Nhà đại thể bệnh viện Q. 9 giờ 5 phút sáng. Một người đàn ông vóc dáng thô, đậm, cao to lừng lững thắp ba nén nhang cắm lên bàn thờ vong và thần linh rồi bảo hai cậu thanh niên đứng hai bên chắp tay lầm rầm khấn vái. Khấn xong, ông rót rượu ra ba cái cốc, đưa cho hai cậu kia hai cốc và ngửa cổ uống ực một tợp cạn luôn cốc của mình. Hai cậu thanh niên lập cập ngửa cổ, dốc cạn theo. Rượu vào đến đâu, người nóng lên đến đấy. Cả ba thấy phấn chấn, tự tin hơn.
– Đến giờ rồi. Cậu vào đưa ông ấy ra đây.
Hậu rụt rè đi về phía căn phòng theo hướng tay người đàn ông vừa chỉ. Không khí trong khu nhà đại thể này hơi rờn rợn. Mà thật ra thì không khí ở đây lúc nào chả rờn rợn, lạnh lẽo, bất kể là mùa đông hay mùa hè. Tiếng nam mô a di đà Phật phát ra đều đều từ cái đài niệm Phật bé tí xíu quyện quánh vào khói hương đậm đặc mùi hóa chất xoắn xuýt trên ban thờ càng làm cho Hậu thấy gai người. Mặc dù vừa mãn hạn tù vì tội trộm cắp, chém giết nhưng khi bước chân vào đây, một người tưởng như đầu đội trời, chân đạp đất, có số má khét tiếng như gã thì sẽ chẳng biết sợ là gì nhưng gã vẫn không tránh khỏi cảm giác ngần ngại. Cũng chỉ vì cái tiếng “vừa ra tù” mà gã khốn khổ trong việc tìm kế mưu sinh hoàn lương. Không ai muốn nhận một gã đàn ông mặt mũi chằng chịt sừng sẹo, xăm trổ đầy người với một cái trích ngang lý lịch đầy thành tích bất hảo như gã. Đặng chẳng đừng, gã đành phải nhắm mắt đưa chân xin làm một công việc mà ai nghe qua cũng sợ vãi đái: nghề tắm rửa và khâm liệm xác chết.
Hậu nhìn vào từng cái tủ, dò đọc tìm tên người cần tìm. Đây rồi. “Ông Phạm Văn Vinh. 75 tuổi. Địa chỉ: …”. Hậu rụt rè đưa tay chạm khẽ vào cánh cửa tủ inox lạnh ngắt và kéo nhẹ. Cánh cửa từ từ được mở ra. Một luồng hơi lạnh phả ập vào mặt Hậu khiến cho gã buốt lộng óc. Trong khoang lạnh của cái tủ được thiết kế chuyên biệt dành cho việc bảo quản tử thi hoặc đồ thủy hải sản tùy theo mục đích của người sử dụng, một xác người đàn ông trần truồng nằm tơ hơ trên khay inox loại 304 đang tỏa hơi lạnh mờ ảo. Cả người gã lạnh toát, run rẩy, trán vã mồ hôi mặc dù ngoài trời đang nắng nóng gần 40 độ. Gã đứng đơ người, toàn thân cũng đông cứng lại như cái thây ma kia.
– Kéo cái khay ra chứ lại còn đứng đực mặt ra đấy à?
Một giọng nói lạnh lùng như vẳng từ cõi âm vừa phát ra ngay sau lưng Hậu khiến gã giật bắn mình, quay phắt lại. Một khuôn mặt phì phị, tai tái. Đôi mắt lươn ti hí, gườm gườm. Hàm răng cải mả nham nhở nồng nặc mùi hôi của thuốc lào, thuốc lá và cặn nâu xỉn của nước chè mạn lâu năm. Đó là tạm mô tả sương sương dung nhan của lão Đại, người đàn ông có vóc dáng thô, đậm, cao to lừng lững là tổ trưởng đương nhiệm phụ trách nhà đại thể; người có thói quen phải uống một cốc rượu thật to trước khi bước vào bất kỳ một nghi lễ tắm xác nào suốt mấy chục năm nay; là người vừa mới gia ơn nhận gã – một thằng tù mới mãn hạn bị xã hội quăng ra lề đường. Và nhà đại thể cũng chỉ là cách nói văn vẻ cho hay thôi chứ nói huỵch toẹt ra thì thực chất đây là một cái nhà xác.
