Chợ huyện Tam Dương ngày họp phiên chính. Người bán, kẻ mua đông vui tấp nập, đi lại ngược xuôi như mắc cửi. Chẳng ai buồn để ý đến một người đàn bà ăn mày nghèo nàn, rách rưới đang ôm trên tay đứa con gái mình mẩy lở loét, mềm oặt ra vì đói và khát. Đám ruồi cứ bu vào những vết loét làm con bé càng thêm ngứa ngáy, khó chịu nhưng nó chả còn sức mà đuổi. Ánh mắt nó lờ đờ, mệt mỏi, dớt dãi chảy qua khóe miệng nhớp nháp, rớt cả xuống vết bớt mảnh, dài, xanh như lá cỏ ẩn dưới mang tai. Người mẹ cũng chẳng khá hơn. Chính chị cũng đang đói lả người, một tay cố ôm con, tay kia huơ huơ cái nón mê rách tả tơi, miệng thều thào:

– Con lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, xin hãy rủ lòng thương làm phúc cứu vớt cháu với ạ!

Người đi qua thấy cái nón huơ ra thì vội tránh xa như tránh hủi. Ôi, gớm chết! Tránh cho xa kẻo lây bệnh thì phải vạ!

Cũng có người thả bộp vào cái nón rách củ khoai lang luộc, miếng bánh đúc bẻ vội nham nhở lạc. Người đàn bà ăn mày cố bóp vụn miếng bánh đúc, nhằn những mảnh lạc ra rồi nhét vào mồm đứa trẻ nhưng nó yếu quá không nuốt nổi. Những mẩu bánh dính lẫn vào dớt dãi bầy nhầy.

Trong làng có vợ chồng nhà ông bà Phú Miện, dáng vẻ phong lưu, bệ vệ nhưng hiếm muộn, hôm nay trên đường đi lễ chùa cầu tự, ghé qua chợ mua sắm ít đồ lễ. Họ hối hả, vội vàng đi ngang qua chỗ mẹ con nhà chị ăn mày. Bà vợ nhìn thấy động lòng thương xót, dừng lại rút tiền ra định thả vào nón. Ông chồng nhăn mặt, khịt mũi gắt:

– Thôi đi nhanh nào bà nó! Đừng dính vào những thứ bẩn thỉu, gớm ghiếc ấy. Chúng ta phải giữ cho thanh sạch để còn vào chùa làm lễ nữa chứ!

Nói rồi, ông ta kéo tuột bà vợ đi. Mấy đồng tiền rơi lả tả ngoài vành nón mê. Bất chợt, bà thấy đôi mắt con bé nhìn bà hấp háy, trước khi lịm hẳn. Dường như có một luồng điện chạy dọc sống lưng bà.

Ngồi trong chùa hành lễ mà bà nhấp nhổm không yên. Tiếng tụng kinh, gõ mõ của sư thầy không át đi nổi tiếng gào khóc thê lương của người đàn bà ăn mày. Chùa chỉ cách chợ có một đoạn. Cả phiên chợ quê nháo nhác khi đứa trẻ ăn mày chết vì bệnh lạ. Cai chợ, trưởng thôn, các vị chức sắc trong làng cho người quấn con bé vào manh chiếu cũ. Thợ mộc xóm chợ được huy động đến cưa xẻ, phá mấy cái phản bán thịt lợn cũ ra,đóng gấp một cỗ quan tài nhỏ rồi đặt cuốn chiếu xác con bé vào, phủ vôi bột trắng xóa. Chị ăn mày khóc ngất, cố vươn tay ôm lấy đứa con tội nghiệp. Mặt mũi, đầu tóc chị dính đầy vôi trắng. Chị hóa dại trong nỗi đau mất con, bò lê lết theo đám người làng khiêng con bé đi chôn ngoài nghĩa địa đống Miễu.

Đêm ấy, vợ chồng nhà ông bà Phú Miện đi ngủ theo đúng giờ đã được thầy tính toán, sau khi uống bát thuốc bắc bốc cho người muốn đậu thai nhanh. Sau một hồi hì hụi, căng thẳng, ông chồng rùng mình, vắt kiệt tinh lực vào tử cung vợ. Bà Miện chợt run lên bần bật, lạnh toát người, cảm thấy có cái gì đó sắc lạnh vừa phóng vào cửa mình, khác hẳn mọi khi. Bà nằm cứng đơ người, mặt trắng bệch như xác chết. Ông chồng hốt hoảng lay gọi vợ, lấy dầu đánh gió cho vợ. Phải mất hồi lâu sau, người bà vợ mới ấm trở lại. Trong đêm khuya tĩnh mịch, ông chồng đã ngủ say, ngáy khò khò như kéo bễ nhưng bà vợ vẫn trằn trọc không ngủ được vì ấm ách, khó chịu. Nhà kín cổng cao tường là thế mà không hiểu sao, bà vẫn nghe tiếng khóc hờ con tru lên từng chặp của người đàn bà ăn mày vẳng về từ nghĩa địa phía tít xa.

Bà Miện đậu thai nhưng nghén nặng. Cả nhà, cả họ vui mừng, cầu mong bà sinh được con trai cho bõ công ông bà chạy chữa, vái tứ phương suốt bao năm. Ông Phú tìm mua nhiều của ngon, vật lạ về bồi dưỡng vợ để cho thai khỏe. Ngặt nỗi, bà Miện nghén không ăn được cái gì. Nhìn món nào cũng sợ, ngửi món ăn càng thơm ngon bà càng buồn nôn. Nhắm mắt, bịt mũi cố nuốt được vài miếng thì lại nôn thốc nôn tháo. Bà nằm bẹp một chỗ, người xanh lét như tàu lá chuối. Một hôm, chả hiểu tha thẩn thế nào, bà nằm buồn cạy miếng vữa lở trên tường đưa vào miệng nhấm thử. Lạ thay, bà thấy rất ngon! Đã lâu lắm rồi, từ lúc bắt đầu có mang, hôm nay bà mới thấy mình ăn ngon miệng đến thế. Bà cứ cạy tường ăn ngon lành cho đến khi ông Phú hốt hoảng trông thấy bà tóc tai rối bù, ngồi ở xó giường khoét vách  ăn, vôi vữa lem nhem quanh miệng như con mụ dại. Ông vội mời bác sĩ về khám cho vợ. Bác sĩ bảo đó là hiện tượng nghén hiếm gặp nhưng thỉnh thoảng vẫn có. Bà cố gắng ăn uống đủ chất dinh dưỡng và uống bố sung thêm can xi với sắt là ổn. Thầy chùa thì phán: Vì bà mang thai con cầu tự nên cô/cậu sẽ hơi khó tính, nuôi sẽ vất vả, khó chiều hơn con thường. Ông bà phải chịu khó.

***

Nhôi nhoai mãi rồi cũng hết chín tháng mười ngày mà bà Miện vẫn chưa có dấu hiệu trở dạ. Lo lắng, ông Phú đưa vợ vào khoa sản bệnh viện huyện để theo dõi. Bác sĩ thăm khám, đo tim thai, kiểm tra nước ối vẫn bình thường nên bảo ông bà cứ chờ thêm. Nhìn những sản phụ khác vào sau mình lại được bế con về trước mình, ông bà càng thêm sốt ruột. Ông hỏi bác sĩ hay là mổ bắt con cho nhanh. Bác sĩ không đồng ý vì chỉ mổ khi sản phụ không thể sinh thường. Đến đêm thứ năm, khi ông bà đang ngủ say thì ngoài trời nổi cơn giông. Mưa rào xối xả trắng xóa sân bệnh viện. Sấm sét nổ đoành đoành chói tai. Ông bà giật mình thức giấc. Cảnh chờ đợi vất vưởng trong viện lâu ngày khiến ông bà mệt mỏi, đặt lưng là ngủ ngay. Chợt bà Miện lên cơn đau bụng tức thở. Cơn đau như dồn nén bao ngày giờ cứ cuộn lên dồn dập, như sóng, hết lớp nọ đến lớp kia. Ông Phú chạy đi tìm bác sĩ trực. Bác sĩ bảo ông đưa bà vào phòng đẻ để khám. Ông xốc nách vợ dìu đi. Chân bà như muốn khuỵu xuống vì đau quá. Y tá đỡ bà lên bàn đẻ. Ông Phú phải đứng ngoài chờ. Bệnh viện huyện không giống như bệnh viện trong phim của Tây nên ông không được đứng bên cạnh bà Miện lúc này. Ông đi đi, lại lại, thỉnh thoảng sốt ruột nghe ngóng động tĩnh bên trong. Một lúc lại nghe tiếng oe oe nhưng mãi chưa thấy gọi tên ông vào. Trong phòng, bà Miện đã mở được 5 phân. Đã thấp thoáng thấy đầu đứa bé. Nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy mở thêm. Cơn đau vẫn âm ỉ. Bà Miện lả đi vì mệt. Bác sĩ ra y lệnh truyền thuốc kích thích. Hai y tá nam ấn hai bên phía bụng trên hỗ trợ. Bác sĩ dạy bà cách lấy hơi để rặn. Vì nhiều tuổi, lại sinh con so nên tử cung chặt, mở khó. Bà vã mồ hôi như tắm, mắt trợn trừng nhìn lên trần nhà. Hai bàn chân bị buộc chặt vào cuối bàn đẻ. Bà lấy hết sức để rặn thật mạnh, thật mạnh mà đứa bé mãi chưa chịu ra. Sang tháng thứ sáu là nó đã xuôi rồi. Bà cũng chịu khó vận động cho dễ đẻ mà sao khó thế. Bà nằm đờ ra, mắt díp lại như muốn ngủ. Y tá tát mạnh vào má làm bà giật mình tỉnh lại.

– Chị cố lên nào! Không được ngủ kẻo em bé ngạt thở! Lấy hơi thật sâu, rặn mạnh thêm lần nữa nào!

Bà lại lấy hết sức, hít sâu lồng ngực, tay bám chặt vào thành giường, hai chân co lên, đạp vào hai điểm tựa cuối bàn để rặn. Bà thấy con bà đang mỉm cười vẫy tay chào bà. Chỉ một lát nữa thôi, cố nốt lần này thôi bà sẽ được ôm vào lòng mình thiên thần nhỏ ấy!

– Aaaaaaaaaaaa!!!!!!! Bà thét lên một tiếng vang động khắp phòng. Bác sĩ vừa làm thủ thuật rạch tầng sinh môn nhưng bà không thấy đau. Cơn đau đẻ là cơn đau sinh lý khủng khiếp nhất, nó át cả nỗi đau xé da xé thịt. Cả kíp đỡ đẻ căng thẳng. Bên ngoài, trời vẫn mưa như trút nước. Ông Phú ruột nóng như lửa đốt. Đoàng!!!!! Một tiếng sét nổ váng trời cùng lúc trong phòng đẻ, bác sĩ lôi tuột em bé ra khỏi bụng bà Miện, dây rốn cũng xổ ra một đống. Bà Miện thấy người rỗng tuếch, trôi lơ lửng, bồng bềnh.

– Con gái rồi nhé! 3,2kg! Chúc mừng chị!

Cô y tá phát thật mạnh vào mông cho em bé khóc oe oe rồi vệ sinh sạch sẽ, quấn tã chặt, đặt bé nằm sưởi dưới ánh đèn. Bác sĩ khâu lại tầng sinh môn cho bà Miện. Bây giờ bà mới thấy đau. Từng mũi khâu xuyên qua thịt người, khâu sống, không hề có thuốc tê cứ sồn sột sồn sột khiến bà đau rúm người lại. Mỗi lần bác sĩ dùi kim khâu vào thịt là bà giật nảy người lên, căng cứng làm cô y tá lại phải nhắc nhở bà thả lỏng ra để bác sĩ khâu cho xong. Mặc dù khao khát con bao năm trời nhưng lúc này bà tự nhủ: Sợ quá rồi! Chắc sẽ không dám đẻ lần thứ hai nữa.

Cô y tá bế em bé lại gần cho bà xem mặt. Một bé gái mặt tròn xoe, bụ bẫm, hồng hào, ngủ thiêm tiếp. Nước mắt bà chảy ra. Máu thịt của bà đây rồi, khúc ruột của bà đây rồi. Bác sĩ gọi ông Phú vào bế vợ về phòng, cô y tá bế em bé đi theo. Ở khoa sản bệnh viện huyện, sản phụ sinh thường không cần phải cách ly con. Bà Miện nằm trên giường, cô y tá đặt em bé nằm sát vào bà, bảo bà cho con bú để đón sữa non về. Bà ngại ngùng vén áo lên. Bầu vú căng tức, đầu ti hơi nâu. Bà gại gại đầu ti vào miệng con. Em bé mắt vẫn nhắm nghiền nhưng đôi môi xinh hé mở, đớp đớp như con chim non đớp mồi. Mút mãi không được gì, em bé khóc oe oe! Ông Phú nhìn bà Miện lo lắng. Cô y tá vội trấn an:

– Bây giờ sữa chưa về kịp đâu chị ạ. Anh pha sữa cho cháu bú bình trước nhé! Nhưng thỉnh thoảng chị vẫn phải cho cháu bú để kích thích tuyến sữa hoạt động, sữa nhanh về hơn. Khi nào sữa về, chị cho cháu bú ngay. Vì sữa non có rất nhiều dưỡng chất quý giá, tăng sức đề kháng cho bé mà sữa công thức không có được.

Ông Phú vội chạy ra căng tin bệnh viện mua sữa bột cho con. Lần đầu tiên đưa vợ đi đẻ nên ông chưa có kinh nghiệm chuẩn bị, cứ nghĩ đẻ xong vợ khắc có sữa cho con bú. Trở về phòng, lóng ngóng một hồi ông cũng pha được bình sữa. Cô y tá đặt em bé vào lòng ông, dạy ông cách bế con và cho con bú bình. Con bé bú tùm tụp, hóp má lại mút lấy mút để. Bú no nê, nó tiếp tục ngủ. Ông cúi xuống hít hít mùi thơm của con, mắt đỏ hoe vì xúc động.

***

Hôm sau, bà Miện được ra viện. Ông Phú thuê hẳn một cô y tá hàng ngày đến nhà tắm rửa, thay băng rốn cho con gái và vệ sinh cho bà Miện. Lần này tắm rửa ở nhà nên cô y tá làm rất cẩn thận, kỹ càng. Cô phát hiện ra sau vành tai em bé có một vết bớt mảnh, dài, xanh như lá cỏ. Cô vội báo cho vợ chồng ông Phú biết. Ông bà thấy lạ, quan sát rất kỹ rồi đi hỏi thầy chùa. Thầy xem xét ngày sinh, tháng đẻ, giờ sinh và vết bớt rồi bảo ông bà đặt tên con bé là Cát Thảo – Trường An Cát Thảo: Sự an lành dài lâu cho cọng cỏ xanh. Nhưng vận mệnh của con bé thì cũng chưa thể biết trước được.

Hết ba đêm đầu, sang đêm thứ tư, Cát Thảo bắt đầu khóc dạ đề. Ban ngày lăn ra ngủ, nhưng cứ đúng 8 giờ tối là con bé bắt đầu  gào. Nó khóc ngằn ngặt, khóc như xé vải không ai dỗ được. Bà Miện chưa hết đau nhưng vẫn cố gượng bò dậy bế con, rong, dỗ khắp nhà. Ông Phú sốt ruột, bế con dỗ dành thay vợ, con bé cũng không nín. Hôm sau, ông bà cho con đi đến bác sĩ nhi để khám. Bác sĩ cho uống bổ sung can xi vì sợ em bé hạ can xi huyết vào ban đêm nên em bé khó chịu, quấy khóc. Thế nhưng cũng không ăn thua. Cứ đúng 8 giờ tối, không lệch một phút, nó lại ré lên. Hai ông bà rộc rạc hết cả người. Sáng ra, hàng xóm nháo nhác hỏi thăm vì sao con bé khóc nhiều thế. Ông thở dài mong hàng xóm thông cảm. Được cái, trộm vía, con bé lớn nhanh như thổi. Dường như khóc nhiều nở phổi, càng khóc nhiều nó lại càng lớn hay sao ấy. Thôi kệ vậy.

***

Thấm thoắt thoi đưa, Cát Thảo đã được 19 tháng, đã biết chạy lon ton khắp nhà, miệng hát véo von dù có nhiều từ còn ngọng ngịu. Nhìn con bé trắng trẻo, bụ bẫm, ai cũng thích. Thỉnh thoảng cũng trái gió trở trời, sài đẹn, ốm đau, ho, sốt. Xong rồi lại ngoan. Ông bà bán khoán con vào chùa làng, cậy nhờ Đức Ông che chở, bảo bọc. Ngày rằm, mùng một nào, bà Miện cũng sửa soạn mâm lễ, dắt con vào chùa cúng Phật, mong trời Phật độ cho con sức khỏe và sự bình an.

Mấy hôm nay con bé khó chịu, ươn người, hâm hấp sốt. Bà Miện thấy miệng nó hôi hôi, lợi hơi tấy đỏ. Con bé mọc răng cũng khá nhiều rồi, hay lại mọc răng tiếp nhỉ? Lần nào mọc răng của nó cũng vất vả. Bà nhớ lần Cát Thảo mọc cái răng đầu tiên, nó sốt cao và đi tướt cả chục ngày. Bà mang con đi bác sĩ tư để khám. Bác sĩ kết luận con bà bị đi kiết, kê thuốc mang về uống. Ai ngờ vừa uống thuốc khỏi mồm, con bé lên cơn co giật đùng đùng. Bà phải gọi xe đưa lên tận viện nhi cấp cứu. Sau nửa ngày khám, xét nghiệm phân, máu… vật vã, bác sĩ kết luận là con bé mọc răng! Lần này, bà cũng vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho con, cho uống thuốc hạ sốt và theo dõi. Nhưng đã mấy hôm rồi mà con bé vẫn không đỡ. Bà lại đưa con đi gặp bác sĩ quen. Bác sĩ nói nó bị viêm lợi, cho thuốc uống năm ngày. Bà nội sốt ruột bảo cháu bị cam, mua thuốc cam về cho cháu uống. Lo cho con, bà mua cả thuốc đông y lẫn tây y, mong cho con chóng khỏi.

