(Bài đăng trên giai phẩm Tinh Hoa Việt của báo Đại Đoàn Kết số 106, ra ngày 25/8/2019)
Sáng nào cũng thế, ngày nào cũng thế, tháng nào cũng thế, không biết đã từ bao thế kỷ nay, chẳng quản trời nắng hay mưa, nóng bức hay rét mướt, khi tiếng gà gáy báo sáng vừa kịp cất lên báo hiệu một ngày mới vừa sang thì những người làm nghề bán hàng rong đã vội vàng trở dậy, tất tả đi đến những chợ đầu mối mua những món hàng tươi ngon về để kịp đi bán. Những người bán đồ ăn sáng thì nổi lửa, nấu những món ăn vỉa hè dân dã, xếp gọn gàng vào hai bên quang gánh rồi kĩu kịt quẩy gánh tỏa về khắp các tuyến phố, bắt đầu một ngày mới nhọc nhằn vất vả mưu sinh bằng những tiếng rao à ơ quyện trong mùi thức ăn tỏa ra đầy quyến rũ, sóng sánh theo từng nhịp bước chân trên những nẻo đường quen thuộc đến từng cái ổ gà, từng con lươn giảm tốc của phố thị.
Thăng Long, vốn là đất trăm nghề, còn được gọi là Kẻ Chợ vì dân cư đông đúc, chỗ nào cũng tấp nập kẻ bán, người mua. Chợ được chính quyền sở tại lập ra khắp nơi để phục vụ nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân, nhất là ở khu vực “36 phố phường” sầm uất. Chợ nhiều nhưng chủ yếu họp theo phiên, có tổ chức phân chia chỗ ngồi và thu thuế của người đến bán. Nên ở khía cạnh thực tế nào đó, chợ chủ yếu để dành cho những tiểu thương là cư dân của chính Kẻ Chợ, là người có cửa hàng, có vốn liếng làm ăn. Còn những người dân tỉnh lẻ nghèo, những người làm kinh tế theo kiểu “tự sản tự tiêu” thì buộc phải chọn phương thức “bán rong” để bán hàng hóa họ tự sản xuất ra hàng ngày hoặc buôn hàng về bán lại kiếm chút tiền chênh lệch. Cũng chính vì chợ họp theo phiên trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân thì ngày nào cũng có, giờ nào cũng có nên hàng rong ra đời, tồn tại và phát triển kéo dài cho tới tận bây giờ như một điều tất yếu của lịch sử ngành thương mại.
Có khi nào chúng ta tự hỏi: Tại sao trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử phát triển rầm rộ như vũ bão, vươn cánh tay vô hình như vòi bạch tuộc vào đến từng ngóc ngách trong căn nhà của chúng ta mà hàng rong vẫn tồn tại phát triển được xuyên thế kỷ, thậm chí có nơi hàng rong còn trở thành vấn nạn làm đau đầu các nhà quản lý đô thị? Mặc dù mua bán online mang lại sự tiện dụng vô cùng lớn cho cả người bán lẫn người mua nhưng nhiều người vẫn thích mua hàng rong là bởi vì giá rẻ, hàng hóa lại có thể nhìn tận mắt, sờ tận tay, được tự tay nâng lên, đặt xuống chọn lựa từng món một, chắc chắn đảm bảo chất lượng 100% thì mới mua chứ không như mua hàng trên mạng, tiện thì có tiện mà đôi khi lợi bất cập hại, “đặt mua đầu dê” nhưng lại phải nhận về “thịt chó” do người bán cố tình lừa đảo. Cộng thêm phí ship đắt đỏ, có lúc phí ship cao bằng cả tiền món hàng khách phải trả. Chúng ta sống ở một đất nước có nền kinh tế thị trường đang phát triển, chưa thực sự giàu có, dư thừa của cải vật chất nên kinh tế luôn luôn là một bài toán được đưa ra cân nhắc hàng đầu bên cạnh chất lượng hàng hóa.