Hậu kéo cái khay ra ngoài. Cái khay trượt theo đường ray nên cũng không nặng lắm. Gã đeo khẩu trang và đeo mấy lớp găng tay kín mít mà vẫn gần như nín thở, không dám thở mạnh. Lão Đại gọi thêm một cậu nhân viên nữa vào để khiêng cái xác ra ngoài phòng tắm rửa, vệ sinh. Xác chết thường được bảo quản ở nhiệt độ từ 1 – 5 độ, trung bình từ 2 – 3 độ nên chỉ bị cứng chứ không đông đá. Người đàn ông này dáng người tầm thước, dù đã chết nhưng mắt vẫn hơi hé mở, khuôn mặt tái nhợt nhưng nom vẫn toát lên vẻ hiền từ khiến gã cũng đỡ sợ.
Đặt ông cụ lên bàn ốp gạch men trắng đã ngả màu ngà vì lâu năm, gã vụt nghĩ trong đầu: “Trông không khác gì một con heo đông lạnh”. Gã lẩm nhẩm khấn vong linh ông cụ đại xá cho nhưng quả đúng là giống thật. Thi thể nặng khoảng 60kg, nằm cứng đơ, lạnh ngắt. Da thịt tai tái. Phần lưng và cạnh sườn có mảng xuất huyết tím bầm. Vì trần truồng nên phần hạ bộ bị phơi bày ra hết. Dương vật nhẵn bóng, trụi sạch lông do phải cạo trước khi làm phẫu thuật nằm ngoẹo sang một bên. Nghe nói, trước kia, ông cụ cũng từng là quan chức gì đấy. Ngẫm cái sự đời, lúc sống thì người ông nọ bà thét ra lửa, kẻ hèn mạt sống kiếp đọa đày khổ hơn chó nhà giàu. Đến lúc chết đi rồi thì cũng nhắm mắt, xuôi hai bàn tay trắng, trần truồng nồng nỗng như nhau cả.
– Ông cụ này thế là còn đầy đủ, bình thường đấy thằng chú ạ. Lần đầu tiên của tao còn là một cái xác chết do tai nạn giao thông, nát be bét ra cơ. Tao phải tự tay khâu vá, túm tạm lại cho lành lặn rồi mới tắm rửa, khâm liệm trả cho gia chủ được.
Lão Đại vừa làm, vừa chỉ dẫn cho Hậu. Vì đây là ngày đầu tiên đi làm nên gã còn lúng túng, lóng ngóng lắm. Lại thêm nỗi sợ hãi người chết nên chân tay cứ lập cập, run lẩy bẩy.
– Bây giờ hai thằng mày giữ cho đầu ông cụ nằm thẳng lên để vệ sinh răng, miệng, mắt mũi trước đã.
Hậu dùng hai tay giữ vào hai bên thái dương cái xác. Lão Đại lấy khăn xô nhúng vào chậu nước ngũ vị hương đã chuẩn bị sẵn từ trước đó bắt đầu lau mắt, cạy miệng lên để lùa vào bên trong vệ sinh hai hàm răng, lưỡi, ngoáy tai, mũi. Khuôn miệng ông cụ hơi bị méo, lệch sang một bên do bị cắm ống thở lâu ngày trong phòng hồi sức cấp cứu. Trong miệng có nhiều vết loét bị hoại tử đã bốc mùi.
– Bác lau nhẹ cho bố cháu đỡ đau.