Khám đi khám lại tới hai lần với hai đơn thuốc, con bé càng ngày càng mệt hơn. Lợi sưng to, tím đỏ, trùm gần hết răng. Sốt âm ỉ liên tục gần nửa tháng trời không dứt. Lợi đau, Cát Thảo không ăn được gì ngoài sữa và cháo loãng. Con bé gầy rộc đi. Ông bà quyết định đưa con lên viện nhi trung ương để khám. Lại một hành trình khám tổng quát, xét nghiệm, chiếu chụp dài như vô tận. Bệnh viện đông đúc, bệnh nhân và người nhà chen chúc nhau. Không khí căng thẳng, ngột ngạt. Ai nấy mặt mũi đều trĩu nặng âu lo.

Cát Thảo vẫn sốt. Cứ bốn tiếng bà Miện lại phải cho con uống thuốc hạ sốt một lần. Ôm con ngồi vạ vật chờ kết quả, con càng ngày càng mệt lả đi. Mua tạm cốc cháo dinh dưỡng ngoài cổng viện xúc cho con được vài thìa xong nó không nuốt được. Bà lại bón từng thìa sữa cho con cầm cự. Mãi đến lúc bệnh viện sắp đóng cửa, bác sĩ mới gọi bà vào.

Phòng khám yên ắng, chỉ có tiếng quạt quay vù vù trên trần nhà. Bà bác sĩ giương mục kỉnh, đưa ánh mắt ái ngại nhìn bà Miện:

– Chị ngồi ghế đi.

– Vâng ạ.

Bà Miện khẽ khàng ngồi xuống ghế.

– Cháu bị thế này bao lâu rồi?

– Dạ, khoảng nửa tháng bác ạ.

– Thế sao bây giờ chị mới đưa cháu đi khám?

– Em cũng cho cháu đi khám bác sĩ tư rồi ạ. Nhưng cháu không khỏi nên hôm nay em đưa cháu lên đây. Tình hình con em thế nào hả bác?

– Rất nặng chị ạ.

– Dạ?

Bà Miện hoảng hốt:

– Cháu bị bệnh gì ạ?

– Bạch cầu cấp.

– Là sao ạ?

– Chị có nghe đến bệnh máu trắng bao giờ chưa? Chị có xem phim Hàn Quốc không? Con chị bị mắc bệnh ấy đấy. Y học gọi là ung thư máu.

Đất trời như sụp xuống. Bà Miện choáng váng, không tin được vào tai mình. “Không thể như thế được! Vợ chồng bà hiếm muộn, cầu tự khắp nơi bao nhiêu năm giời Phật mới độ cho được mụn con gái. Con bé còn quá nhỏ, sao có thể mắc căn bệnh oái oăm này được?”

– Chị phải cho cháu nhập viện ngay.

– Em chưa kịp chuẩn bị gì bác ạ. Em xin phép cho cháu về để thu xếp việc nhà xong mai em vào viện sớm.

– Tùy gia đình. Nhưng cháu bệnh nặng lắm rồi. Cần nhập viện càng sớm càng tốt.

– Vâng ạ.

Bà Miện run lẩy bẩy mãi mới đứng lên chào bác sĩ mở cửa bước ra ngoài. Nhìn thấy chồng đang mệt mỏi ôm con nhắm mắt mệt lả đi, bà òa khóc nức nở rồi khuỵu xuống. Ông Phú hốt hoảng chạy lại bên vợ, dìu vợ ra ghế:

– Em làm sao thế? Tình hình thế nào?

– Bác sĩ bảo con bị bệnh máu trắng, ung thư máu anh ạ.

– Điên à? Sao có thể như thế được?

Bà Miện lại ôm mặt khóc.

– Em không tin. Anh gọi xe đưa con đi viện khác khám lại. Bác sĩ nhầm rồi.

– Nhưng đây là viện nhi trung ương, là tuyến cao nhất rồi, còn đi đâu nữa?

– Cao nhất cũng vẫn có lúc nhầm. Anh đưa con về viện quân y gần nhà bà ngoại xem sao.

Ông Phú cũng sốc, tâm trí rối như tơ vò, chẳng biết phải làm thế nào. Thôi thì cứ thử chỗ khác xem sao. Cầu mong cho bác sĩ đã nhầm như lời vợ ông nói.

Ba người lại thất thểu dắt díu nhau ra khỏi viện. Trời đã xâm xẩm. Mưa phùn tháng ba nhớp nháp. Lúc taxi đi qua cổng nhà bà ngoại, bà Miện nhìn thấy mẹ của bà đang ngồi ngoài cửa ngóng con cháu mà bà không thể cất tiếng gọi. Nước mắt cứ tuôn như mưa. Bà ngoại biết hôm nay vợ chồng bà đưa Cát Thảo đi khám, cuối ngày vẫn chưa nhận được tin con cháu nên sốt ruột đi ra đi vào.

Xe taxi đi thẳng vào khoa cấp cứu bệnh viện quân y 103. Đã hết giờ làm việc nên chỉ còn kíp trực. Bà yêu cầu làm xét nghiệm máu cho Cát Thảo ngay lập tức. Các cô y tá lại đè con bé ra lấy máu. Nó quá yếu nên ven tay, ven chân chìm hết cả. Một cô giữ đầu, một cô giữ cổ, người giữ chân tay để cô khác chọc kim vào cổ con bé. Hai ông bà chứng kiển cảnh lấy máu con mà như chọc tiết lợn, đau lòng quá ôm nhau khóc tu tu.

Làm xong mọi thủ tục khám xét và nhập viện thì cũng đã tám giờ tối. Bác sĩ bảo sớm nhất thì cũng phải sáng mai mới có kết quả được. Giờ chưa có kết luận của bác sĩ nên chưa có phác đồ điều trị, chưa có thuốc, chỉ truyền dịch cho Cát Thảo đỡ sốt và cầm cự thôi.

Đêm ở khoa nhi viện 103, phòng bệnh khá vắng vẻ. Những ai nhà gần đều cho con về, chỉ còn vài cháu bệnh nặng phải nằm lại. Đứa bị viêm phổi, đứa bị đi ngoài. Nhưng tuyệt nhiên không có cháu nào bị mắc căn bệnh hiểm như Cát Thảo.

Ông Phú mệt mỏi nằm co quắp trên ghế. Bà Miện ngồi canh truyền dịch, vừa chườm mát hạ sốt cho con. Cả nửa tháng nay phải uống thuốc hạ sốt triền miên, gan con bé cũng đã chướng lên rồi. Bà lau mặt, lau vành tai. Vết bớt dường như cũng xanh xao hơn, có lúc còn giật giật theo từng nhịp thở khò khè của con bé. Chưa bao giờ bà thấy đêm dài đến thế. Tiếng chim lợn eng éc vẳng đến từ khu vực nhà tang lễ cuối bệnh viện khiến bà rùng mình. Bà sợ ngày mai. Ngày mai sẽ là một ngày định mệnh…

***

– Này con! Cháu sao rồi?

Bà Miện giật mình quay ra. Trời đã sáng rõ tự lúc nào. Vậy là  bà đã thức trắng đêm. Ông bà ngoại tay xách nách mang đủ thứ vào thăm con cháu. Nhìn thấy cháu nằm thiêm thiếp trên giường, xanh xao vàng vọt, bụng chướng to, ông bà ứa nước mắt.

– Có kết quả chưa con?

– Chưa bố ạ. Chắc tí nữa thôi. Con sợ lắm.

– Cứ bình tĩnh con. Bố hy vọng cháu sẽ ổn. Con bé đáng yêu thế kia cơ mà.

– Vâng ạ.

Bà Miện nghẹn ngào.

Bà ngoại xúc cháo cho Cát Thảo để con gái với con rể ăn sáng. Cơm mẹ mang vào rất ngon mà ông bà nhai trệu trạo như nhai rơm, cứ nghẹn ở cổ nuốt không trôi. Vừa thoáng thấy bác sĩ bước vào phòng bệnh, ông bà vội buông cặp lồng cơm chạy vào.

– Có kết quả xét nghiệm của cháu Trường An Cát Thảo rồi đây ạ. Cháu bị ung thư máu thể M là thể tủy. Bệnh này hiện viện không chữa được. Chúng tôi sẽ chuyển cháu lên viện nhi trung ương. Gia đình chuẩn bị làm thủ tục chuyển viện cho cháu.

Vậy là hết. Không còn hy vọng gì nữa rồi. May mắn đã không mỉm cười với gia đình bà. Cả nhà ôm nhau khóc nức nở. Mọi người trong phòng nhìn gia đình bà ái ngại, thương cảm. Bỗng dưng họ thấy mình quá may mắn khi con họ chỉ mắc những bệnh quá thông thường.

Bà bế con đi thập thõm, vô hồn. Mọi thủ tục chuyển viện, nhập viện ông Phú lo. Đồ đạc ông bà ngoại thu xếp xách đi. Bà cảm giác Cát Thảo cứ ngày một nhẹ bẫng đi trong tay bà. Ung thư là án tử. Bà chưa thấy ai bị ung thư mà sống lâu được cả. Tại sao thần chết lại chọn con bà? Tại sao không phải là người khác? Con bé có tội tình gì? Ông bà đã làm gì thất nhân thất đức đến nỗi con cái phải bất hạnh như thế này? Mắt bà cứ nhòa đi. Ai bảo đi đâu thì bà đi đấy. Đi trong viện nhi mà như đi trong mê cung. Bà bị mất phương hướng hoàn toàn kể từ lúc bước chân vào đây. Mãi đến chiều, một cô y tá mới dẫn gia đình bà đi thang máy lên tầng 7 của một tòa nhà 8 tầng khá cũ kỹ. Bước chân vào khoa ung bướu, bà thêm một lần choáng váng khi bắt gặp hình ảnh một loạt bệnh nhân đầu trọc hếu, đứa quắt queo, đứa ụ ị căng mọng nước, bủng beo. Đứa nào cũng loằng ngoằng dây dợ tiêm truyền với bình dịch lủng lẳng treo trên cọc truyền như người ngoài hành tinh. Mẹ con bà được phân nằm chung giường với một cháu bé khác. Viện nào cũng quá tải. Khoa nào cũng quá tải, kể cả khoa ung thư.

***

Buổi tối, bà nội và các bác lên thăm. Mặt ai cũng buồn rười rượi. Người đồng quà, kẻ tấm bánh những mong chia sẻ, đỡ đần cho gia đình bà Miện phần nào. Cát Thảo đã tỉnh táo hơn một chút, mồm miệng vẫn sưng vều. Bác sĩ cho truyền máu. Bố nhóm máu A, mẹ nhóm máu B, oái ăm thay, con bé mang nhóm máu AB, nhóm máu đặc biệt hiếm và kho máu bệnh viện cũng luôn trong tình trạng khan hiếm. Khó khăn cứ chất chồng khó khăn khiến ông bà càng thêm lo lắng và mệt mỏi.

Hết giờ thăm nom, mọi người đã về hết. Ông Phú phải ra ngoài lang thang, vạ vật vì mỗi bệnh nhi chỉ được một người nhà ở lại chăm sóc. Chỉ còn một mình bà Miện giữa phòng bệnh xa lạ với đứa con thơ đang trong cơn thập tử nhất sinh. Bỗng kim truyền bị tuột khỏi ven, máu chảy vung vãi. Bà hốt hoảng, luống cuống không biết phải làm thế nào bèn kêu toáng lên gọi y tá. Mấy ông bố, bà mẹ ở giường bên cạnh vội chạy sang hỗ trợ. Họ giúp bà cắm lại kim truyền, chỉnh lại tốc độ truyền máu cho Cát Thảo và nhắc bà lần sau đừng gọi y tá. Những việc này tự người nhà phải học cách làm thôi. Bà Miện trố mắt ngạc nhiên:

– Chúng ta có phải là y tá đâu mà biết cách làm?

– Ở đây cả năm trời, bà sẽ thành thạo mọi việc và đọc kết quả xét nghiệm, đọc tên thuốc vanh vách như y tá.

– Ở đây cả năm trời cơ à?

– Đấy là nếu con bà may mắn qua khỏi năm đợt truyền hóa chất. Còn không thì…

Họ quay mặt đi, bỏ lửng câu nói. Bà buông mình xuống dưới mảnh chiếu trải dưới sàn nhà, người như hụt hơi…

***

Có tiếng nheo nhéo ai đó nhắc nhở, gọi mọi người dậy làm vệ sinh phòng. Bà Miện giật mình tỉnh giấc, mãi bà mới định thần được là bà đang ở trong bệnh viện. Một bà dáng người to béo, đẫy đà, tóc ngắn xoăn tít, da dẻ trắng hồng, giọng nói rung như chuông ngân lịch bịch nhòm vào phòng:

– Nào các bố các mẹ dậy đi! Gấp chăn màn giường chiếu gọn gàng vào. Vứt hết rác đi. Lau bàn cho thật sạch. Các cô ấy sắp đi kiểm tra nội vụ rồi đấy nhé!

“Đây là bà Ngát, người phụ trách kho kiêm trực nhắc nhở nội quy khoa ung bướu. Cứ đầu giờ là bà ấy đi một vòng để nhắc nhở các phòng làm vệ sinh cho sạch sẽ trước khi y tá đi kiểm tra”. – Chị giường bên nói khẽ. Ra vậy.

Cát Thảo đòi đi vệ sinh. Đêm qua được truyền bịch máu nên mặt mũi con bé cũng tươi tắn hơn một chút. Bà vội lôi cái bô trong túi dưới gầm giường ra, bế con lên đặt con ngồi vào. Dây truyền vẫn loằng ngoằng ở tay. Mấy vị phụ huynh trong phòng vội nhắc bà cho con ra ngoài kia kẻo mất vệ sinh. Bà loay hoay vừa bế con vừa dịch chuyển cọc truyền ra phía ngoài cửa thì ông Phú vừa kịp vào đến nơi. Ông đặt vội túi đồ ăn sáng lên bàn rồi đỡ cọc truyền cho bà Miện. Con bé ngồi chưa yên vị trên bô thì đoàn bác sĩ và y tá đi tới. Bác sĩ nhăn mặt lớn tiếng hỏi:

– Bệnh nhi này tên là gì? Tại sao người nhà lại cho con đi vệ sinh ở đây? Vi phạm nội quy. Yêu cầu chuyển viện khác!

Ông Phú bà Miện mặt tái mét. Vừa chân ướt chân ráo cho con nhập viện, hồn vía còn chưa chịp nhập về với thể xác, nội quy khoa, phòng, bệnh viện còn chưa biết mô, tê, răng rứa ra làm sao. Con cái chưa biết sống chết thế nào mà giờ lại bị đuổi thì bà biết phải xoay xở thế nào?

Bà thất thểu đi gặp bác sĩ trình bày hoàn cảnh. Bác sĩ nghiêm mặt phê bình bà rồi giảng giải:

– Ở đây các cháu toàn mắc bệnh hiểm nghèo, rất yếu nên rất dễ nhiễm khuẩn và mắc thêm bệnh phụ. Nhiều khi các cháu bị tử vong vì các bệnh phụ trước khi chết vì ung thư. Thế nên mọi người phải tuyệt đối giữ gìn vệ sinh chung. Tôi bỏ qua cho chị lần này. Không được phép tái phạm. Vì sự an toàn của chính con chị và các bệnh nhi khác.

Bà Miện nuốt nước mắt cảm ơn bác sĩ rồi trở về phòng.

Hôm sau, y tá báo ông bà lên gặp bác sĩ trưởng khoa. Lại có chuyện gì nữa đây? Hai vợ chồng lật đật gửi con cho mẹ bệnh nhi cùng giường rồi dắt díu nhau đi tìm bác sĩ. Phòng của bác sĩ trưởng khoa ung bướu ở ngay cạnh phòng cấp cứu. Bà Miện rụt rè đưa tay lên gõ cửa.

– Mời vào.

Một giọng nữ lạnh lùng cất lên từ phía trong. Ông Phú xoay nhẹ nắm đấm cửa, hai vợ chồng bước vào.

Căn phòng bật điều hòa mát lạnh. Có hai người phụ nữ mặc áo blu trắng đang ngồi trong đó, mặt hầu như không biểu lộ cảm xúc gì. Dường như những năm tháng làm việc trong bệnh viện, họ đã quá chai sạn với những nỗi đau của bệnh nhân hoặc họ buộc phải quen để còn tiếp tục làm việc.

– Mời anh chị ngồi.

– Vâng ạ. Chào hai bác sĩ ạ.

– Tôi là Thủy, trưởng khoa ung bướu. Còn đây là bác sĩ Bích Huệ, người sẽ điều trị trực tiếp cho con nhà anh chị.

-Vâng ạ. Trăm sự nhờ các bác sĩ cứu cháu với ạ.

-Với trách nhiệm và lương tâm người thầy thuốc, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để cứu bệnh nhân. Nhưng kết quả còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng thuốc của cháu.

– Vâng ạ.

– Cháu Trường An Cát Thảo mắc bệnh bạch cầu cấp thể M là thể tủy, thuộc trường hợp rất nặng, rất nguy hiểm. Hiện chúng tôi đã có phác đồ điều trị cho cháu nhưng chúng tôi cần trao đổi trước với anh chị.

– Vâng.

– Quá trình điều trị về lý thuyết bao gồm năm đợt truyền hóa chất kéo dài nửa năm trời để tiêu diệt bạch cầu, đẩy lùi sự xâm lấn của các tế bào ung thư. Mỗi đợt truyền, cơ thể bệnh nhi sẽ phải chịu rất nhiều tác dụng phụ của thuốc. Hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư nhưng cũng đồng thời phá hủy nhiều cơ quan bộ phận khác của cơ thể làm cháu bị suy yếu đi. Hệ miễn dịch bị ảnh hưởng nặng nề nên cháu rất dễ lây nhiễm chéo các bệnh khác. Khi đó, chúng tôi vừa phải điều trị ung thư cho cháu, lại vừa phải điều trị các bệnh phát sinh. Cả bệnh viện lẫn gia đình và bản thân cháu rất vất vả và chịu nhiều tốn kém. Mặc dù cháu có thẻ bảo hiểm dành cho trẻ dưới 6 tuổi nhưng có rất nhiều loại thuốc đắt tiền và thủ thuật y khoa không nằm trong diện chi trả của bảo hiểm. Nếu cháu qua được năm đợt truyền hóa chất, bệnh tạm lui, cháu sẽ được về nhà, hàng tháng lên khám định kỳ và điều chỉnh thuốc uống. Nếu bệnh tái phát thì không có thuốc nào chữa được nữa. Và cháu có thể bị tử vong bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị. Nên anh chị về suy nghĩ thật kỹ xem có thể theo đuổi chữa bệnh cho cháu được không. Nếu đồng ý chữa tiếp thì gia đình ký vào đơn tự nguyện. Nếu không, anh chị có thể cho cháu về.