Theo dòng chảy của thời gian, Hà Nội vừa được xây thêm nhưng cũng lại cũng bị tàn phá dần đi như hai mặt tồn tại song song của một vấn đề. Những khu đô thị mới, những tòa cao ốc chọc trời cứ lần lượt được dựng lên sừng sững đây đó khắp thủ đô, mang lại một diện mạo, một tầm vóc, một vị thế mới cho trung tâm kinh tế, chính trị đầu não của cả nước. Và đương nhiên, những gánh hàng rong nếu đặt trong không gian ấy sẽ thấy thật lạc lõng và nhếch nhác. Nhưng nhắc đến Hà Nội, không mấy ai nhắc đến những khu đô thị văn minh hiện đại vì đó sẽ không phải là bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng để có thể phân biệt Hà Nội với các thành phố khác trên thế giới. Và cũng bởi một nhẽ, dù Hà Nội có phát triển đến đâu thì cũng đi sau Sài Gòn, Hong Kong, Bắc Kinh, New York …cả vài chục năm đến hàng trăm năm. Bởi vậy, nhắc đến Hà Nội, người ta sẽ nhớ ngay đến những con phố cổ mái ngói thâm nâu, tường vôi loang lổ phủ màu rêu xanh, nhớ đến ngõ nhỏ, phố nhỏ, chật chội, đông đúc và sầm uất đã từng đi vào những tình khúc của nhạc sĩ tài hoa Phú Quang ngân nga một thuở, nhớ đến những chuyến xích lô leng keng chở khách du lịch thong dong dạo chơi khắp các phố phường. Và nhớ cả những gánh hàng rong kĩu kịt quẩy trên vai bốn mùa hoa thơm trái ngọt, gánh cả một nền văn hóa ẩm thực đường phố bình dị mà đặc sắc thấm đẫm phong vị truyền thống Hà Thành…
Sau bao nhiêu năm hình thành và phát triển, hàng rong cũng có chút thay đổi về mặt phương tiện vận chuyển. Nếu ban đầu chỉ là những gánh hàng rong, xe kéo tay, thậm chí đơn sơ nhất chỉ là những thúng, mủng, rổ, rá… cắp nách, đội đầu thì giờ hàng rong còn có thêm cả xe đạp thồ, xe máy, thậm chí có cả ô tô bán dạo. Trên những con đường vành đai như Nguyễn Xiển, hàng đoàn dài xe tải cỡ nhỏ nối đuôi nhau xen kẽ cùng các xe đạp thồ, xe máy thồ bán đủ các loại hoa quả, nông sản mùa nào thức nấy. Người bán, người mua tấp nập, bất chấp nắng mưa, khói bụi và cả nguy cơ mất an toàn giao thông. Còn trên những tuyến phố nhỏ, đặc biệt là phố cổ Hà Nội, những gánh hàng rong, người đi bộ cắp rổ bán hàng rong vẫn cần mẫn, lặng lẽ len lỏi vào từng ngõ ngách, phục vụ khách hàng tận tay như thể hàng thế kỷ nay họ chưa hề đổi khác.
Trước xu thế tất yếu của sự phát triển đô thị, Hà Nội không thể không xây thêm những khu phố mới hiện đại. Nhưng để đảm bảo cho thủ đô văn minh, lịch sự mà không làm mất đi những nét đẹp văn hóa truyền thống vốn là điểm hấp dẫn, thu hút du khách ghé thămvà lưu trú lâu dài ở Hà Nội thì việc quản lý hàng rong là một bài toán không dễ cho những nhà quản lý đô thị. Đã có rất nhiều người muốn xóa sổ hàng rong vì họ cho rằng hàng rong đã lỗi thời, lôi thôi, luộm thuộm, ảnh hưởng mỹ quan chung của thủ đô và gây mất an toàn giao thông. Những ý kiến và sự quan ngại của họ không phải là không có lý. Nhưng trong tâm khảm, trong ký ức của những người dân sống lâu năm ở Hà Nội, trong trí tưởng tượng của du khách bốn phương khi muốn ghé thăm Hà Nội thì những gánh hàng rong đã trở thành một phần máu thịt không thể tách rời khỏi “cơ thể” thủ đô. Chính “gánh hàng rong” đã là một minh chứng sống động còn sót lại của một nền văn minh lúa nước với đôi quang gánh, rổ, rá, thúng, mủng… được làm từ nhuững cây tre quá đỗi Việt Nam. “Gánh hàng rong” còn là “di sản văn hóa vật thể” quý giá được truyền giữ lại từ thời Thăng Long Kẻ Chợ băm sáu phố phường. Và những con người quẩy trên vai những vết sần chai dày theo năm tháng từ gánh hàng rong ấy cũng cũng là quẩy trên đôi vai gánh nặng cơm áo gạo tiền của biết bao gia cảnh nghèo khó. Nếu xóa sổ công việc của họ thì cuộc sống của gia đình họ sẽ trôi dạt về đâu? Vậy, giải pháp nào cho những “gánh hàng rong” chở đầy mâu thuẫn ấy?