Một giọng nữ nghèn nghẹn cất lên phá tan bầu không khí lạnh lẽo trong phòng tắm xác. Cả ba người giật mình, dừng tay ngẩng lên nhìn về phía vừa phát ra tiếng nói. Một cô gái mặc bộ áo dài đen đang dứng dựa lưng vào tường, khuôn mặt nhăn nhúm vì đau đớn. Người nhà của ông cụ đã lặng lẽ kéo đến đứng ngoài cửa phòng từ lúc nào. Chỉ có cô gái áo dài đen là tiến sâu vào gần chỗ ông cụ nằm. “Người chết rồi còn biết đau đớn gì nữa!”. Lão Đại định phọt ra câu đó nhưng may kìm lại được vì thấy hơi bất nhẫn.
– Cháu có thể chạm tay vào người bố cháu được không?
Vẫn là tiếng của cô gái đó. Cả phòng đổ dồn ánh mắt ngạc nhiên có phần hơi kinh ngạc về phía cô gái áo dài đen. Cho dù ông cụ là thân nhân của họ thì giờ đây, ông cũng chỉ là một xác chết lạnh ngắt mà theo tâm lý thông thường thì ai mà chả sợ người chết. Chỉ có những người như lão Đại, như Hậu, vì miếng cơm manh áo, trót chọn nghề này rồi mới phải tiếp xúc với xác chết thường xuyên thế này thôi.
– Được.
Lão Đại trả lời cụt ngủn. Lão nhận ra đây là cô gái đã đến gặp lão từ tuần trước. Một cô gái không trẻ nhưng cũng chưa phải quá già. Hôm ấy, khi lão còn đang nằm tranh thủ ngủ trưa trong phòng bảo quản xác cho mát sau chầu rượu say túy lúy thì có tiếng người gọi. Mãi lão mới mở mắt, nhấc cái tấm thân nặng nề lê bước ra ngoài phòng tiếp khách được. Khách là hai người phụ nữ, mặt trĩu buồn. Ai có việc vào đây mà tâm lý chả nặng nề.
– Cháu chào bác. Cháu muốn tham quan và tham khảo các dịch vụ tang lễ. Phiền bác giúp chị em cháu được không ?
– À, không có gì. Đó là công việc của tôi mà. Thế các cô định lo việc hậu sự cho ai?
– Dạ, thực ra thì người nhà cháu chưa mất nhưng đang ốm rất nặng, bác sĩ nói sẽ khó qua khỏi nên chị em cháu phải sang đây tìm hiểu trước để khi xảy ra việc xấu, gia đình lo việc cho đỡ bị cập rập và thiếu sót ạ.
– Gia đình làm thế là phải. Mời các cô đi theo tôi.
Lão Đại đi trước, hai cô gái líu ríu đi theo sau, mặt mũi căng thẳng. Đời các cô chưa phải bước chân vào những nơi như thế này bao giờ, ngoại trừ thi thoảng có đi viếng đám tang nhưng cũng chỉ ở ngoài kia. Đi qua phòng tổ chức tang lễ rộng thênh thang là đến dãy nhà phía sau bao gồm phòng khâm liệm ngay trước bàn thờ vong và thần linh, bên cạnh đó là kho chứa các mẫu quan tài sơn vàng, sơn đỏ và trang phục tang lễ.
– Áo quan và tang phục thì chỉ đơn giản như thế này thôi. Các cô có muốn xem phòng bảo quản thi thể và phòng tắm xác không?
– Thôi bác vào đi, em ra ngoài đợi nhé! Em không dám vào trong đó đâu.
Cô gái trẻ hơn sợ hãi bước vội ra ngoài. Mặt cô đã chuyển tái mét từ lúc nào. Lão nghĩ chắc cô kia cũng ra nốt thôi. Lần đầu tiên lão thấy có phụ nữ tìm vào tận đây để khảo sát nơi làm hậu sự cho người chết kỹ đến thế.