Ông bà Phú Miện ngồi chết lặng. Số phận đã đặt gia đình ông bà trước những sự lựa chọn sinh tử. Các cụ có câu: Còn nước còn tát. Không bố mẹ nào nỡ tước đi cơ hội sống sót của chính con mình cả, dù chỉ là 1% mong manh. Nhưng nếu chạy chữa thì hành trình chiến đấu với tử thần để kéo dài thêm sự sống cho Cát Thảo cũng nan giải và cam go vô cùng. Nhìn những bệnh nhi đang chữa trị lâu năm, các cháu phải bỏ học và bệnh viện trở thành nhà, cả gia đình điêu đứng, tán gia bại sản, tiền mất và cuối cùng con cũng mất nốt, ông bà đã hình dung ra con đường phía trước mắt tăm tối nhường nào rồi.

– Chúng tôi sẽ ký hồ sơ cam kết tự nguyện tiếp tục chữa trị cho cháu. Mong các bác sĩ giúp gia đình chúng tôi ạ.

Gần như cùng một lúc, cả hai vợ chồng ông bà Phú Miện cùng cất tiếng đồng thanh. Bác sĩ Bích Huệ đưa tập hồ sơ bệnh án dày cộp của Cát Thảo ra cho ông Phú ký. Chưa bao giờ nét chữ của ông run rẩy đến vậy…

***

Bắt đầu đợt hóa trị đầu tiên của Cát Thảo. Cô y tá giao cho bà Miện một cái máy tiêm cũ kỹ và một ống thuốc to tướng. Lần đầu tiên bà nhìn thấy máy tiêm và ống thuốc to như thế.

– Đây là hóa chất sẽ truyền thẳng vào tĩnh mạch của cháu. Mẹ Cát Thảo phải ngồi theo dõi đến khi nào truyền xong mới thôi và phải bảo quản máy tiêm cẩn thận, nếu làm mất sẽ phải đền cho khoa. Máy tiêm cô đã đặt tốc độ truyền thuốc cố định rồi. Nếu con có biểu hiện gì bất thường, mẹ cháu phải gọi cô ngay nhé!

Bà Miện vâng dạ rồi kéo ghế ngồi xuống bên con. Trời Hà Nội cuối tháng ba dương lịch vẫn se lạnh mà trán bà lấm tấm mồ hôi vì căng thẳng. Bà cứ nhìn chằm chằm vào cái máy rồi lại nhìn vào mặt con xem biểu hiện thế nào. Em bé nằm cùng giường với Cát Thảo bị u tim, gọi là u tâm thất gì đó, bà nghe lùng bùng không hiểu nhưng cũng không có tâm trí nào mà hỏi lại. Thằng bé còn nhỏ hơn cả Cát Thảo, trắng xanh bủng beo, người loe ngoe như con nhái bén. Hình như nó điều trị khá lâu rồi nên mẹ nó rất nhanh nhẹn và thạo việc, thuộc làu làu từng tên thuốc, cách tháo lắp máy và tên từng y tá, bác sĩ trong khoa. Bà thấy cô ấy mặt mũi không u sầu ủ dột như bà và người nhà bệnh nhân mới nhập viện, ngoài mái tóc ngắn gần như hói một nửa đầu. Có lúc, bà mạnh bạo hỏi thử:

– Cháu điều trị lâu chưa em? Chắc cháu bị nhẹ nên chị thấy tâm trạng em cũng khá ổn?

– Ôi dào! Đã vào đến đây là cùng chung một số phận rồi bác ạ, dù mỗi đứa mỗi bệnh khác nhau, chỉ là sớm hay muộn, trước hay sau thôi.

– Thế sao…?
– Sao em không khóc lóc, ủ rũ chứ gì? Khóc mãi chán rồi bác ạ. Dù sao thì mình vẫn phải tiếp tục sống và chăm sóc con thôi. Được ngày nào hay ngày ấy. Chồng em lúc đầu cũng chầu chực ở đây với em như bác trai nhà bác ấy. Nhưng sau cũng phải về đi làm còn kiếm tiền chạy chữa cho con. Chứ cứ ôm nhau ở đây thì chết cả nút à? Chưa chết vì bệnh thì đã chết đói rồi.

Bà Miện thần người. Cũng phải. Cuộc chiến đấu với ung thư là cuộc chiến đấu trường kỳ, một mất một còn. Phải chia sức người, sức của, phân bổ lực lượng hợp lý thì mới có thể bám trụ mà chiến đấu lâu dài được.

Mãi đến gần trưa thì cũng truyền xong ống hóa chất. Ơn giời! Mọi chuyện suôn sẻ. Đến giờ nghỉ trưa, ông Phú được vào thăm con. Ông xót xa khi thấy Cát Thảo nằm co quắp, tay bầm tím vết ven vỡ. Các cô y tá đặt kim luồn là kim bướm cố định trên mu bàn tay con bé để truyền được nhiều lần, đỡ phải lấy ven nát tay. Ông bế con lên đi ra ngoài cho thoáng. Nhấc con lên mà ông thấy nhẹ bỗng. Còn đâu hình ảnh cô bé Cát Thảo bụ bẫm, trắng trẻo, hồng hào ngày nào…

Bà Miện tranh thủ lúc có chồng trông con vội tất tả đi dọn dẹp, giặt giũ. Nhà vệ sinh của khoa bé xíu mà lúc nào cũng chật kín người. Bệnh nhân toàn là trẻ con, từ sơ sinh đến mười mấy tuổi cũng có. Mỗi lần truyền hóa chất xong là bị tác dụng phụ của thuốc, gây nôn trớ, đi ngoài nên rất bẩn. Có nhiều cháu nôn từ trên vai mẹ nôn xuống hoặc đi tóe luôn trên người bố mẹ. Trong nhà vệ sinh, mọi người đứng xếp hàng chờ đến lượt mình để rửa ráy, tắm giặt. Nhiều hôm bà phải dậy lúc nửa đêm, tranh thủ lúc con ngủ để tắm giặt cho vắng người, đỡ phải xếp hàng. Thỉnh thoảng nhà vệ sinh bị tắc mới thực sự là kinh khủng. Chất thải cứ ùn ứ lên, chảy tràn cả ra bên ngoài. Nhà vệ sinh công cộng luôn là nỗi ám ảnh đối với những người ưa sạch sẽ như bà Miện.

Kẻng leng keng báo giờ lấy thức ăn cho bệnh nhân. Cát Thảo bé quá, lại yếu nên bác sĩ ưu tiên cho ăn chế độ “hậu phẫu”. Đó là một loại cháo dinh dưỡng đặc biệt xay mịn như bột, có thể xúc cho bệnh nhân ăn trực tiếp bằng miệng hoặc hút vào xi lanh rồi bơm qua đường ống xông trong trường hợp bệnh nhân quá yếu hoặc hay bị nôn. Cát Thảo mới truyền hóa chất nên ăn không ngon miệng. Dỗ dành mãi con mới nuốt được vài thìa. Bố bế rong ruổi, mẹ lóc cóc bê bát hậu phẫu đi theo, lang thang sang cả khoa khác, thi thoảng mới thí được một miếng. Xe cơm căng tin bệnh viện chở lên tận khoa. Ông bà mua cơm rồi ngồi ăn ngay tại phòng sinh hoạt công cộng. Đúng là cơm bệnh viện. Nó nhạt nhẽo, không rõ ràng mùi vị đặc trưng của từng món. Cơm hàng cháo chợ vốn dĩ đã không ra gì, lại ăn trong tâm trạng đau buồn trong một không gian đầy sự chết chóc này càng cảm thấy khó nuốt hơn. Bà Miện chỉ gẩy gẩy được vài miếng rồi bỏ mứa. Ông Phú ngày thường ăn khỏe là thế mà cố lắm cũng chỉ ăn được nửa suất. Hai vợ chồng nhìn nhau thở dài.

Giờ nghỉ trưa chỉ tranh thủ được đôi tiếng. Thỉnh thoảng, người nhà và bạn bè của ông bà lại nháo nhào ghé vào thăm. Họ ái ngại khi thấy gia cảnh ông bà sa sút thê thảm. Ông bà ngoại cứ cách vài ngày lại tay đùm tay nải mang đồ ăn, thức uống lên viện tiếp tế cho con cháu, khi thì hộp ruốc, khi thì hộp thịt rang tôm, thịt gà rang, toàn những thức ăn mặn để có thể dự trữ được vài ngày. Bà ngoại say ô tô, đi thang máy cũng say. Lần nào lên cũng mệt lử đử nhưng vẫn cứ đi. Ngồi bế cháu được một lúc, đôi mắt già nua của bà lại mờ đi vì ướt. Bà ước, giá cái thân già này có thể gánh chịu được nỗi đau đớn thay cho con bé. Tại sao ông trời nỡ bắt tội một đứa trẻ còn còn chưa dứt hơi sữa mẹ như Cát Thảo? Cháu bà đâu có tội tình gì?

***

Cơ thể Cát Thảo bắt đầu hứng chịu sự tàn phá của đợt hóa trị đầu tiên. Hóa chất đi vào máu khiến cho Cát Thảo chán ăn, tiêu hóa kém, buồn nôn, đi ngoài ra máu. Bác sĩ kê thêm thuốc Dexamethason để kháng viêm và chống buồn nôn nhưng thuốc kích thích ăn uống, giữ nước, tích mỡ khiến cơ thể tăng cân ảo, mặt mũi chân tay sưng phù nề lên. Con không ăn được bằng đường miệng, y tá đặt ống xông cho con. Bà Miện bế ngửa con ra, giữ chặt chân tay con, ông Phú giữ chặt lấy đầu Cát Thảo để cô y tá luồn đoạn ống xông từ mũi qua họng xuống dạ dày con bé. Cát Thảo ho sặc sụa, nôn òng ọc, mãi mới luồn xong. Tự dưng, trên khuôn mặt hum húp mọng nước của con bé, “mọc” thêm một cái “râu rồng” nom càng đáng thương. Bát hậu phẫu lấy về đang nóng rẫy, bà Miện phải để nguội mới hút vào xi lanh và bơm từ từ vào ống xông. Lúc đầu con bé khó chịu lắm, không cho mẹ bơm. Mãi mới quen. Có lúc bà phải lừa khi con ngủ mới bơm được vài xi lanh hậu phẫu hoặc sữa để con cầm cự.

Các chỉ số máu bắt đầu sụt giảm nghiêm trọng. Bác sĩ thông báo ông bà tìm gấp những người có nhóm máu AB đễ sẵn sàng hiến máu cấp cứu cho Cát Thảo khi cần. Ông bà vội vàng gọi điện đi khắp nơi để hỏi nhưng không tìm được ai. Bệnh viện cũng liên hệ tất cả các nguồn máu dự trữ bên các viện cùng chuyên môn K và huyết học để xin hỗ trợ. Tất cả các nơi đều trả lời hết máu nhưng hứa sẽ ưu tiên Cát Thảo đầu tiên nếu có máu về.

Đêm 19 tháng 4, đúng đêm sinh nhật Cát Thảo tròn hai tuổi, con bé lại bắt đầu sốt cao. Các chỉ số hồng cầu, huyết tương, tiểu cầu tiếp tục giảm xuống ngưỡng cực kỳ nguy hiểm. Chỉ số bạch cầu tăng vùn vụt dẫn đến hiện tượng cơ thể sốt để báo động cho hệ thống phòng vệ của cơ thể biết tình trạng hết sức nguy cấp. Lẽ ra ngày hôm nay, con bé đang được mặc một cái váy công chúa xinh nhất, đội mũ sinh nhật dễ thương nhất để thổi nến đón chào tuổi mới trong vòng tay yêu thương của gia đình thì ác nghiệt thay, con bé lại đang nằm thoi thóp trên giường bệnh, không nến, không bánh gato, không váy áo. Chỉ có một đống dây dợ lằng nhằng quấn quanh nó. Món quà ý nghĩa nhất lúc này đối với Cát Thảo chỉ là máu, là một bịch máu AB mà thôi!

Bà Miện cặp nhiệt độ cho con. Bà hốt hoảng khi cột thủy ngân trong nhiệt kế tăng vọt lên vượt ngưỡng 40 độ. Người con bé nổi đầy vân tím ngắt. Nó bắt đầu co giật, đôi môi tím tái, hai hàm răng va vào nhau cầm cập. Thuốc hạ sốt không có tác dụng gì nữa. Bà cởi tung quần áo con ra, chườm liên tục cho giảm bớt hơi nóng từ cơ thể. Bà gọi điện cho ông Phú xin bảo vệ khoa cho vào gấp để đưa con đi cấp cứu. Y tá bảo đưa Cát Thảo sang phòng cấp cứu ngay lập tức. Bà Miện ẵm con đặt lên bàn. Y tá cho con bé thở ô xi và làm hồi sức. Mắt con bé trợn ngược, lờ đờ nhưng đôi tay bé nhỏ vẫn bám chặt vào ngực mẹ. Nó có thói quen sờ ti mẹ khi ngủ. Giờ giữa ranh giới mong manh sống chết, chỗ bám víu duy nhất của nó vẫn là bầu vú mẹ.

Bác sĩ hỏi đã tìm được người cho máu chưa? Ông bà tuyệt vọng gọi điện về cầu cứu hai bên gia đình nội ngoại. Cả hai họ nháo nhác. Một lúc sau, chị gái bà gọi điện lên báo là đã tìm được người có nhóm máu AB rồi. Cô ấy đang ở cữ vì mới sinh con nhưng vẫn quyết định hiến máu cứu Cát Thảo. Giờ chị gái bà đang cùng cô ấy lên đường vào viện.

Cả khoa ung bướu bị phen mất ngủ. Mặc dù họ đã quá quen với cảnh cấp cứu bất thình lình như thế này nhưng họ vẫn giật mình vì hôm nay là Cát Thảo nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể là con của họ. Thần chết luôn rình rập, chờ sẵn quanh đây. Phòng cấp cứu căng như dây đàn. Ông bà Phú Miện căng mắt nhìn lên đồng hồ treo tường, không dám thở mạnh. Thời gian vô cảm trôi chậm như rùa bò.

Cát Thảo thấy chân tay mình đang lạnh dần đi. Càng sốt cao, chân tay lại càng lạnh ngắt. Con bé thấy tức thở. Hình như máu trong cơ thể còn ít quá, không đủ vận chuyển ô xi mang đi tiếp sức cho phổi và các tế bào. Người nó cứ nhẹ dần, nhẹ dần. Ở đâu đó phía xa xa, bỗng có một luồng ánh sáng chói lòa làm nó lóa mắt, vội nhắm tịt mắt lại. Có tiếng gọi thoảng nhẹ, văng vẳng: “Cát Thảo! Đi thôi con!”

Cát Thảo từ từ mở mắt. Mắt nó đã quen dần với luồng sáng đó. Nó thấy như có một bàn tay ai đó kéo nó lên, rất nhẹ. Thoắt cái, nó thấy rất dễ chịu, hơi thở trở lại nhẹ nhàng như trước khi ốm. Nó ngạc nhiên khi thấy mình có thể bay lên trần nhà. Nhìn xuống phía dưới, nó sợ hãi khi nhìn thấy chính nó đang nằm tím ngắt trên bàn cấp cứu. Các bác sĩ đang day tim, hồi sức cho nó. Mẹ nó khóc ngất, đang cúi xuống ôm chặt lấy nó. Bố nó thất thần, hết nhìn đồng hồ lại nhìn ra cửa như đang mong ngóng điều gì đó rất quan trọng. Nó thực sự không hiểu đang có chuyện gì xảy ra nữa. Nó thương mẹ nó quá, muốn ti mẹ mà sao không thể chạm vào mẹ.

– Đã đến lúc con phải đi rồi, duyên nợ trần gian đã hết. Hãy theo ta, đừng nuối tiếc. Họ chỉ có duyên làm cha mẹ con trong một kiếp luân hồi ngắn ngủi của con thôi.

Cát Thảo ngẩng mặt nhìn lên cao. Giờ nó mới nhìn rõ hình ảnh một người phụ nữ phúc hậu, ngự trên đài sen, tay cầm bình hồ lô cắm đầy cỏ xanh huyền ảo Toàn thân bà tỏa ra một ánh hào quang sáng chói khiến cho người bình thường không thể nhận ra bà được.

– Nhưng đó là bố mẹ con. Họ rất yêu thương con. Nếu con bỏ họ ra đi, họ sẽ rất đau khổ. Vì ngoài con ra, họ không còn đứa con nào khác.

– Con vốn là một loài cỏ xanh thơm quý trong vườn của ta. Vì mải chơi mà con lạc chân xuống hạ giới, đầu thai qua mấy kiếp người bệnh tật khổ hạnh. Giờ kiếp nạn của con đã hết, con phải trở về vườn với giống loài của mình thôi.

– Con cầu xin Bồ Tát hãy mở lượng từ bi, cho con được ở lại với bố mẹ con thêm một thời gian nữa được không ạ? Khi nào bố mẹ con có người con khác để bù đắp vào vị trí của con, con sẽ xin trở về với Bồ Tát ngay.

– Nếu thế thì con sẽ phải chịu thêm rất nhiều đau đớn nữa đấy! Ung thư là một bệnh hành hạ thân xác và tinh thần con người ta đến tận lúc chết. Con có chiụ được không?