Sau khi đã xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng đến mọi yếu tố văn hóa, lịch sử và nhân văn, từ vài năm nay, Hà Nội đã có quy định cấm bán hàng rong ở một số tuyến phố và xung quanh các khu di tích lịch sử để bảo đảm sự tôn nghiêm, yên tĩnh, văn minh, lịch sự. Có những tuyến phố vẫn cho gánh hàng rong và người đi bộ bán rong được hoạt động để duy trì một trong những nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội cổ và cũ. Và chính quyền thành phố cũng xem xét đến cả cả dự án lập những khu vực dành riêng cho những người chuyên bán hàng rong kinh doanh. Tuy nhiên, dự án này khó khả thi vì đặc thù và ưu thế của bán hàng rong là tính cơ động, linh hoạt, dễ luồn lách, len lỏi vào từng ngóc ngách của thành phố, trực tiếp bán hàng đến tận tay người tiêu dùng, giá cả lại rất phải chăng. Nếu gom họ tập trung vào một khu vực để bán hàng thì tất cả những ưu thế đó đều bị mất đi. Những người bán hàng rong sẽ khó có thể cạnh tranh với các hình thức kinh doanh khác.
Có một thực tế là không phải tất cả những gì truyền thống đều có giá trị văn hóa. Có những thói quen, những hành vi đã ăn sâu vào thâm căn cố đế từ bao đời nay nhưng đến một lúc nào đó nếu không còn phù hợp khi đặt trong bối cảnh mới, không gian mới thì tất yếu sẽ phải thay đổi hoặc xóa bỏ. Trên con đường hội nhập và phát triển, nếu muốn “hòa nhập mà không bị hòa tan”, chúng ta phải tỉnh táo gạn đục khơi trong để dám mạnh dạn, chấp nhận xóa bỏ những thứ đã lỗi thời nhưng cũng phải thật cẩn thận, tinh lọc kỹ lưỡng để không bị “giết nhầm”, “bỏ sót” những nét truyền thống mang đậm tính văn hóa cội nguồn. Với gánh hàng rong, xe bán dạo, người bán dạo…, hãy để sự tảo tần, cần mẫn, phong sương của họ tiếp tục tồn tại, gắn bó với không gian phố cổ, phố cũ như một mảng màu đời thường nhất, chân thực nhất, ấm áp nhất không thể tách rời khỏi bức tranh Kẻ Chợ sầm uất và nhuốm màu rêu phong, cổ kính. Hãy có chính sách “bảo tồn” họ như một trong những “hạng mục” quan trọng cần được “bảo tồn” của phố cổ, phố cũ để hồn cốt Thăng Long không bao giờ bị mai một theo thời gian. Và cũng là để cho những người con của Hà Nội, những người yêu Hà Nội, những du khách phương xa, mỗi khi nhớ về Hà Nội, trở về thăm Hà Nội hay may mắn được chung nhịp thở mỗi ngày với Hà Nội sẽ vẫn được thả hồn mình phiêu lãng trôi theo từng nhịp quẩy gánh kẽo kẹt cùng với những xôi khúc, cơm nắm bánh dày giò, khoai luộc, bún đậu mắm tôm, riêu cua bốc khói… làm say lòng thực khách. Và cả những giây phút ngẩn ngơ ngỡ mình lạc vào trong những giấc mơ hoa khi bắt gặp “Hà Nội mười hai mùa hoa” (1) hiện ra đầy màu sắc trên những “gánh hàng hoa” ngát hương ướp thơm cả một chốn thị thành.
Hà Nội – Thăng Long – Kẻ Chợ: Tảo tần những “gánh hàng rong”….
(1): Tên bài hát của nhạc sĩ Giáng Son.
(Ảnh st)
24/8/2019
-PHỐ HOA-
(Sống để Yêu Thương)