– Bác cứ dẫn cháu vào. Cháu phải tìm hiểu thật kỹ để nay mai còn lo cho bố cháu chu tất.
– Thế cô không sợ à? Cô kia ra rồi kìa.
– Dạ, cháu sợ lắm chứ bác. Cháu nhìn bác cháu cũng thấy run rồi ấy. Nhưng đây là nhiệm vụ của cháu nên cháu phải hoàn thành bằng mọi giá ạ.
Nét mặt cô gái đanh lại đầy quả quyết. “Cô ta quả là gan lỳ”. Lão Đại nghĩ thầm trong bụng rồi bước tiếp vào sâu bên trong.
– Đây là các tủ đông lạnh để bảo quản thi hài. Sau này, nếu chẳng may ông cụ nhà cô qua đời, bác sĩ bên khoa hồi sức sẽ cho điều dưỡng đưa ông cụ sang đây, cho ông cụ vào ngăn lạnh này chờ ngày đẹp, giờ đẹp để phát tang, làm lễ. Còn đây là phòng tắm thi thể sạch sẽ, trang điểm trước khi khâm liệm.
Nghe đến đây, cô gái ôm mặt khóc nức nở, đôi vai cứ rung lên từng chặp khi tưởng tượng chỉ nay mai thôi, người cha thương yêu của cô sẽ phải vào đây và chịu bao nhiêu cảnh tang thương lạnh lẽo này…
Cô gái mặc áo dài đen vội vàng tiến sát đến bên cạnh bàn tắm. Cô đưa bàn tay nhỏ nhắn, gầy guộc, xanh xao ra chạm vào khuôn mặt bố mình. Làn da lạnh buốt khiến trái tim cô thắt lại vì đau xót. Cô vuốt mắt cho bố rồi òa khóc :
– Bố ơi! Bố yên lòng nhắm mắt nhé! Cảm ơn bố đã dành cả cuộc đời để lo cho mọi người. Giờ chúng con chăm sóc, lo cho bố lần cuối cùng bố ơi!
Có ai đó kéo vội cô ra.
– Đừng để nước mắt rơi vào người ông cụ, không tốt đâu.
Cô đứng dựa lưng vào tường, khóc như mưa như gió. Tiếng khóc bị kìm nén cứ tắc nghẹn rồi lại hức lên vật vã. Cô đã chăm bố cả tháng nay từ khi ông nhập viện cấp cứu, ngày nào cô cũng xoa bóp cho bố đỡ đau, đỡ mỏi. Từ hôm qua tới giờ, cô chưa được chạm tay vào ông nên nhớ quay nhớ quắt. Giờ chạm vào bố thì bố đã không còn cảm nhận được hơi ấm từ đôi tay cô nữa rồi. Nước mắt cô lại trào ra.
Lúc này, các anh chị em cô mới tiến lại gần thi thể bố để xoa bóp rồi phụ ê kíp tắm xác mặc quần áo cho ông, lần lượt từ đồ lót đến sơ mi, cà vạt, quần tây, áo vest, mũ nồi, tất, đầy đủ, chỉnh tề đúng tác phong của ông như khi ông còn sống. Lão Đại lấy hộp đồ trang điểm ra dặm phấn, tô son cho ông cụ thêm hồng hào nhưng khuôn mặt người chết vẫn cứ trắng bệch, cứng đơ vì không còn khí sắc. Cô gái áo dài đen dắt mẹ vào nắm tay cha lần cuối trước khi ê kíp của nhà xác đưa ông ra phòng khâm liệm. Bàn tay vẫn lạnh ngắt sau lần vải bọc kín. Bàn tay mà ngày nào, đêm nào trực trông bố trong phòng cấp cứu, cô cũng đặt trong lòng bàn tay mình để nâng niu, xót xa từng vết tím vì vỡ ven…
Đúng 11 giờ trưa, thủ tục tắm rửa thay quần áo đã xong, ông cụ được đưa ra phòng ngoài để làm lễ khâm liệm, nhập quan. Thầy cúng đang tụng kinh, gõ mõ khấn bái. Khói hương nghi ngút mù mịt khắp căn phòng nhỏ. Nhập quan xong mới phát tang, gia quyến bắt đầu mặc tang phục chịu tang. Lúc này, nhóm của lão Đại và Hậu mới tạm xong việc, lui vào ăn trưa và nghỉ ngơi.