Cát Thảo lặng im. Những ngày qua quả thực là chuỗi ngày quá kinh khủng đối với một một đứa trẻ như nó. Bao nhiêu mũi kim đâm nát da buốt thịt, sự hành hạ, tàn phá của hóa chất như thiêu đốt lục phủ ngũ tạng của nó… Nó có thể chịu đựng thêm được nữa không?

– Trần gian chỉ là cõi tạm. Thân xác rồi cũng trở về cát bụi. Mọi nỗi đau cũng chỉ là tạm thời. Tình yêu thương mới là vĩnh cửu. Hãy cho con thêm chút thời gian nữa…

Cát Thảo nói rõ ràng, mạch lạc như một người trưởng thành, sâu sắc. Thân xác một đứa trẻ chỉ là nơi trú ngụ tạm thời của một loại cỏ thơm có hàng nghìn năm tuổi và bất tử thôi.

Quầng sáng biến mất. Cát Thảo cảm thấy có cái gì đó đang từ từ chảy vào cơ thể mình, theo các tĩnh mạch, động mạch thấm dần ra toàn bộ tấm thân gầy gò bé nhỏ của nó. Thứ chất lỏng đó chảy tới đâu, nó cảm nhận được tới đó. Trái tim Cát Thảo đang thoi thóp đập trở lại. Trên monitor, đường sóng Pleth đang duỗi ra bỗng nhấp nhô, lượn sóng dù còn rất yếu. Kíp trực cấp cứu thở phào. Bà nội, ông bà ngoại và các bác, các cậu họ hàng nội ngoại hai bên gia đình đứng chật cửa phòng cấp cứu. Tay Cát Thảo huơ huơ. Bà Miện vội nắm chặt tay con đặt vào ngực mình. Đôi môi con bé dường như hơi hé cười. Đồng hồ trên tường nhẹ nhàng thả 12 tiếng chuông. Vậy là Cát Thảo đã bước sang tuổi thứ 3, sau một đêm sinh nhật tràn ngập máu và nước mắt.

***

Cát Thảo đã qua cơn nguy kịch nhưng còn rất yếu. Đây mới chỉ là đợt truyền hóa chất đầu tiên mà con bé đã suýt chết. Giờ hóa chất mới bắt đầu tàn phá ra các bộ phận khác trong cơ thể. Dạ dày bị xuất huyết, đi ngoài phân đen sì, có lúc còn ra nguyên máu tươi. Một mình bà Miện xoay xở không nổi. Bà ra gặp bác sĩ xin thêm tiêu chuẩn một người nhà nữa để hỗ trợ bà chăm sóc con nhưng không được. Nguyên tắc là nguyên tắc, không ưu tiên bất cứ ai. Vì khoa quá đông, thêm một người nhà là thêm nhiều nguy cơ lây bệnh cho bệnh nhi và chiếm mất không gian thở của các cháu. Phụ huynh đành dựa vào nhau để cùng chăm con cái.

Ông Phú sốt ruột, lo cho vợ con. Thỉnh thoảng bà Miện lại xin ra ngoài, đổi ca cho ông Phú vào chăm con một lúc. Mỗi gia đình được phát một cái áo màu vàng để có thể ra vào qua cổng kiểm soát. Ai không có áo vàng thì không vào được khoa.

Đêm muộn, bảo vệ bắt đầu tuýt còi, đi lùng sục từng phòng bệnh, nhắc nhở khách thăm và người nhà ra về để khóa cổng. Có người trốn vào nhà vệ sinh cũng bị bảo vệ đứng chờ bằng được bên ngoài để kiểm tra xem có áo vàng hợp lệ không. Bảo vệ ở viện này đã quá quen với mọi chiêu trò trốn tránh của người nhà bệnh nhân rồi nên hầu như không ai qua mặt được.

Bà Miện cởi áo vàng ra đưa cho chồng mặc rồi vội chui vào kho đựng dụng cụ lau chùi của cô lao công. Ở đây lâu, bà đã quen tất cả mọi nhân viên, y bác sĩ của khoa. Cô lao công rất thông cảm cho bà nên cũng hay tạo điều kiện cho bà được tắm giặt nhờ trong phòng này vì thương Cát Thảo bé và yếu quá. Cô ấy giúi bà vào trong xó tối giữa một đống chổi, xẻng, xô, chậu, giẻ lau và các chai lọ hóa chất khử trùng, khử mùi… rồi ra ngoài khóa cửa lại. Tiếng còi vang lên ngay ngoài cửa khiến bà sợ thót tim, cố thu mình lại, nín thở.

– Trong này có ai không?

– Kho dụng cụ vệ sinh, làm gì có ai. Bác buồn cười thật.

Giọng chị lao công tỉnh bơ.

– Tôi mà phát hiện cô bao che, giấu ai là tôi báo cáo bệnh viện, đuổi việc cô đấy!

– Tôi có rỗi hơi đâu mà đi làm cái việc ấy. Chả liên quan đến tôi. Tôi đi dọn nốt rồi còn về với chồng con đây. Làm việc ở cái khoa tử thần này căng thẳng chết mất!

Nói rồi cô bỏ đi. Ông bảo vệ lắc lắc cái khóa rồi cũng đi nốt. Bà Miện thấy tiếng còi và bước chân ông ta nhỏ dần về phía cuối dãy. Bà giật mình khi thấy vật gì mềm mềm vừa nhảy qua tay bà. Chít! chít! Ôi trời ơi chuột! Bà suýt hét toáng lên! Bà rất sợ chuột mà giờ đây trong cái xó xỉnh tối tăm này, bà đang đứng giữa một lũ chuột. Bà nghe nói chuột bệnh viện thường ăn những sinh phẩm và chất thải bệnh viện, thậm chí các các cơ quan, bộ phận cơ thể người nữa nên chúng rất to và như yêu tinh. Bà run bắn lên, tim như muốn rơi ra ngoài vì sợ mà không biết phải làm thế nào. Bảo vệ vẫn đang đi lùng sục, cô lao công chắc phải một lúc nữa mới quay về. Bà thấy chân mình ướt ướt. Hóa ra vì sợ quá, bà đã vãi đái cả ra quần lúc nào không hay. Bà mím chặt mồm, nuốt dòng nước mắt đắng cay. Bà không thể tưởng tượng được cuộc đời bà lại có lúc rơi vào địa ngục như thế này. Bà thấy ngộp thở. Mùi hóa chất khiến bà thấy ngột ngạt. Thôi chết! Nếu cô ấy không về kịp, có khi bà bị nhiễm hóa chất, chết ngạt ở đây cũng nên. Bà vội vén áo lên che mũi. Đúng lúc bà thấy sắp không chịu đựng được nữa thì có tiếng mở khóa lạch cạch. Bà nín thở.

– Chị ra đi. Lão ấy đi sang khoa khác rồi.

Bà loạng choạng bước ra, mặt mũi tái mét.

– Chị sao thế? Sợ quá hay sao mà mặt cắt không còn giọt máu nào thế kia?

– Tôi không sao cô ạ. Cảm ơn cô rất nhiều. Tôi xin lỗi vì suýt làm cô liên lụy.

– Không sao chị ạ. Bệnh nhân và người nhà khoa này khổ cực quá. Tôi cũng có con nhỏ nên tôi thương các cháu và các chị. Thôi chị về với con đi. Tôi cũng về với các cháu ở nhà.

Bà Miện nắm chặt tay cô lao công rồi mở hé cửa, bước ra.

Trong phòng, ông Phú đang ngồi bế con, lo lắng ngóng ra cửa đợi vợ. Lại một ngày trong khoa tử thần sắp trôi qua. Từ hôm vào đây, bà đã không còn khái niệm về thời gian nữa, không biết hôm này là thứ mấy, ngày bao nhiêu. Trong đầu bà chỉ còn các chỉ số máu, sinh hóa, tên các loại thuốc mỗi ngày Cát Thảo phải uống và truyển vào người. Bà cũng sắp thạo việc như một điều dưỡng viên thực thụ rồi. Ông bà đặt Cát Thảo nằm tráo đầu đuôi với thằng bé u tâm thất rồi trải chiếu xuống dưới sàn nhà. Ông Phú bảo vợ cố nằm chợp mắt một lúc, lấy sức mai còn chăm con. Đêm nay ông sẽ thức trông con thay bà. Bà Miện thơm vào má con rồi chui xuống gầm giường nằm ngủ để tránh bị lộ nếu y tá hay bác sĩ trực vào đột xuất. Mùi khai khai lẫn trong mùi cồn khử trùng cô lao công vừa lau nhà khiến bà nhộn nhạo, buồn nôn. Nhà cửa, vườn tược rộng thênh thang ở quê giờ đóng cửa hoang hóa. Cả nhà ôm nhau vạ vật nơi này. Nước mắt bà lại chảy ướt tấm áo vàng bà vừa cởi ra gối đầu tạm. Bà chìm vào giấc ngủ mệt mỏi và mộng mị.

***

“Ối con ơi! Sao con bỏ bố mà đi thế này? Bố vừa chợp mắt ngủ quên một tí mà con đã đi thế hả con ơi?”

Bà Miện choàng tỉnh, ngồi phắt dậy, đầu đập cốp vào gầm giường đau điếng. Bà quên mất là bà đang ngủ dưới gầm giường trong bệnh viện. Cú đập quá mạnh khiến bà choáng váng, nằm vật ra mãi mới tỉnh lại được. Ông Phú vội cúi xuống hỏi:

– Em có làm sao không? Anh nghe thấy cốp một tiếng to quá!

– Em đau quá anh ạ, nhưng cũng đỡ rồi. Có chuyện gì thế anh? Ai kêu khóc thế?

– Anh không biết. Em ra đi. Để anh bật đèn lên xem sao.

Ông Phú đỡ bà Miện ra khỏi gầm giường. Ai đó đã bật đèn sáng choang. Ở góc phòng, ông bố dân tộc Mường đến từ miền núi Hòa Bình đang hoảng hốt, ôm con khóc nức nở. Con gái ông năm nay đã 14 tuổi nhưng người nhỏ thó, gầy guộc. Đầu trọc lóc. Lúc nào nó cũng đội sùm sụp cái mũ để che đi cái đầu trọc, dù trời có nóng đến mấy. Nó đã lớn nên biết xấu hổ.

– Bác sĩ ơi! Cứu con tôi với! Con tôi làm sao thế này? Đừng bỏ bố mà đi thế con ơi!

Cả phòng chồm dậy, nhốn nháo. Tiếng trẻ con khóc ré lên vì bị đánh thức dậy giữa đêm khuya. Các cô y tá trực chạy vào.

– Bố bế con sang phòng cấp cứu ngay để các bác khám.

Người bố vừa khóc mếu, vừa bế thốc con lên. Con bé đã mềm oặt ra tự lúc nào, chân tay buông thõng thượt. Cái mũ trên đầu nó rơi ra, lộ ra cái đầu bóng loáng, trọc hếu.

Một lúc sau, người đàn ông ấy lê bước quay trở về phòng, vừa đi vừa khóc tức tưởi. Tiếng khóc của đàn ông nó đau đớn, nghẹn ứ trong cổ, vừa thu xếp đồ đạc, ông vừa đấm thùm thụp vào ngực tự trách mình:

– Tại bố ngủ quên, tại bố ngủ quên nên con đi lúc nào không biết. Bố không cứu kịp con. Hu hu!

– Cháu sao rồi hả bác?

– Cháu đi rồi chú ạ. Tại tôi, tại tôi…

– Số mệnh cháu đến đây thôi anh, anh đừng tự trách mình nữa. Chúng ta đã cố gắng hết sức để lo cho các con rồi.

Mỗi người trong phòng không ai bảo ai, lục tìm trong ví lấy ra ít tiền đặt vào tay người đàn ông dân tộc Mường ấy.

– Chúng tôi có chút tấm lòng, gửi anh về lo cho cháu.

– Ấy chết! Tôi không dám nhận đâu. Các anh chị còn phải tốn kém, vất vả rất nhiều.

– Là tấm lòng của chúng tôi dành cho cháu, anh đừng từ chối kẻo cháu nó tủi thân.

Người bố nhìn lại cái giường con ông nằm lần cuối rồi nặng nề bước ra khỏi phòng. Ông chắp tay vái tạ mọi người rồi quay lưng bước đi. Tiếng còi xe cứu thương hú lên vài hồi rồi mất hút trong màn đêm. Sáng hôm sau, y tá cho thay ga, chiếu của cái giường ấy. 8 giờ sáng. Lại thấy một đoàn người lôi thôi lếch thếch khóc mếu kéo nhau vào. Một bệnh nhi mới được phân vào thế chỗ cô bé người Mường vừa mất đêm qua. Đứa bé vừa đẻ ra đã bị u não. Người mẹ trẻ tai còn nút bông, đầu quấn khăn, chân đi tất, khóc nức nở. Sữa chảy ướt hai bên ngực áo. Người ta vừa chuyển hai mẹ con chị từ khoa sản bệnh viện phụ sản Hà Nội ngay gần đấy sang thẳng khoa ung bướu viện nhi trung ương. Đứa bé còn chưa kịp được về đến nhà mình.

Cả phòng thở dài thườn thượt…

***

Đã gần một tháng trôi qua, ông bà Phú Miện quay cuồng với con trong khoa tử thần. Cát Thảo cũng dần dần qua cơn nguy kịch, đang phục hồi sau giai đoạn truyền hóa chất lần thứ nhất. Ông Phú phải về quê giải quyết công việc. Từ lúc con ốm, hai vợ chồng đều phải xin nghỉ phép để chăm con. Ông nhờ chị gái lên giúp ông chăm cháu. Bà Phượng là chị cả trong nhà, tất tả xách đồ lên viện chăm cháu thay em. Thấy bà Miện cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, thỉnh thoảng lại ngồi thừ người ra thẫn thờ, bà Phượng sốt ruột bảo:

– Mợ xuống dưới sân đi lại cho khuây khỏa đi. Đi loanh quanh đây đó cho đầu óc nó đỡ bí bách, chân tay đỡ cuồng.

– Thôi bác ạ. Em sốt ruột lắm, không bỏ cháu đi đâu được. Từ hôm đưa cháu vào đây, em chưa ra đến cổng lần nào. Chỉ đi từ đây sang các phòng để chiếu chụp và xét nghiệm thôi.

– Ôi thế không được. Mợ cứ u uất thế này thì nguy hiểm lắm. Cát Thảo ngoan, để cháu chơi với bác nhỉ? Lâu lắm hai bác cháu mình không được chơi với nhau.

Bà Phượng dỗ dành rồi bế Thảo lên. Bà lấy đồ chơi ra cho cháu rồi “đuổi” bà Miện ra ngoài. Bà Miện miễn cưỡng đi ra thang máy xuống tầng 1. Buổi tối ở viện nhi không còn đông đúc như ban ngày. Đầu mùa hè nên trời cũng bắt đầu oi nóng. Nhiều người bế con đi xuống sân hóng mát, rong cho con ăn. Mỗi tầng ở tòa nhà 8 tầng này là một khoa khác nhau. Tầng 7 là khoa ung bướu, tầng 8 là khoa phổi. Tự dưng bà nghĩ: Ước gì Cát Thảo chỉ bị viêm phổi thôi. Điều trị một hai tháng là được về. Chứ như thế này thì đường về xa xôi quá!

Bà thơ thẩn đi trên đường, nhìn quanh không biết cả lối nào ra cổng nữa. Bà bị rơi vào trạng thái mất phương hướng kể từ hôm con nhập viện. Bà lại quay về, ngồi xuống ghế đá nhìn lên tầng 7, tìm xem đâu là phòng của Cát Thảo. Phòng bệnh nào cũng giống nhau. Phải căng mắt nhìn mãi bà mới thấy cái váy của con phơi phất phơ ngoài ban công. Đêm đầu tháng, mảnh trăng lưỡi liềm chênh chếch phía đầu hồi như cứa vào trái tim đau khổ của người mẹ. Có tiếng ngáy khò khò, nặng nhọc gần đấy làm bà giật mình nhìn sang. Một người đàn ông gầy gò đang nằm co quắp trên ghế đá bên cạnh. Ông ta úp cái mũ vào mặt để ngủ. Muỗi vo ve, cắn tịt cả chân bà. Chắc muỗi cũng chẳng buông tha ông ấy. Nhìn cảnh này, bà chợt nhớ đến chồng. Có lẽ ông Phú cũng có lúc phải nằm ngủ vạ vật như vậy. Bà bảo ông ra ngoài cổng thuê phòng ở nhưng ông không chịu. Ông bảo ông chầu chực ở bên ngoài để hai mẹ con có việc gì cần gấp là ông có thể chạy vào ngay cho kịp. Khổ thân ông. Nhưng nhiều người đi nuôi bệnh nhân dài ngày quá, không có tiền thuê chỗ ăn ngủ, đành vạ vật ghế đá, hiên nhà bệnh viện tá túc qua ngày. Ngồi một lúc, bà sốt ruột, lại trở về phòng với con.

***

Sáng ngủ dậy, dọn chăn màn, bà giật mình khi thấy chỗ nào cũng có tóc. Bà run run nhặt từng sợi lên, nhìn chăm chắm vào nó rồi đưa lại gần mái tóc của con gái. Những sợi tóc tơ hoe hoe, giống hệt tóc trên đầu Cát Thảo. Vậy là hóa chất đã bắt đầu làm tóc con bé bị rụng. Bà run rẩy đưa tay ra vuốt nhẹ mái tóc con. Vài sợi tóc đã rụng ra theo tay bà. Trái tim bà thắt lại. Bà tìm một cái túi nilon nhỏ, cẩn thận cất từng sợi tóc vào đó như cất báu vật. Ngày nào bà cũng nhặt, gần như không bỏ sót một sợi nào. Túi tóc cứ ngày một đầy lên đồng nghĩa với việc mái tóc tơ suôn mượt của con bé càng ngày càng mỏng đi, còn lại ít sợi loe ngoe trên đầu. Mọi người thấy vậy cứ động viên rồi tóc sẽ mọc lại, quan trọng là sức khỏe của con thôi.

Bác sĩ cho Cát Thảo khám sức khỏe, xét nghiệm lại lần nữa. Đọc xong tập kết quả xét nghiệm, bác sĩ Bích Huệ mỉm cười nhìn Cát Thảo:

– Cô bé này chiến đấu thật kiên cường. Nói thật, bác không nghĩ là con có thể trụ vững được đến ngày hôm nay đâu. Bác cho cả nhà ra viện, về nhà nghỉ ngơi ba ngày rồi lại vào chiến đấu tiếp đợt thứ hai nhé!

