phục vụ hành khách dù lúc đầu cũng bị nhiều người phản đối. Ngày lễ, Tết đi đâu cũng thấy tràn ngập áo dài đủ màu sắc, đủ mọi lứa tuổi từ già đến trẻ, từ nam đến nữ. Học sinh, sinh viên mặc áo dài trong những ngày khai giảng, bế giảng, chụp ảnh kỷ yếu, họp lớp, họp khóa, hội trường. Nhiều người mua áo dài cách tân dành riêng để đi lễ chùa cũng rất đẹp mà vẫn đảm bảo tính tôn nghiêm nơi cửa Phật. Và Hà Nội cứ mỗi mùa hoa, phố phường, vườn hoa lại tràn ngập hình ảnh các bà, các cô, các chị em xúng xính, thướt tha áo dài khoe sắc cùng hoa lá cỏ cây.
Áo dài chỉ thực sự bị phản cảm khi người mặc không có ý thức và thiếu thẩm mỹ. Có cô hoa hậu chụp ảnh áo dài trắng trong suốt, để lộ nội y và đường cong cơ thể một cách lộ liễu. Có cô ca sĩ nổi tiếng mặc áo dài buộc chéo hai vạt với quần jeans. Nhiều người phá nát chiếc áo dài bằng những đường cắt cúp bạo tay, lộ ngực, hở bụng… Đó chỉ là một số ít các con sâu làm rầu nồi canh, làm hoen ố hình ảnh đẹp đẽ của chiếc áo dài truyền thống.
(Ảnh sưu tầm)
Trong một nỗ lực nhằm chấn hưng văn hóa áo dài truyền thống Việt và lan tỏa, chia sẻ những kiến thức bổ ích về cách chọn lựa, sử dụng áo dài sao cho phù hợp và đẹp nhất có thể, nhiều tổ chức văn hóa xã hội đã kết hợp cùng các nhà thiết kế áo dài nổi tiếng, các nhà sử học tổ chức các buổi tọa đàm, các lớp học về văn hóa áo dài cho các bạn trẻ và những ai quan tâm đến áo dài Việt. Các học viên sẽ là các hạt nhân cốt lõi, tiếp tục lan tỏa những kiến thức lĩnh hội được đến nhiều người hơn, để áo dài Việt Nam được gìn giữ, bảo tồn và tiếp tục phát triển bền vững hơn.
(Lớp học về văn hóa áo dài do MyHanoi kết hợp với NTK Lan Hương tổ chức. Giáo sư sử học Lê Văn Lan đến giảng bài)
Bản thân tôi là một người yêu áo dài từ thuở còn là cô nữ sinh cấp 3 cho đến tận bây giờ, khi sắp bước vào tuổi 40, tôi mặc áo dài quen thuộc như một loại trang phục thông dụng. Mỗi khi khoác lên mình bộ áo dài kể cả cách tân hay truyền thống, tôi đều thấy mình trở nên dịu dàng, duyên dáng, đằm thắm và nữ tính hơn. Rất nhiều thế hệ học sinh của tôi đã nhớ về tôi với hình ảnh đầu tiên là một “cô giáo yêu áo dài và rất hay mặc áo dài”.
Cũng trong buổi học về văn hóa áo dài , nhà thiết kế Lan Hương có nói: “Áo dài Việt Nam thật vi diệu vì ai mặc cũng đẹp, dù là đàn ông hay phụ nữ, người già hay trẻ nhỏ, béo hay gầy, da trắng hay da màu, chỉ cần có sự lựa chọn phù hợp thì áo dài sẽ che giấu khuyết điểm và tôn được vẻ đẹp của người mặc lên”.
(NTK áo dài Lan Hương mặc áo dài xanh, đứng giữa, chụp ảnh kỷ niệm cùng các học viên lớp học văn hóa áo dài)
Còn tôi, với thâm niên hơn hai mươi năm mặc áo dài, tôi thấy: “Áo dài Việt Nam là một trong những trang phục gợi cảm và tinh tế nhất thế giới. Vì áo dài khoe trọn vẹn được vẻ đẹp tạo hóa ưu ái ban tặng riêng cho phụ nữ mà vẫn hoàn toàn kín đáo”. Mỗi khi bắt gặp hình ảnh những tà áo dài bay bay trên phố, như những áng mây vấn vít bước chân người con gái giữa phố thị ồn ào, sôi động, ta bỗng chợt thấy mềm mại, dịu dàng, xao xuyến, bâng khuâng. Và những ai có dịp đi ra nước ngoài, “dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa, thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó…” (*) là trong lòng lại trào dâng nhiều cảm xúc, một niềm tự hào dân tộc Việt.
Thương lắm áo dài ơi!
1/4/2018
-PHỐ HOA-
(Sống để Yêu Thương)
(*):Lời bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Từ Huy – Thanh Tùng.
Để lại một bình luận