Bà Miện thở phào, cảm ơn bác sĩ rồi gọi điện báo cho ông Phú vào thu dọn đồ đạc để về nhà. Được về nghỉ giải lao có ba ngày thôi mà cả phòng tíu tít chia tay Cát Thảo cứ như thể con bé khỏi bệnh được xuất viện ấy. Ông bà chào mọi người ra về, không quên gửi quà cảm ơn cho các bác sĩ và các cô y tá trong khoa.

Trở về sau hơn một tháng chăm con ở bệnh viện, bà Miện thấy nhà cửa bừa bộn, bụi phủ trắng xóa. Bà vội vàng xắn tay áo lên để quét dọn, lau chùi thật sạch sẽ nhà cửa, rửa sạch từng món đồ chơi cuả con. Bác sĩ dặn không được cho Cát Thảo tiếp xúc với cái gì bẩn kẻo con bé sẽ nhiễm khuẩn và ốm.

Bà đi chợ mua thức ăn về bồi dưỡng cho chồng con. Những ngày ăn uống tạm bợ ở viện, ông bà gầy rộc hẳn đi. Bà nấu những món ông Phú thích. Bác Phượng mua chim bồ câu đến để hầm cháo cho cháu. Ông bà ngoại, bà nội, các bác, chú, thím, cậu, mợ mua bao thứ đến cho Cát Thảo. Ba ngày ngắn ngủi trôi qua quá nhanh. Vèo cái đã hết. Nghĩ đến ngày mai lại phải trở lại khoa tử thần, hai vợ chồng nhìn nhau ngán ngẩm. Bà quyết định gọi điện xin bác sĩ Huệ cho nghỉ thêm hai ngày để cả nhà kịp lại sức trước khi bước vào trận chiến đấu mới. Bác Huệ đồng ý nhưng nhắc càng ở nhà lâu, càng không tốt cho con. Bà vâng dạ.

Hôm sau, bà bàn với chồng cho con đi chơi đâu đó cho khuây khỏa. Cả tháng nằm trong viện, con bé bị hành xác bởi cả tấn thuốc với hàng trăm mũi tiêm truyền. Đằng nào thì chuyện sống chết cũng vô cùng mong manh, chẳng biết lần này vào viện, số phận con bé sẽ ra sao. Nên giờ mỗi ngày con bé còn được sống là bà phải cho con tận hưởng cuộc sống này. Ông Phú cũng đồng tình với vợ.

Hai ông bà cho con đi chơi công viên, đi xem xiếc, đi bơi thuyền thiên nga trên hồ. Cát Thảo đội mũ, đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe. Được đi chơi khắp nơi, con bé thích quá, cười reo thích thú, ôm cổ bảo bố mẹ:

– Chúng ta đừng vào viện nữa nhé! Con ghét bệnh viện lắm. Con ứ thích bác sĩ đâu.

Ông Phú bà Miện nhìn nhau rớt nước mắt. Cả nhà ôm chặt nhau, để cho con thuyền thiên nga trôi vô định trên mặt hồ mênh mông lăn tăn sóng nước.

***

Ba ngày hay năm ngày rồi cũng trôi qua, chẳng có lý do gì để trì hoãn nữa, cả nhà ông Phú lại tay xách nách mang ôm con lên viện nhi. Lại xếp hàng khám, lấy máu xét nghiệm, chiếu chụp từ đầu. Sức khỏe của Cát Thảo phải đạt yêu cầu thì mới được nhập viện điều trị tiếp. Mãi đến gần trưa mới làm xong mọi thủ tục để về phòng. Khi bước chân trở lại khoa ung bướu, bà Miện thấy mấy ngày được về nhà chỉ như một giấc mơ ngắn ngủi. Những ngày tiếp theo ở đây mới là hiện thực phũ phàng và không biết có ngày trở về nguyên vẹn hay không. Đã vào khoa ung bướu thì qua ngày nào biết ngày ấy thôi, không tính xa được.

Thật may là lần này vào, ông bà đăng ký được phòng dịch vụ, mỗi cháu một giường nên bà Miện không phải nằm ngủ dưới đất nữa. Hai mẹ con nằm một giường cũng thoải mái hơn. Ông Phú ra vào cũng đỡ khổ hơn.

Bắt đầu truyền hóa chất đợt hai. Vừa nhìn thấy cô y tá mang khay thuốc và kim bướm vào lấy ven, Cát Thảo đã sợ hãi khóc thét lên, giấu tay đi. Nịnh thế nào con bé cũng không đưa tay ra. Cô y tá đành phải lấy ven và đặt kim truyền ở chân nó. Việc đi lại sẽ bất tiện hơn là đặt kim ở tay.

Hóa chất lần sau sẽ mạnh hơn lần trước. Cơ thể Cát Thảo mới được nghỉ ngơi mấy ngày, chưa kịp hồi phục hẳn đã bị vùi dập tiếp.

Ông Phú phải trở về quê để đi làm. Ông không thể nghỉ lâu quá được. Bà Miện bắt buộc phải xin nghỉ việc vô thời hạn để chăm con ốm. Bà là giáo viên, giờ sắp kết thúc năm học nên phải hoàn thiện, ký một loạt sổ sách của các lớp bà dạy. Các chị em cùng tổ thay phiên nhau dạy hộ bà rồi mang sổ lên tận viện thăm cháu và đưa sổ cho bà ký. Họ dạy hộ nhưng bao nhiêu tiền lương, gom hết lên đưa đầy đủ cho bà, không lấy của bà một đồng. Thỉnh thoảng các chị em lại lên viện thăm Cát Thảo và động viên bà Miện vượt qua khó khăn. Trong cơn hoạn nạn cùng quẫn, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… vẫn hết lòng giúp đỡ bà khiến cho bà cũng được an ủi phần nào.

Hóa chất bắt đầu ngấm, Cát Thảo bắt đầu phản ứng lại với thuốc. Con bé nằm co quắp trên giường, thở khò khè, sốt cao. Bà ngoại phải mang cái ấm điện siêu tốc từ nhà lên để bà Miện đun nước nóng chườm liên tục cho Cát Thảo. Thuốc hạ sốt không thể uống quá nhiều và quá liều, rất hại gan. Sau một quá trình điều trị dài ngày, cả thuốc hạ sốt và hóa chất đã tàn phá khiến gan con bị tổn thương. Men gan tăng rất cao. Bác sĩ lại kê thêm thuốc hạ men gan. Cứ một vòng luẩn quẩn như thế. Chưa chữa xong bệnh này thì đã phải quay sang chữa bệnh kia rồi. Da dẻ Cát Thảo tái xám vì hóa chất. Tóc rụng gần hết, chỉ còn lơ thơ vài sợi sót lại hai bên tóc mai. Mọi người bảo bà cắt nốt đi cho gọn nhưng bà nhất quyết không cắt. Sợi nào rụng thì phải chịu chứ bà phải nâng niu giữ từng sợi tóc cho con. Dù sao, Cát Thảo cũng là con gái, phải có tóc chứ!

Gần trưa, bà thấy mấy bố mẹ phòng bên cứ thì thụt giã giã cái gì ở hành lang phía sau. Mặt mũi ai nấy đều lấm lét, nhìn trước ngó sau, trông chừng ra cửa như sợ bị phát hiện. Một lúc thì bà bỗng thấy một mùi thơm rất quen thuộc bay sang cả phòng bà. Đang bận chườm hạ sốt cho con mà bà cũng phải dừng tay để ngó sang. Phòng này với phòng bên ấy chỉ ngăn cách nhau bằng một vách kính nên nhìn rõ sang nhau được. Hóa ra họ xì xụp nấu canh cua ăn với nhau. Bà ngạc nhiên không hiểu tại sao trong lúc nước sôi lửa bỏng, giành giật sống chết cho con như thế này mà họ vẫn có thể nghĩ đến chuyện ăn uống để thỏa mãn cơn thèm của bản thân như thế. Từ ngày con ốm, ông bà ăn không ngon, ngủ không yên. Chẳng tha thiết điều gì ngoài mong có một phép nhiệm màu cho Cát Thảo vượt qua cơn bạo bệnh. Hơn nữa, mang cả cua vào phòng điều trị của con để nấu thì thật quá liều và thiếu ý thức. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe của chính con em họ và nếu bác sĩ phát hiện ra thì họ sẽ bị đuổi khỏi viện.

Cát Thảo tiếp tục sốt cao. Bà đun liền mấy ấm nước để chườm cho con mà nhiệt độ cơ thể vẫn không giảm xuống. Đang chườm thì có ai đó kêu toáng lên là chập điện. Mùi khét lẹt. Điện trong phòng tắt ngúm. Mọi người nháo nhác đi tìm xem chập cháy ở đâu. Hóa ra cái ấm siêu tốc bà Miện đun liên tục, quá tải nên bị cháy. Cầu dao phòng tự động sập xuống ngắt điện bảo vệ. Bác Trung giường đối diện chạy sang rút ổ cắm ấm điện ra hộ bà rồi cho bà mượn ấm khác.

Bác sĩ cho Cát Thảo truyền kháng sinh liều cao và tiếp tục thêm kháng viêm. Những loại kháng sinh thế hệ mới nhất nhập từ Úc, Mỹ đều được mang ra dùng để điều trị cho các bệnh nhân ung bướu. Bác sĩ trưởng khoa vừa đi hội thảo và bồi dưỡng chuyên môn y dược quốc tế ở Úc về mang theo những phương pháp điều trị tiên tiến. Bà Miện cùng các bố, mẹ bệnh nhi le lói chút hy vọng vào sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, mặc dù có những loại thuốc mới đang thử nghiệm, chưa phổ biến rộng rãi vì chưa lường hết được công dụng và tác dụng phụ của nó. Biết là chuột bạch đấy mà họ vẫn phải lạc quan và tin tưởng, dẫu rất mong manh. Biết đâu…

***

Có tiếng ồn ào phòng bên cạnh. Một chị dân tộc ít người đang ôm đứa con nhỏ oặt oẹo trên tay. Cô ấy không nói được tiếng Kinh nên không hiểu mọi người nói gì. May quá có một bác trước đây đã từng đi bộ đội, đóng quân ở miền núi nên cũng biết đôi chút ngôn ngữ vùng ấy. Bác đọc bệnh án rồi giải thích cho người mẹ trẻ rằng con chị bị ung thư máu, bệnh rất nặng, cần ở lại viện để chạy chữa. Chị bảo nhà chị xa lắm, ở nhà còn mấy đứa trẻ nữa cơ. Nếu chị ở đây thì không có ai đi làm nương rẫy nuôi chúng. Mọi người hỏi thế chồng chị đâu? Chị bảo nó suốt ngày uống rượu say xỉn rồi ngủ, ngủ dậy lại mắng chửi vợ con, đòi tiền đi uống rượu, không giúp được gì. Để chị đưa con về nhờ thầy cúng cúng đuổi con ma đi là sẽ khỏi. Nếu Giàng bắt nó đi thì cũng phải chịu thôi. Giải thích thế nào chị cũng không ở lại, mặc dù bệnh nhi dân tộc thiểu số cũng được hưởng chính sách ưu tiên riêng. Chị cứ thế bế con và xách tay nải đi về, chả thèm cầm theo mớ giấy tờ, hồ sơ, bệnh án. Chị bảo: thầy cúng không biết cái chữ của người Kinh. Giàng cũng không đọc được cái chữ của người Kinh nên chị cũng không cần. Đôi khi, sự vô tư và hồn nhiên cũng khiến cho con người ta đỡ cảm nhận được sự sợ hãi và đau đớn, cũng tốt. Nhất là trong trường hợp này.

Chiều nay, có đoàn bác sĩ đang học thạc sĩ từ trường Đại học Y Hà Nội sang khoa ung bướu thực tập. Một cô lại giường của Cát Thảo để khám. Cô nhẹ nhàng hỏi:

– Chị ơi! Cháu là con thứ mấy của chị ạ?

– Dạ, con đầu lòng cô ạ.

– Chị sinh cũng muộn nhỉ?

– Vâng. Vợ chồng chúng tôi hơi muộn con. Mà cô cho mẹ cháu hỏi, bệnh này có di truyền không? Sau này nếu tôi sinh nữa thì các cháu liệu có mắc bệnh này không ạ? Có phải vì tôi cho con ăn uống phải những chất độc hại nên con tôi mới bị ung thư không? Trẻ con mới được vài ba tuổi, sao có thể bị nhiễm độc mà lâm bệnh như người lớn được chứ?

Bà hỏi dồn dập. Bao nhiêu băn khoăn, thắc mắc ngày thường không dám hỏi y tá, bác sĩ, giờ mang ra hỏi hết cô bác sĩ thực tập cho thỏa lòng. Bác sĩ nhẹ nhàng, từ tốn đáp:

– Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho một người có thể mắc bệnh ung thư máu, trong đó có cả yếu tố di truyền, lối sống và tác động của môi trường sống xung quanh. Nhưng di truyền không phải là truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà là do sự đột biến DNA khiến lượng bạch cầu tăng đột biến. Ai cũng có nguy cơ bị mắc một căn bệnh ung thư bất kỳ, kể cả chị và tôi, không chỉ là ung thư máu. Trong quá trình mang thai, nếu người mẹ sử dụng các chất kích thích hoặc tiếp xúc với các nguồn bức xạ và hóa chất thì đứa trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao. Trẻ em sống ở vùng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh cả, không phân biệt người giàu hay nghèo, sống ở nông thôn, miền núi hay thành phố. Trong khoa này hiện cũng có một số cháu là con cháu những quan chức làm trong ngành y tế nữa. Họ có phải là không có điều kiện đâu. Thế nên, sau này nếu chị muốn sinh con tiếp thì chị cứ sinh bình thường. Trời kêu ai người nấy dạ thôi chị ạ.

– Vậy là số phận rồi cô ạ.

– Vâng. Khoa học thì không nói về số phận nhưng có nhiều việc xảy ra trong cuộc đời, khi chúng ta không thể thay đổi được thì cứ tạm đổ cho số phận vậy.

– Cảm ơn cô,

– Dạ, không có gì chị ạ. Chúc bé Cát Thảo và các cháu bé vượt qua được bạo bệnh chị nhé!

– Chúng tôi mong như thế lắm. Cảm ơn bác sĩ.

***

Lần truyền hóa chất này, ông bà Phú Miện dự liệu trước tình hình sẽ lại thiếu máu nên đã đặt dự phòng trước từ Viện huyết học và truyền máu trung ương. Khi Cát Thảo bắt đầu tụt tiểu cầu thì đích thân ông thuê xe ôm chở sang viện huyết học mua máu về truyền cho con kịp thời nên Cát Thảo không bị rơi vào tình trạng nguy kịch như lần trước. Nhưng qua được đợt truyền hóa chất này thì Cát Thảo cũng rất yếu, hai chân teo tóp, không đứng dậy được. Hai mắt còn bị lác xệch đi. Ông bà ngoại lên thăm mà không nhận ra cháu nữa. Bà mua cho cháu đôi dép có gắn cái kèn kêu chíp chíp để cho cháu tập đi. Lúc mười tháng rưỡi, chính bà và mẹ nó đã từng tập đi cho con bé cũng bằng một đôi dép chíp chíp như thế này. Giờ sang tuổi thứ ba, con bé lại phải tập đi lại từ đầu, chập chững đi từng bước từ phía bà sang vòng tay mẹ và ngược lại. Còn đôi mắt, bác sĩ nói sau một thời gian sẽ trở lại bình thường, nhưng hóa chất sẽ khiến thị lực của Cát Thảo bị kém đi. Sau này lớn, con sẽ phải đeo kính.

Đêm muộn, trời mùa hè nóng nực, phòng bệnh nóng như thiêu. Bà Miện đặt cái quạt bàn vào góc giường cho thổi thốc gió thẳng vào người hai mẹ con. Con bé trằn trọc mãi mới ngủ được, hơi thở còn hơi rít, chưa nhẹ lắm. Chườm hạ sốt nhiều quá lại sinh ra viêm phổi. Chiều nay bác sĩ vừa cho đi chụp X – quang. Bà có cảm giác mọi thứ bệnh tật đang lần lượt đổ hết lên cơ thể bé nhỏ, đáng thương của Cát Thảo mà cứ phải chịu đựng và chống đỡ chứ không có cách nào tránh được. Con nhà người ta chỉ vừa bị hắt hơi, sổ mũi thôi là cả nhà đã cuống quýt, lo lắng rồi. Vậy mà giờ với những bệnh nhi ung thư như Cát Thảo, đến cả bệnh tim, phổi, mắt, gan, dạ dày… cũng trở nên quá bình thường. Những cơn đau nhức nhối từ trong xương tủy còn khủng khiếp hơn nữa. Nhiều đêm bà phải thức trắng để xoa bóp cho con.

Đợi cho con bé ngủ say, bà mới khẽ khàng trở dậy đi vệ sinh và tắm giặt. Mùa hè, giờ cao điểm, nước chảy lên tầng 7 rất yếu, nhà vệ sinh lại chật chội, bệnh nhân và người nhà xếp hàng chen chúc nhau. Bà toàn cố đợi đến nửa đêm mới đi tắm giặt cho vắng. Biết là khá nguy hiểm cho sức khỏe, dễ đột quỵ nhưng bà cũng chẳng còn cách nào nên đành liều.

Bà mở cửa nhà vệ sinh thật khẽ rồi bước vào. Nửa đêm nên bà không muốn ảnh hưởng đến giấc ngủ khó khăn của người khác. Phía trong nhà tắm có tiếng vòi nước chảy rào rào. Có ai đó cũng tranh thủ tắm giặt đêm giống bà chăng? Hay là ai lại quên không vặn vòi nước nhỉ? Bà định đưa tay đẩy cửa bước vào thì bỗng nghe thấy những tiếng động rất lạ phía bên trong.

Những tiềng bì bọp, va đập rất bất thường. Tiếng giọng nói thì thào, đứt quãng trong hơi thở hổn hển.

– Anh làm thế này nhỡ ai thấy thì chết! (Giọng nữ).

– Không sao đâu em, không làm thì mới chết ấy. (Giọng nam).

– Nhưng em chẳng có hứng thú gì. Con đang ốm đau bệnh tật thế…

– Nhưng cả tháng nay quay cuồng, vật lộn với con, vợ chồng mình đã không được gần gũi nhau rồi.

– Giờ con ốm thế, em chả thiết tha gì.

– Thôi, em thông cảm cho anh, dù sao anh là đàn ông, vẫn có nhu cầu…

Tiếng bì bọp càng dồn dập, gấp gáp hơn. Bà Miện vội vã bước ra ngoài, cố gắng không gây tiếng động, không kịp mang theo chậu quần áo. Thôi cứ để đấy, đợi vợ chồng nhà ấy xong việc bà mới vào vậy.

Bà ngẫm lại thấy thương cho tất cả những gia đình phải vào đây,  lấy bệnh viện làm nhà. Cả hai vợ chồng kia đều đúng. Khi con cái đổ bệnh, mà lại là bệnh ung thư, bố mẹ cũng như chết dần chết mòn theo con, chẳng còn thiết tha vui thú gì trên đời nữa. Nhưng việc chữa bệnh không phải là ngày một ngày hai. Nó kéo dài cả tháng, cả năm trời, thậm chí nhiều năm trời dài đằng đẵng. Thế nên, sau thời gian đầu bị sốc thì dần dần, mọi người cũng phải học cách chấp nhận và sống chung với lũ, sống chung với bệnh tật, thuốc men. Các ông bố bà mẹ sẽ phải tiếp tục vừa đi làm, vừa chăm con ốm. Những nhu cầu sinh lý rất con người sẽ xuất hiện trở lại và cần phải được đáp ứng. Thậm chí, nhiều cặp vợ chồng đã tiếp tục sinh thêm con. Có lẽ một lúc nào đó, bà cũng phải nghĩ đến chuyện này, dù vô cùng hoang mang và lo sợ.

***

“Tùng dinh dinh, tùng tùng tùng dinh dinh!” Có tiếng trống ếch tùng dinh từ ngoài phòng cộng đồng vọng vào. Lẽ nào đã chuẩn bị tới rằm trung thu nhỉ? Vậy là Cát Thảo đã chiến đấu xong ba trận, giờ đang đánh trận thứ tư rồi. Thời gian trong này là thời gian chết nhưng ở ngoài kia, thời gian vẫn cứ trôi đi. Hết xuân đến hạ, giờ đã sang thu. Bà Ngát đi từng phòng nhắc các bố các mẹ cho con xuống hội trường bệnh viện dự Tết trung thu do các quỹ từ thiện phối hợp cùng bệnh viện tổ chức cho các cháu bệnh nhi đang phải điều trị nội trú trong viện. Cháu nào đang phải truyền thuốc hoặc yếu quá không đi được thì sẽ có các tình nguyện viên vào tận giường bệnh tặng quà thăm hỏi. Cát Thảo đã truyền xong thuốc, người tỉnh táo, nhưng sao bà chẳng muốn đi. Cái cảm giác bị ai đó thương hại, ban ơn, ban phát, bố thí… nó cứ tủi hờn sao ấy. Khoa tử thần có lẽ là khoa có đông các đoàn thiện nguyện đến thăm nhất. Phòng cộng đồng và các phòng bệnh đều được vẽ tranh hoạt hình, cỏ cây, hoa lá để làm dịu đi sự mệt mỏi, đau đớn luôn ngự trị nơi đây. Các tình nguyện viên, nhà hảo tâm mang bánh, sữa, đồ chơi, sách, truyện, tiền bạc… đến tặng cho các cháu bé và các gia đình quá khó khăn. Nhiều lúc bà nhận rồi lại chia bớt cho các cháu khác.

Tiếng trống ếch lại vang lên rộn ràng như thúc giục con trẻ. Cát Thảo chạy lon ton ra ngoài theo tiếng trống làm cho bà Miện phải chạy theo con. Hai mẹ con theo chân các bệnh nhi và người nhà từ khắp các khoa đổ về hội trường lớn. Sân khấu được trang hoàng rực rỡ với rất nhiều bóng bay. Sau màn phát biểu của bác giám đốc bệnh viện và trưởng đoàn thiện nguyện là đến các tiết mục văn nghệ, xiếc, hài kịch. Nhìn những em bé xinh như thiên thần đang nhảy múa, hát ca vui vẻ, bà quay sang nhìn con mình và những đứa trẻ ngồi phía dưới, da dẻ xanh xao, vàng vọt, lòng trào dâng một nỗi xót xa. Nước mắt lại chảy ướt nhòe khuôn mặt.

Lạy trời lạy Phật phù hộ độ trì cho gia đình bà, Cát Thảo đã vượt qua được chặng đường thứ tư. Sức khỏe con bé đã khá hơn một chút. Giai đoạn chiến đấu ác liệt nhất đã qua rồi, chỉ còn một lần truyền hóa chất cuối cùng nữa là có thể được về nhà duy trì, uống thuốc, hàng tháng lên viện khám định kỳ điều chỉnh thuốc thôi. Bác sĩ nói đợt cuối sẽ khá nhẹ nhàng. Ông bà Phú Miện len lén thở nhẹ ra. Về nhà nghỉ ngơi lần này, bà Miện đi tháo vòng, chuẩn bị cho một kế hoạch đặc biệt.

***

Cầm giấy ra viện trên tay, ông bà Phú Miện như trút được tảng đá nghìn cân trong lồng ngực. Vậy là sáu tháng chiến đấu, vật lộn để giành giật sự sống cho con từ tay thần chết trong khoa tử thần cũng đã qua. Trong suốt sáu tháng ấy, đã không ít lần ông bà tưởng đã bị mất con rồi. Trong sáu tháng ấy, ông bà cũng tận mắt chứng kiến hàng chục trẻ bị ung bướu phải ra đi trong đau đớn, vật vã, hàng chục gia đinh phải gạt nước mắt đưa con về chữa thuốc nam cầm cự tại nhà vì quá nghèo, không có tiền chạy chữa. Có người vừa điều trị cho con ở bệnh viện, vừa đi cầu cúng khắp đền kia miếu nọ, những mong vái tứ phương, chữa cả đường âm lẫn đường dương. Bác sĩ Thủy trưởng khoa, bác sĩ Bích Huệ và các cô y tá đều rất vui mừng khi thấy Cát Thảo vượt qua được năm cửa ải vô cùng khó khăn. Họ không ngờ một cô bé nhỏ xíu thế này mà lại có thể chống chọi với bệnh tật can trường đến thế. Ông bà bế con đi chào mọi người trong khoa, tặng lại một số đồ dủng cho các gia đình bệnh nhi khác. Thực sự, bà muốn nói một lời vĩnh biệt với nơi này, xóa sạch ký ức về nơi địa ngục trần gian này, không muốn gặp lại bất cứ ai ở nơi đây, những con người chỉ gợi lại cho bà những ngày tháng đầy bất hạnh và đau khổ. Bà cầu mong sẽ không bao giờ phải bước chân vào khoa ung bướu thêm một lần nào nữa.

Sáu tháng qua sẽ chỉ là một cơn ác mộng quá dài mà thôi.

Về nhà, việc đầu tiên là bà kê một cái giường nhỏ ở phòng ngoài, chỗ có cửa sổ nhìn ra vườn cho Cát Thảo nằm nghỉ ngơi và chơi ở đó lúc ban ngày. Con được tắm nắng buổi sớm, được ngắm hoa lá, cỏ cây trong vườn nhà, nghe tiếng chim hót líu lo trên cây. Tiết trời đã chuyển sang nửa sau của mùa thu, mát mẻ, dễ chịu hơn. Bà lên thực đơn, tìm những công thức nấu món ăn bổ dưỡng nhất, bổ máu nhất để nấu cho con ăn. Sức khỏe của Cát Thảo hồi phục dần dần. Tóc con bắt đầu nhu nhú mọc trở lại.

Buổi sáng, bà cắp rổ ra vườn hái rau. Cả mấy tháng nay, ông bà đi viện chăm con ốm, vườn rau gần như bỏ hoang hóa, xác xơ, cỏ dại mọc đầy. Bà sẽ phải trồng lại vườn rau này để lấy rau sạch. Bộp! Một trái ổi vàng ươm vừa rụng ngay trước mặt bà. Ổi chín thơm lừng. Bà nhặt lên, đưa lên mũi hít hà. Bà bỗng thấy trong bụng nhộn nhạo, lợm giọng rồi ọe ra. Bà ngạc nhiên không hiểu tại sao. Hay bà ăn phải cái gì lạ nhỉ? Hay sáng ra trúng gió? Bà cầm trái ổi vào bếp rửa sạch rồi đưa cho Cát Thảo. Con bé âu yếm đưa quả ổi vào miệng mẹ bảo mẹ ăn. Mùi ổi thơm xộc vào mũi lại làm bà váng vất, ậm ọe. Bà chột dạ. Bà đi mua que thử thai. Nửa đêm về sáng, bà lấy que ra thử và hồi hộp chờ kết quả. Một vạch rồi hai vạch từ từ hiện lên thật rõ nét. Bà thót tim, vội báo tin cho chồng biết. Ông Phú ôm bà vào lòng, nói khẽ:

– Con cái là của trời cho em ạ. Ông trời sẽ không lấy đi của ai tất cả, mất cái nọ sẽ bù cho cái kia.

Bà sờ tay lên bụng nhưng giờ chưa cảm nhận được gì vì bào thai còn quá bé. Bà quay sang nhìn Cát Thảo. Con bé đang mỉm cười trong giấc mơ ngoan. Bà nằm cạnh chồng con nhưng không ngủ lại được nữa, nửa mừng, nửa lo, hồi hộp thao thức cho đến sáng.

****

Bà Miện lại nghén giống y hệt lần trước, không làm, không ăn được gì, cứ nôn ọe suốt ngày. Bà tiếp tục phải xin nghỉ việc. Cái số bà nó thật là vất vả đường con cái. Cứ hễ mang bầu, sinh con là lại phải nghỉ làm nên con đường sự nghiệp cứ đứt quãng, không phấn đấu được bằng bạn bằng bè. Ông bà ngoại sốt ruột, xót con, xót cháu nên đón cả hai mẹ con bà về để chăm sóc. Bà ngoại đã già yếu thế nhưng vẫn lụi cụi đi chợ, nấu cơm. Cũng may, chợ ngay gần nhà.

Ngày nào bà cũng nằm dài ở ghế, mệt mỏi đếm thời gian trôi. Người lúc nào cũng bâng khuâng, nôn nao như người say sóng. Với bà, trên đời này có lẽ không có việc gì đáng sợ bằng việc ốm nghén, sinh đẻ và nuôi con mọn. Nó mệt mỏi và đằng đẵng kéo dài tưởng chừng không bao giờ chấm dứt.

Trộm vía, Cát Thảo khỏe và ngoan, cứ nhẩn nha chơi cạnh mẹ. Bà Miện vẫn cố gắng tự tay nấu các loại cháo bổ dưỡng và xúc cho con ăn. Ông ngoại mua đông trùng hạ thảo cho cháu uống để tăng đề kháng. Bà nội tháng nào cũng gửi cho cháu một hộp. Da con bé sáng dần trở lại, tóc bắt đầu xanh. Đôi mắt đã bớt lác xệch. Những vết sẹo lấy ven dầy lên như vết chai tấy đỏ ở chân, tay cũng nhạt màu dần.

Tháng mười một năm 2008, trời đã chớm đông, bước vào mùa khô. Vậy mà bỗng nhiên, mưa như trút nước. Không bão to, gió lớn, chỉ có mưa thôi, mưa mấy ngày liền không ngớt. Nước ở các cống rãnh không thoát kịp, dềnh lên nhanh chóng, biến Hà Nội thành biển nước mênh mông. Đời sống của người dân khắp nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giao thông tê liệt. Học sinh phải nghỉ học. Nhà hàng xóm có đám hỏi mà nhà trai không thể mang hết lễ vật vào nhà gái được, chỉ bê tượng trưng một mâm lễ con con gọi là cho đủ nghi thức, phần lễ còn lại xin khất hết lũ sẽ mang đến sau. Nhiều đám cưới ế nguyên cả trăm mâm cỗ. Đám tang mới khốn khổ vì không thể mang người chết đi chôn. Bà Miện chỉ sợ nhỡ Cát Thảo ốm lúc này thì bà không biết phải xoay xở thế nào. Nghe nói sân các bệnh viện đã ngập sâu ngang người. May quá, nước rút, Cát Thảo vẫn khỏe. Nuôi trẻ ung bướu ở giai đoạn duy trì, lúc nào cũng nơm nớp như trứng để đầu đũa.

Tháng 4 năm 2009, đúng ngày sinh nhật tròn ba tuổi của Cát Thảo, bà Miện mặc cho con một cái váy đỏ thật nổi bật, dắt con ra tiệm chụp ảnh. Tóc con bé đã thành tóc tém rất dễ thương. Bà cặp cho con mấy cái cặp càng cua nhỏ xíu, đủ các sắc màu lên đầu làm duyên. Thảo đứng chụp hồn nhiên, ngơ ngác nhưng tuyệt nhiên, không có một cái ảnh nào thấy con bé cười.

Qua sinh nhật Cát Thảo một tuần, bà Miện chuyển dạ, sinh ra một bé gái giống hệt Cát Thảo. Lần sinh này cũng rất đau nhưng nhanh hơn lần trước rất nhiều. Sáng đi đẻ, chiều bà đã được về nhà bà ngoại. Ông bà vẫn đón mẹ con bà về chăm cho cứng cáp.

Cát Thảo có em bé thích lắm, cứ xoắn xuýt quanh mẹ và em, đòi bế em. Bà ngoại bảo Cát Thảo ngồi xếp chân vòng tròn, giơ hai tay ra, bà đặt em bé vào lòng Cát Thảo, dạy Thảo vòng tay lại ôm lấy em. Bà vẫn đỡ em bé phía dưới. Cát Thảo ôm chặt em, đôi tay bé nhỏ cố giữ em cho khỏi rơi. Nó khẽ khàng đặt một nụ hôn âu yếm lên đôi má đỏ phân phấn lông tơ của em bé rồi ngẩng mặt lên nhìn bà và mẹ cười tít mắt. Bà Miện chợt trông thấy trên má em bé có một vệt nước màu đỏ tươi. Bà chột dạ lấy tay quệt lên và nhìn thật kỹ, ngửi thấy tanh tanh. Máu! Đó là vệt máu tươi từ miệng Cát Thảo chảy ra. Vạch môi con lên , bà thấy lợi Cát Thảo lại bắt đầu sưng. Bà thấy xây xẩm, choáng váng.

Đêm, bà nói lại cho chồng biết chuyện Cát Thảo. Ông nằm lặng ngắt. Niềm vui có thêm con còn chưa kịp trọn vẹn mà giờ nỗi lo về Cát Thảo lại trĩu nặng. Ông ôm Cát Thảo vào lòng, xoa nhẹ lên mái tóc tơ của con. Sáng mai, ông sẽ đưa con trờ lại viện nhi để tái khám. Đêm ấy, cả hai ông bà đều chìm vào cơn mộng mị, đặc quánh màu máu đỏ.

***

Trở lại viện nhi sau mấy tháng, cả hai bố con đều thấy sợ. Nhìn thấy những người mặc áo blu trắng, Cát Thảo đã mếu máo. Lúc cô y tá lấy máu để làm xét nghiệm, con bé vẫn cho lấy nhưng khóc òa. Ông Phú quay đi giấu cho dòng nước mắt chảy ngược vào trong.

Bà Miện ở nhà ruột nóng như lửa đốt, đi ra đi vào ngóng tin bố con ông Phú. 9 giờ. 10 giờ rồi 11 giờ vẫn không thấy ông Phú báo tin về. Bà sốt ruột gọi điện cho chồng. Chuông reo một hồi lâu mới thấy ông Phú nghe máy:

– Tình hình con sao rồi anh?

(Im lặng)

– Con thế nào rồi anh? Sao anh không trả lời?

– Con tái phát rồi em ạ.

– Sao ạ? Tái phát ấy ạ? Bác sĩ có cho thuốc gì không anh?

– Y học bó tay rồi em. Hết thuốc chữa. Bệnh viện trả về.

Bà Miện buông rơi cái điện thoại, lảo đảo, suýt ngã. Bà bật khóc tu tu. Ông bà ngoại thấy tiếng con gái khóc liền hốt hoảng chạy vào:

– Có chuyện gì thế con? Cháu làm sao à?

– Dạ không ạ. Em bé không sao. Mà là Cát Thảo…

– Cát Thảo làm sao?

– Cháu bị tái phát rồi ông bà ạ.

– Có nghĩa là…

– Là bệnh viện trả về vì không còn hóa chất nào mạnh hơn có thể chữa được cho cháu nữa. Hu hu!

Bà Miện lại òa khóc nức nở. Ông bà ngoại lặng người, không nói lên lời.

Chiều muộn, hai bố con ông Phú mới về đến nhà. Ông bảo cho con vào vườn bách thú chơi. Con bé thích lắm, chạy đi xem hết con này đến con khác. Bác sĩ nói con còn khỏe được ít ngày nữa, sau đó sẽ sốt, xuất huyết mất máu và sẽ yếu dần đi. Tranh thủ cho con ăn những gì con thích, đi chơi những nơi con muốn, tất nhiên là đừng xa quá, tùy thuộc vào diễn biến sức khỏe của con.

Bà Miện ôm ghì Cát Thảo vào lòng, nước mắt lại lã chã rơi. Cát Thảo ríu rít, hồn nhiên khoe mẹ chuyến đi vườn bách thú. Miệng con bé sưng hơn, tiếng nói nghe đã hơi khó. Cát Thảo chạy đi tìm em, giúi vào tay em cái xúc xắc. Đây là món đồ chơi bày bán ở vườn bách thú, chị đòi bố mua về làm quà cho em bé ở nhà. Tay em bé nhỏ quá, chưa cầm được nên chị giơ lên, lắc lắc cho em nghe. Cả nhà nhìn hai chị em chơi với nhau, không dám nghĩ đến ngày hai đứa trẻ lại có thể bị âm dương chia cắt.

***

Bên nhà bà nội tổ chức đi nghỉ mát. Ông Phú quyết định cho Cát Thảo đi. Chưa bao giờ bà thấy ông quyết định dứt khoát đến thế. Bà Miện lo lắng không biết sức khỏe con bé có chịu được quãng đường dài như thế không? Nhỡ vào trong ấy có chuyện gì xảy ra thì làm sao xoay xở kịp? Ông Phú bảo thôi cứ liều, chắc sẽ không sao đâu. Ông muốn con bé được một lần biết đến biển.

Từ lúc hai bố con lên đường đi du lịch, bà Miện ở nhà lại thấp thỏm, lo âu. Chuyến này có cả bác Phượng đi cùng, bác bảo mợ cứ yên tâm, chị sẽ chăm sóc cháu. Được cái, hai bác cháu cũng hợp nhau, bác thương cháu, cháu quấn bác. Bà chuẩn bị đầy đủ quần áo, bánh, sữa, thuốc hạ sốt cho con. Nếu chẳng may con có bị sốt thì giờ chỉ có thuốc hạ sốt cầm cự thôi chứ chẳng còn thuốc nào khác nữa cả.

Biển Sầm Sơn khá gần, sau vài giờ ô tô là đến nơi. May Cát Thảo không bị say xe, lên xe là ngủ. Ăn uống nghỉ ngơi xong, chiều cả nhà ra biển tắm. Ông Phú chụp mấy tấm ảnh cho con làm kỷ niệm, gọi điện về nhà cho Cát Thảo nói chuyện với mẹ để bà Miện yên tâm. Lần đầu tiên tắm biển nhưng Cát Thảo không thấy sợ. Biển Sầm Sơn sóng đánh rất mạnh, gió lồng lộng thổi. Ông Phú mua diều cho con chơi, thả vi vu chạy dọc theo bờ biển. Tiếng cười con trẻ hòa cùng tiếng sóng. Nhìn con chơi, ông ước: Giá như những giây phút này kéo dài mãi mãi…

Đi biển về được vài ngày, Cát Thảo bắt đầu sốt. Lợi sưng tấy đỏ. Tất cả những biểu hiện lâm sàng của bệnh giống y như ngày đầu khi con bé bắt đầu lâm trọng bệnh. Bà Miện thu xếp đồ đạc, xin phép ông bà ngoại cho gia đình bà được trở về nhà. Bà muốn những ngày cuối cùng, Cát Thảo sẽ được sống trong căn nhà của chính mình.

Cát Thảo sốt không cao, cứ âm ỉ, âm ỉ nhưng lại khiến lượng bạch cầu càng ngày càng tăng lên đột biến. Bạch cầu vốn là đội quân tinh nhuệ, có chức năng bảo vệ cơ thể nhưng giờ nó sinh sôi nhiều quá, không có đủ “thức ăn” để ăn, chúng hung hăng, mất kiểm soát, quay ra “ăn” hồng cầu khiến cho cơ thể Cát Thảo càng ngày càng suy yếu vì thiếu máu. Biết là bệnh viện đã từ chối chữa trị cho con vì không còn thuốc nữa nhưng bà Miện không đành lòng nhìn con chết mòn mà không làm gì cả, bà lại giục ông Phú và bà Phượng đưa Cát Thảo lên khoa ung bướu xin được truyền dịch và tiếp máu. Người phụ nữ cho Cát Thảo máu hôm sinh nhật hai tuổi sẵn sàng hiến máu lần thứ hai. Nhưng bác sĩ bảo, truyền máu vào bây giờ cũng không ăn thua, cơ thể gần như không tiếp nhận được nữa, thuốc nam hay bắc cũng đều không có tác dụng.

Tháng năm nhuận, tháng bảy dương, trời nóng như thiêu như đốt. Không khí trong nhà lặng lẽ, u uất, không có tiếng cười, không ai nói to. Bà Miện cứ quay cuồng chăm em bé vừa mới sinh xong lại đặt con vào nôi, quay ra chăm con lớn ốm. Hình như con bé em cũng biết thương chị, thương mẹ nên nó rất ngoan, chẳng quấy khóc gì. Cứ ti mẹ xong là nằm chơi một mình trong nôi. Ngoan quá đến mức nằm bẹp cả đầu. Bà Miện kê gối thế nào cũng không được, cũng chẳng có thời gian mà xoa nắn đầu cho em nữa. Chồng bác Phượng mua cho Cát Thảo một tấm đệm nước để con bé nằm cho mát và đỡ đau người. Bà trải tấm đệm nước giữa nhà, cạnh cái nôi để tiện tay chăm cả hai con. Cát Thảo nằm trên đệm, gầy nhom vì đau miệng, không ăn uống được gì. Máu từ chân răng cứ chảy ri rỉ, ri rỉ ướt hết khăn nọ đến khăn kia. Cái áo nào cũng loang lổ vết máu. Bà nấu cháo, xay thật nhuyễn, để thật nguội rồi xúc từng thìa nhỏ cho Cát Thảo. Con bé không ăn. Bà lại xoay sang pha sữa, cố cạy miệng con con xúc từng thìa. Con không nuốt được, sữa chảy tràn ra ngoài, hòa lẫn với máu. Ở nhà không có hậu phẫu, lại càng không thể đặt được ống xông như trên viện. Bà bất lực nhìn con chết dần chết mòn trước mắt mình mà không thể làm gì được nữa.

Một ngày, bỗng Cát Thảo tỉnh táo hơn, đòi mẹ cho uống sữa đậu nành. Bà mừng quá đổ hộp sữa đậu nành ra cốc, xúc chút một cho con. Bà hỏi nhỏ:

– Con muốn ăn gì nữa không? Mẹ nấu cháo cho con ăn nhé!

– Con muốn ăn cơm.

– Nhưng miệng con đau như thế, không nhai cơm được. Con ăn cháo cho dễ nuốt nhé?

– Con muốn ăn cơm.

Cát Thảo nói nhỏ nhưng rành rọt. Bà thở dài vội đi nấu cơm, xúc cho con ăn được vài miếng. Con nhai trệu trạo nhưng có vẻ ngon miệng. Bà nội mang cho chùm vải cuối mùa, Cát Thảo lại đòi ăn. Có chút thức ăn vào người, con bé có vẻ tỉnh táo hơn, có lúc ngồi dậy được, đòi mẹ bế ra nôi chơi với em bé. Cát Thảo quý em lắm, lần nào cũng đòi bế em và đòi thơm. Lần nào thơm em, máu cũng quẹt đỏ cả hai bên má…

Đêm ấy, trời nực nội vô cùng, Cát Thảo có vẻ khó chịu. Bà đưa Cát Thảo vào phòng trong có lắp điều hòa cho mát. Căn phòng hơi nhỏ nên mặc dù đã chỉnh nhiệt độ lên tới 30 độ rồi mà phòng vẫn hơi lạnh. Ban đêm nhưng nhiệt độ ngoài trời cũng phải 37 – 38 độ. Oi nóng, ngột ngạt. Bà để em bé nằm phòng ngoài với ông Phú, bà chăm Cát Thảo ở phòng trong. Điều hòa lạnh thế mà con bé vẫn kêu nóng, đòi tháo tung hết quần áo. Bà sợ con cảm lạnh nên dỗ dành con mặc manh áo mỏng. Con bé trằn trọc mãi không ngủ được, bụng chướng to, phập phồng. Hơi thở nằng nặng. Bỗng con thò tay vào trong miệng móc ra một cục máu đông đưa cho mẹ hỏi:

– Mẹ ơi! Con bị làm sao thế này?

Bà Miện run run cầm cục máu tím ngắt, tanh lòm, gói vào một miếng giấy để ra đầu giường rồi dỗ dành con:

– Không sao đâu con. Con chỉ bị đau răng tí thôi mà. Chịu khó ăn và uống thuốc mấy hôm sẽ khỏi.

Cát Thảo không hỏi nữa, ôm ti mẹ thiu thiu ngủ. Đợi con ngủ say, bà ra phòng ngoài cho em bé bú, đổi ca cho ông Phú vào trông Cát Thảo. Cả tuần quần quật chăm con trong cái nóng hầm hập, bà mệt quá, vừa đặt lưng xuống là chìm vào giấc ngủ sâu, mặc kệ sàn nhà nóng rẫy. Bỗng bà giật mình choàng tỉnh dậy khi thấy tiếng ông Phú gọi hốt hoảng từ bên trong:

– Em ơi! Con làm sao thế này?

Bà chồm dậy, mở cửa chạy vào trong. Cát Thảo nằm lặng im, cái bụng chướng to nhưng không còn phập phồng nữa. Bà hoảng hồn lay con dậy, sờ tay lên ngực trái con. Trái tim bé nhỏ đã ngừng đập tự lúc nào. Cơ thể con bé vẫn còn ấm, chắc chỉ vừa mới đây thôi. Bà đau đớn gào khóc gọi tên con. Ông Phú đi gọi điện cho họ hàng hai bên nội ngoại. Trong vô thức, bà chạy đi tìm bộ quần áo mới nhất, sạch sẽ nhất thay cho Cát Thảo. Con bé đi vệ sinh ra nốt những chất thải cuối cùng. Ông bà nội ngoại, cô dì chú bác lần lượt đến đông đủ, mỗi người một chân một tay lo giúp công việc. Hai ông bà ngồi bên con chết lặng, không biết phải làm gì. Em trai ông Phú đưa tay vuốt mắt cho Cát Thảo lần cuối. Bà nội vừa khóc vừa lấy tã quấn cho chân tay cháu được thẳng ra. Bác Phượng chạy đi nhờ thầy xem giờ sinh, giờ mất, giờ chôn. Người đi tìm ông quản trang để tìm chỗ đặt mộ. Các bác đi tìm khắp nơi không mua được cỗ quan tài nào vừa với Cát Thảo cả. Tiểu sành thì bé quá. Lại phải nhờ thợ mộc trong làng đến phá mấy cái bàn học sinh ra để đóng gấp một cỗ quan tài cho Cát Thảo. Bà tìm mấy bộ quần áo con hay mặc, mấy món đồ chơi con thích, cái cốc con hay uống sữa, cái bát con hay ăn cơm, nhờ mọi người xếp cả vào quan tài. Bà cứ sắp xếp, chuẩn bị đồ cho con như thể con sắp đi chơi đâu đấy thôi. Mọi người đẩy hai ông bà vào bếp, khóa cửa lại, không cho ông bà ra ngoài. Bàn thờ được lập lên vội vàng, còn không kịp mua cả bát hương, không di ảnh. Bác Phượng xúc một bát gạo đặt vào ban thờ làm chỗ cắm chân hương. Ai cũng biết sẽ có ngày này nhưng không ai nỡ đặt sẵn một cỗ quan tài, mua sẵn một bộ đồ thờ cúng khi con mình còn đang sống cả, dù nó sắp hấp hối. Có tiếng lịch kịch khiêng quan tài ra xe, tiếng khóc thút thít của mọi người. Trong bếp, bà Miện chồm lên muốn giật tung cửa để ra giữ con lại nhưng mọi người đã khóa chặt. Vùng này có tục lệ khi trẻ nhỏ chết yểu thì bố mẹ phải tránh đi, không được nhìn mặt con lúc di quan ra xe. Và nếu chết ban đêm thì phải chôn trẻ trước khi trời sáng. Nên mọi việc hết sức khẩn trương, gấp rút. Bà khuỵu xuống, tru lên một tiếng thê lương:

– Con ơi! Mẹ đã mất con rồi!

Ông Phú ôm chặt vợ, khóc rưng rức.

Phải một lúc lâu sau mới có người mở khóa cửa bếp. Ông Phú thất thần dìu vợ lên nhà. Nhìn thấy bàn thờ nghi ngút khói hương, bà Miện ngất xỉu. Mọi người vội đưa bà vào phòng trong nằm nghỉ. Phòng điều hòa lạnh ngắt khiến bà rét run lên bần bật. Ông Phú lấy áo khoác vào cho vợ. Ai đó đang đốt bồ kết trong phòng cho đỡ lạnh lẽo. Bà ôm đống chăn gối, quần áo của Cát Thảo vừa thay ra vào lòng khóc nghẹn ngào, đau đớn. Hơi ấm của con bé vẫn còn đây, hộp sữa, thuốc hạ sốt còn lăn lóc ở đây mà người đã mất đi đâu rồi? Con ơi!

***

Suốt một trăm ngày kể từ sau đêm Cát Thảo mất, ngày nào bà Miện cũng cúng cơm cho con. Bà pha nốt hộp sữa con đang uống dở, mỗi ngày một cốc, như thể con chưa từng biến mất. Bà cứ đứng lặng trước bàn thờ, nhìn vào di ảnh con mà khóc. Nhìn thấy đồ vật gì của con, bà cũng khóc. Quần, áo, váy, mũ, giày, dép, đồ chơi, những tấm ảnh… Ông Phú phải gói ghém tất cả mang ra giữa sông Hồng thả xuống. Bà cố mãi mới giữ lại được bức ảnh con chụp hôm sinh nhật để phóng to làm ảnh thờ. Mọi người bảo phải hóa đi cho cháu mát mẻ. Bà đừng khóc thương quá nhiều, Cát Thảo sẽ không siêu thoát được, không sớm đầu thai trở lại làm người hoặc tái sinh vào cõi trời, cõi thần mà sẽ quẩn quanh, dễ sa vào cõi súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục… thì sẽ rất khốn khổ. Hãy niệm Phật cho con được thoát ra khỏi vòng quay luân hồi, được đầu thai vào các cảnh giới đỡ đau khổ hơn.

Bà nghe cứ lùng bùng lỗ tai, không hiểu gì cả nhưng cũng thấy sợ, thấy thương con nên cố nén nỗi đau lại, dành sức chăm cho con gái nhỏ. Cũng may, bà đã kịp sinh được em bé này chứ nếu không thì bà cũng không biết lấy gì để vá víu vào chỗ trống quá lớn mà Cát Thảo vừa để lại trong trái tim bà. Mỗi lần nhớ con quá, bà lại ôm ghì em bé vào lòng mà khóc. Em còn quá bé, không thể hiểu được nỗi đau của mẹ. Và sau này lớn lên, cũng không thể nhớ mình đã từng có một người chị gái…

***

Ông bà Phú Miện bán căn nhà cũ, mua đất ở một chỗ khác để xây nhà. Bà Miện muốn thay đổi không gian sống để thay đổi cảm xúc cho tinh thần đỡ bị ám ảnh. Ngôi nhà mới của ông bà nhìn ra một dòng sông xanh mát, cây cối hai bên bờ xanh tốt quanh năm. Bà cẩn thận mời thầy phong thủy về xem đất, xem hướng nhà và thuê kiến trúc sư thiết kế theo sự chỉ dẫn của thầy phong thủy. Bà khá hài lòng với căn nhà mới này, muốn cuộc đời bước sang một trang mới, khép lại những tháng ngày quá nhiều mất mát, đau thương. Bà chuyển ảnh thờ của Cát Thảo sang, bốc lại bộ bát nhang mới cho bàn thờ mới. Trong lễ nhập trạch, bà thầm khấn con theo gia đình chuyển về nhà mới. Bà vẫn tin, cho dù đã mất đi thì con người ta vẫn có linh hồn.

Đêm đầu tiên ngủ trong căn nhà mới khánh thành, bà lặng lẽ ngồi ngắm dòng sông. Gió từ sông thổi vào phòng lay lay rèm cửa. Gió mang hơi nước vào nhà thật mát mẻ, dễ chịu. Hương trầm từ bên phòng thờ vấn vít theo gió lan đi khắp nhà. Chợt bà thấy người nổi da gà. Sợ gió mang theo hơi sương sẽ làm em bé cảm lạnh, bà đưa tay kéo cánh cửa lùa nhưng kéo mãi không được. Cửa vừa mới lắp nên chắc chưa được trơn tru. Bà kéo tấm rèm che kín gió rồi đặt lưng nằm xuống bên chồng con, vỗ vỗ vào lưng cho con ngủ. Con bé đã được tuổi rưỡi rồi. Cũng đã biết chạy lon ton và hát véo von. Bà nuôi con trong nơm nớp, hay bị giật mình. Hễ nó hắt hơi, sổ mũi, ho hắng vài tiếng là bà đã ôm con đi viện khám. Bà như con chim đã từng bị trọng thương, giờ sợ cả cành cây cong. Gió lành lạnh vẫn len lén luồn qua khe rèm, dường như còn mang theo cả hương cỏ thơm nồng. Có lẽ chiều nay ai đó đã cắt cỏ ven sông…

Trong giấc ngủ chập chờn, bà thấy mình đi lạc vào một đồng cỏ xanh mướt. Cỏ ở đây mềm, mượt như nhung, tỏa ra một thứ ánh sáng lấp lánh đầy hư ảo. Và đặc biệt, cỏ rất thơm. Bà cúi xuống, dịu dàng ôm lấy một vạt cỏ. Bỗng có tiếng thì thầm thoảng qua rất nhẹ:

– Mẹ ơi! Con là Cát Thảo đây!

Bà giật mình nhìn quanh. Đồng cỏ vẫn đang rập rờn sóng bạc, ngan ngát hương thơm nhưng tịnh không một bóng người.

– Con ở đây cơ mà.

Tiếng trẻ con nghe thật gần. Đúng là tiếng Cát Thảo rồi. Hay bà bị mộng du? Hay bà đang nằm mộng?

Bà cúi xuống. Vạt cỏ lay động, những giọt sương long lanh, ngời sáng như đôi mắt trong veo của Cát Thảo.

– Mẹ đừng buồn, đừng khóc thương con nữa nhé! Con vốn là một loài cỏ thơm quý trong vườn của Bồ Tát. Vì một lần mải chơi mà lạc bước xuống trần gian. Lẽ ra con còn phải trải qua mấy kiếp đọa đày, khổ hạnh nữa mới thoát khỏi bánh xe luân hồi, nhưng may nhờ phúc đức của mẹ mà con sớm được giải thoát. Giờ mẹ đã có nhà mới khang trang, có em bé thay con ở bên mẹ là con yên tâm rồi. Mấy hôm nữa sẽ có người dẫn mẹ đi về hướng tây. Sẽ có một cô đồng chỉ dẫn cho mẹ phải làm gì tiếp theo mẹ ạ. Hiện tại, vì con mới quay về nên năng lượng của con chỉ có thể tiếp cận mẹ một lần duy nhất thế này thôi. Sau này, nếu mẹ nhớ con, cứ nhìn đám cỏ xanh là lòng mẹ sẽ được bình yên, sẽ nguôi ngoai niềm nhung nhớ.

Cánh đồng cỏ trôi xa dần. Đám cỏ cũng vuột ra khỏi vòng tay bà, trôi đi mất. Bà chới với gọi tên Cát Thảo. Quầng sáng chói lòa chiếu thẳng vào mắt khiến bà chói mắt, không nhìn thấy gì nữa. Tay bà khua khoắng. Có tiếng trẻ con khóc. Ai đó đập đập vào vai làm bà tỉnh dậy. Ánh nắng ban mai buổi sớm lọt qua khe cửa chiếu đúng vào khuôn mặt bà. Má bà đang cọ vào mái tóc mềm mượt như tơ của con gái. Ông Phú hỏi:

– Em gặp ác mộng hay sao mà khua khoắng ghê thế? Anh còn nghe thấy em gọi tên con?

– Em vừa nằm mơ thấy nhiều việc rất lạ anh ạ. Em mơ thấy Cát Thảo và con nói nhiều chuyện kỳ lạ lắm.

Rồi bà kể lại cho ông Phú nghe. Ông bảo: Chắc thời gian vừa qua em phải lo nhiều việc quá nên thần kinh bị mệt mỏi đấy thôi. Giờ nhà cửa xong rồi, em hãy nghỉ ngơi và chăm con nhé!

Ông Phú ôm vợ vào lòng, lấy tay lau nước mắt cho vợ. Hai vợ chồng nằm ngắm con trong căn phòng còn thơm mùi sơn mới quyện lẫn hương trầm.

Con bé nhoẻn miệng cười trong mơ, khuôn mặt giống y hệt Cát Thảo. Nhiều người khi gặp em bé vẫn cứ thấy giật mình.

***

Bà hàng xóm sang chơi, thăm nhà mới. Bà rất tốt bụng, hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện cho ông bà Phú Miện trong quá trình xây nhà. Người ta vẫn nói: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” là vì thế.

– Tuần sau tôi đi Ba Vì để gọi hồn các cụ cô ạ. Xem phần âm thế nào mà sao dạo này các cháu nhà tôi lủng củng quá, không đâu vào đâu. Cô có đi không, tôi cho đi cùng?

– Đi gọi hồn hả bác? Thú thật là em cũng đã từng nghe nói đến chuyện này nhưng chưa bao giờ đi bác ạ.

– Tôi biết có nhiều người không tin. Nhưng thấy bảo chỗ này đúng lắm. Thôi cứ đi thử một lần xem sao.

– Thế bác cho nhà em đi cùng với. Con bé lớn nhà em mất đã được gần hai năm rồi. Em cũng muốn nghe ngóng xem thế nào.

– Vậy thì cô cứ chuẩn bị đi nhé! Không cần mua lễ lạt gì đâu. Trước khi đi, cô thắp hương khấn tên để rước vong theo là được.

Đến đấy khắc có lễ.

– Vâng ạ. Em cảm ơn bác.

Đúng hẹn, ông bà gửi con rồi theo gia đình bà hàng xóm đi Vật Lại, Ba Vì. Đường vào nhà cô đồng xa xôi, khúc khuỷu, vòng vèo, mãi mới tới nơi. Mọi khi đi ô tô bà say xe nôn lên ọe xuống mà hôm nay không hiểu sao, bà thấy đầu nhẹ tênh. Sau khi mua ít trứng, gạo, muối, hoa quả, vàng mã theo sự chỉ dẫn của người nhà cô đồng, bà cùng mọi người đặt lễ lên ban, khấn tên khấn tuổi rồi ngồi đợi. Cô đồng lúc ấy mới vừa ngủ dậy, nhẩn nha ăn sáng xong đâu đấy mới thay quần áo, ngồi vào chiếu cúng.

Cô đốt bó hương to, sai đệ tử và người nhà đi cắm khắp các ban bệ. Tiếng mõ cốc cốc vang lên hòa nhịp cũng bài khấn lên bổng xuống trầm của cô khiến cho bà Miện buồn ngủ. Đêm qua hai ông bà thao thức mãi mới ngủ được, sáng nay lại dậy sớm để chuẩn bị nên giờ bà ngủ gật.

– Hai con Phú Miện kia, nghe bố nói đây này!

Hai ông bà đều giật mình, ngơ ngác.

“Hôm nay bố đến được đây là nhờ có gia đình ông bà hàng xóm tốt bụng đưa các con đi. Các con phải cảm ơn ông bà ấy nhé!”

Ôi, sao bố chồng bà lại biết được cả chuyện bà hàng xóm cho bà đi nhờ nhỉ? Bà Miện tỉnh ngủ hẳn, quỳ gối lên, vái cô đồng như tế sao. Ông Phú bật điện thoại lên để ghi âm lại lời cô đồng nói.

– Đất đai nhà cũ lẫn nhà mới các con đều ở được, không có vấn đề gì. Chỉ là do số mệnh cháu nó đến thế thôi, các con cũng đừng lo nghĩ quá. Từ bây giờ trở đi, các con sẽ đỡ khổ hơn. Vợ chồng có đôi lúc khắc khẩu nhưng sẽ vẫn cùng nhau đi tiếp chặng đường dài. Lúc cháu mới mất, trong lúc chuyển giao hỗn mang kiếp nọ kiếp kia, ông cháu cũng đã gặp nhau rồi nhưng sau đó cháu đã được Bồ Tát đón đi về miền cực lạc, nơi không còn sự đau đớn thống khổ nữa nên các con yên tâm, đừng đau xót tiếc thương con bé nữa.

– Dạ vâng ạ. Còn bố thì thế nào ạ? Bố có ổn không? Có cần gì không ạ?

– Bố đi xa lâu rồi nên cát bụi đã trở về cát bụi, nhưng thấy các con khổ quá nên bố về động viên các con. “Nhà” của bố đang bị lún sụt do người ta đổ phế liệu xung quanh che gần hết. Khi nào thuận tiện, các con tu tạo tại một chút cho khỏi mất nấm.

– Vâng ạ.

– Còn ta là ông nội của cháu Miện đây.

Cô đồng rùng mình, đổi giọng già hơn.

Ơ…

– Ông biết cháu không khấn ông lên nhưng ông thấy xe đi nên ông vẫn theo. Về bảo bố mẹ cháu là ông ổn rồi. Ông về chỉ để báo cho các cháu biết là các ông sẽ dẫn một chắt trai về cho các con các cháu vui cửa vui nhà. Thế thôi. Ông đi đây.

Ông bà Phú Miện chưa kịp hỏi câu gì thì cô đồng lại lắc người thật mạnh như cố rũ khỏi vong ông cụ. Tự dưng cô cúi khom người xuống, ôm bụng thiểu não, nói thều thào:

– Mẹ ơi! Con đau bụng!

Đúng giọng nói và điệu bộ của Cát Thảo rồi. Bà Miện chồm lên, ngồi sát lại gần cô đồng, nước mắt ứa ra:

– Con ơi! Mẹ đây! Mẹ biết con đau bụng rồi.

– Con đau từ bên trong mẹ ạ. Nhưng cũng có cái gì đó đang chèn lên con làm con bị đau.

Bà Miện chợt nhớ ra lúc khâm liệm Cát Thảo, bà đã nhờ mọi người đưa vào quan tài rất nhiều đồ dùng cá nhân của con bé. Hay là những thứ ấy khiến con bé đau?

Bà đồng chợt đổi giọng tươi tỉnh:

– Nhưng giờ con hết đau rồi mẹ ạ. Con trở về làm ngọn cỏ thơm trong vườn của Bồ tát. Giờ con rất nhẹ, rất xanh và rất thơm. Không còn tanh mùi máu đỏ nữa.

Bà Miện khóc nấc lên. Ông Phú cũng khóc. Chiếc điện thoại rơi xuống chiếu tự khi nào. Trước đây, những việc này ông vẫn cho là mê tín dị đoan. Nhưng hôm nay ông được chứng kiến tận mắt, đúng người, đúng việc nhà mình thì ông cũng không thể giải thích nổi.

– Sắp tới, bố mẹ sẽ có thêm em trai nữa ạ. Có thêm em, bố mẹ sẽ vui hơn.

Nói rồi cô đồng rùng mình lần nữa, ngồi rũ ra, thở hổn hển. Ông bà Phú Miện hỏi có cần về nhà cúng bái gì nữa không. Cô đồng nói chỉ cần cúng ngựa và ít lễ mã, hoa quả là được rồi. Rồi cô lại gọi tên nhà khác. Ông bà vái tạ rồi lui ra.

***

Con gái nhỏ sắp được hai tuổi. Bà đã đặt tên con là Bình An. Với ông bà, sự bình an là niềm khát khao và mong mỏi lớn nhất trong cuộc đời này. Bà cũng đã hồi người sau thời gian làm nhà vất vả. Ông bà ngoại bảo để thư thư vài năm rồi hẵng sinh tiếp cho đỡ khổ. Cứ tập trung chăm cho Bình An cứng cáp thêm đã. Nhưng những lời nói của ông nội bà, ông nội Bình An và Cát Thảo luôn văng vẳng trong tâm trí bà. Tại sao cả ba người đều nói bà sẽ sinh được con trai trong năm nay? “Nhân bảo như thần bảo”. Đây lại còn là người âm mách bảo, hẳn không chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên được. Bà lên kế hoạch sinh thêm con, không quản ngại khổ sở hay khó khăn.

***

Chiều mùng 2 Tết năm sau, bà Miện hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh, bụ bẫm, nặng 4kg! Bà vẫn sinh thường như hai lần trước. Bác sĩ bảo nếu không biết “tiền sử sinh sản” của bà thì ông ấy đã đưa bà lên bàn mổ để bắt con rồi vì thai to quá! Thằng bé mặt tròn, vai vuông, gióng chân tay dài, người đỏ au, cứ lừng lững như đứa trẻ hai tháng tuổi. Trông nó bụ bẫm, đáng yêu như cậu bé thần tình yêu Cupid vậy. Ông bà Phú Miện hạnh phúc vỡ òa, đặt tên con là Hạnh Phúc.

***

Kể từ khi Cát Thảo mất, bà Miện chưa một lần dám ra thăm mộ con. Tất cả mọi việc cần làm ngoài mộ đều do ông Phú đảm nhận. Bởi vì bà rất sợ. Bà sợ mình sẽ không chịu nổi khi nhìn thấy nấm mồ vùi chôn thân xác đứa con bé bỏng, tội nghiệp của bà. Bà sợ cảnh u ám, rợn người trong nghĩa trang. Và bà cũng sợ âm khí ngoài đó sẽ ảnh hưởng đến hai đứa trẻ ở nhà. Nên bà muốn nuôi cho các con khôn lớn hơn một chút, bà mới ra.

Hôm nay là tròn mười năm ngày mất của Cát Thảo. Bình An cũng đã lên lớp 5, Hạnh Phúc vào lớp 2. Trộm vía các con cũng đã cứng cáp. Ông Phú đi làm, tối mới về. Một mình bà đi chợ mua lễ rồi lần tìm ra nghĩa trang Đống Miễu. Nhiều lần bà đã đi qua nơi ấy nhưng chỉ khấn vọng từ xa chứ chưa bao giờ bước chân vào. Mỗi lần đi qua, ông Phú đều chỉ cho bà nhìn thấy ngôi mộ xây kiên cố ở vị trí rất dễ nhìn. Trưa tháng năm âm, tháng bảy dương, trời nắng như đổ lửa. Bà mua những thứ lúc còn sống con hay thích ăn mang vào đặt lễ. Đường vào nghĩa trang đi qua một rặng cây dài hun hút, hai bên đường, ao bèo tây ken đặc. Không một bóng người. Bà thấy run. Vắng vẻ quá! Hoang vu quá! Nhỡ có cướp thì sao? Đã đến đây rồi, bà không muốn quay về nên cố trấn tĩnh để đi tiếp vào sâu bên trong. Nhìn từ xa thì thấy thấp thoáng mộ con nhưng đến gần bà hoa hết cả mắt vì có rất nhiều ngôi mộ khá giống nhau. Bà phải lần tìm từng ngôi mộ một, nhìn vào từng khuôn mặt, đọc từng dòng thông tin cho khỏi nhầm. Kim tiêm của bọn nghiện hút vứt vương vãi lung tung. Những ngôi mộ mới chôn, vòng hoa phủ mộ còn tươi rói. Vài ngôi mộ mới cất mả, ván thôi còn vứt chỏng chơ trên bờ. Một mình giữa nghĩa trang ngổn ngang, giữa bao nhiêu khuôn mặt người chết đang nhìn bà chằm chằm, bà toát hết mồ hôi, tụt huyết áp vì sợ. Cái nắng nóng như thiêu đốt của mùa hè không đủ sức xua đi cái lạnh lẽo đầy âm khí nơi đây. Bà bắt đầu hối hận khi dám liều lĩnh ra đây một mình. Chân tay bà run lẩy bẩy muốn khuỵu xuống. Chợt bà bắt gặp một mảng cỏ rất xanh. Dường như còn phảng phất hương thơm dìu dịu nữa. Hình ảnh này quen quá! Mùi hương này quen quá! Cảm giác này quen quá! Ánh mặt trời chiếu xuống khiến cho vầng cỏ có vẻ như mang ánh sáng khác lạ. Hay nắng quá khiến bà hoa mắt nhỉ? Như có cái gì đó hút bà lại gần. Bà chạm tay vào cỏ. Cỏ mềm, êm như nhung. Bà nhẹ nhàng vén đám cỏ ra. Hiện ra trước mắt bà là tấm bia mộ gắn bức ảnh của Trường An Cát Thảo! Con bé tóc tém, mặc váy đỏ, cài mấy cái cặp càng cua đủ sắc màu trên đầu làm duyên. Ánh mắt nhìn xa xăm, khuôn miệng nhỏ xinh nhưng không cười. Bà run rẩy xoa tay lên bia mộ. Khuôn mặt này, mái tóc này, đôi má bầu bĩnh này,… giờ mênh mang trong đám cỏ xanh. Bà òa lên khóc nức nở. Kể từ cái đêm Cát Thảo mất, mười năm nay, bây giờ bà mới lại khóc đau đớn đến tthế.

Bà đặt đồ lễ lên mộ con, cắm hoa vào lọ. Bà đi thắp hương ở cây hương thổ công, thổ địa của nghĩa trang rồi mới về mộ thắp hương cho con. Nghĩ cảnh lá vàng khóc lá xanh, nghĩ cảnh con bé phải nằm sâu dưới ba tấc đất giữa nghĩa trang hiu quạnh suốt mười năm nay, bà đau thắt ruột, lại khóc nức lên. Bảo sao cả chục năm nay, bà không dám bước chân ra thăm mộ. Bà đốt một nắm hương to rồi đi thắp trên các mộ xung quanh xem như là lời chào hỏi. Bên trái, bên phải đều là mộ các cụ già được con cháu xây cho kiên cố. Bà thầm khấn các cụ bảo bọc cho Cát Thảo bé dại. Lúc bước ra phía sau, bà giật mình suýt đánh rơi bó hương đang đượm gió bốc lửa ngùn ngụt khi nhìn thấy một người đàn bà tiều tụy, rách rưới đang nằm phủ phục trên một nấm mộ nhỏ đơn sơ. Vì ngôi mộ quá nhỏ lại nằm khuất sau mộ Cát Thảo nên bà tưởng nghĩa trang không có ai. Ngôi mộ không có bia, không di ảnh, chỉ có cỏ mọc xanh rờn. Trên mộ đặt một cái nón mê bày vài mẩu ngô, khoai sắn, miếng bánh đúc và ít đồ trẻ con. Ôi chao ơi! Không biết người hay ma nữa. Bà cố gắng trấn tĩnh lại, thử lên tiếng xin phép được thắp hương. Người đàn bà ấy từ từ quay đầu lại, ánh mắt bà ấy chạm vào mắt bà khiến bà lạnh gáy. Dường như bà đã gặp bà ấy ở đâu đó rồi mà nhất thời vì sợ hãi, luống cuống, bà chưa kịp nhớ ra. Thấy đồ lễ sơ sài quá, bà động lòng thương cảm, quay ra xe lấy phần lễ bà để dành đem về cúng giỗ cho Cát Thảo ở nhà đặt vào nón. Bà mở ví rút thêm ra một ít tiền đặt lên đó. Chợt có cơn gió thổi tới khiến cho những tờ tiền bay lả tả khỏi vành nón mê. Đầu óc bà cứ bung bung biêng biêng như có tiếng trống gõ. Vầng cỏ xanh trên nấm mồ nhỏ cũng có quầng sáng ảo diệu, giống như cỏ trên mộ Cát Thảo. Người đàn bà rách rưới vái bà một vái cảm tạ rồi lí nhí một câu : Đội ơn bà. Bà sợ mình bị say nắng nên vội vã hóa vàng rồi ra dắt xe đi về. Bà run tay tới mức mãi mới khởi động được xe máy. Ra đến gần cổng, bà bỗng nghe thấy một tiếng tru lên giữa trưa vắng. Tiếng khóc hờ con đầy thảm thiết, thê lương, xé ruột xé gan giữa nghĩa trang nắng chang chang. Tiếng khóc hờ con của người đàn bà ăn mày năm nào vọng về rõ mồn một. Bà khựng xe lại, ngã quèo ra. Cái tay phanh đập vào tay bà tạo thành một vết mảnh, dài, tím xanh như lá cỏ. Thăm thẳm trên cao, trời xanh mây trắng bay…

23h đêm 10/7/2019

Thương tặng H.P và khoa ung bướu – bệnh viện nhi TW năm 2008.

– PHỐ HOA –

(Sống để Yêu Thương)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ bài này