Bữa trưa hôm ấy, lần đầu tiên trong đời, Hậu không ăn được cơm, dù mâm cơm ê hề xôi thịt. Lão Đại kéo Hậu và cậu nhân viên kia vào phòng lão, ở ngay cạnh kho quan tài và tang phục để ăn cơm. Lão sống độc thân, không vợ con gì nên xin vào ở đây luôn cho tiện. Ngày tắm xác nếu có đám, đêm nhận thêm việc bảo vệ, tăng thu nhập lại có chỗ ăn chỗ ngủ, tiện cả đôi đường. Thực ra lão cũng từng có nhà cửa, có cả vợ con đàng hoàng nhưng hạnh phúc của lão đã “toang” sau một đêm có việc về nhà đột xuất, lão bắt trúng quả tang vợ lão trai trên gái dưới với một thằng khốn nạn ngay trên chiếc giường của lão. Cơn điên nổi lên, lão dùng đôi tay lực lưỡng hàng ngày vẫn tắm xác chết đánh cho thằng kia thân tàn ma dại. Sau vụ đấy, lão phải vào nhà đá bóc lịch mất mấy năm. Lúc ra tù thì vợ lão đã bỏ đi biệt tích, mang theo đứa con trai còn ẵm ngửa. Hơn hai chục năm nay, chán đời, lão suốt ngày ngập trong rượu nhưng khi làm việc lại rất nghiêm túc, chỉn chu. Nhiều lần lão cũng đã định bỏ việc, kiếm việc khác để lấy vợ khác, làm lại cuộc đời nhưng như cái nghiệp vận vào người, loanh quanh lão lại trở về nghề cũ. Xa nơi này, lão thấy thiêu thiếu, nhơ nhớ. Nhiều người bảo lão bị hâm. Nhà cửa đàng hoàng đem cho thuê không ở, đi chui vào nhà xác sống cùng xác chết. Lão tặc lưỡi bảo âu cũng là làm phúc, tích đức cho con. Giờ lão cũng nguôi ngoai bớt, không còn hận vợ nữa mà chỉ nhớ con. Lão đã nhờ người tìm tung tích của con mà vẫn chưa thấy tăm hơi gì. Lão cũng chả có nhu cầu gì nhiều. Ở đây xôi, gà, oản quả, rượu chè lộc lá của gia chủ lúc nào chả đầy tú hụ. Có ai mang lễ vào đây rồi lại mang về đâu. Nhiều lúc ăn, chia cho mọi người không hết, lão còn tuồn ra bán cho mấy bà bán hoa quả và cơm phở ngoài cổng viện ấy chứ. Được bao nhiêu tiền, lão đem ra ngân hàng gửi tiết kiệm hết. Còn việc lấy vợ, lão chả ham. Đàn bà rặt phường lăng loàn, phản trắc. Lúc phần con trong thẳm sâu con người lão thúc bách, lão tắm rửa, cạo râu, ăn mặc chỉnh tề, xịt tung tóe thứ nước hoa bán đổ đống ở vỉa hè để tẩy sạch mùi tử khí, nhét nắm tiền vào ví cắm ở đít quần là lão có một đêm vương giả ở bất cứ một nhà nghỉ nào trong cái thành phố này.
– Hay thằng chú vào đây ở với tao? Ở nhà giờ cũng chả ai muốn chứa mày. Một thằng tù giờ lại đi tắm rửa cho xác chết.
Lão Đại ngửa cổ lên trời cười khùng khục rồi dốc ngược chai rượu Vodka òng ọc vào họng. Xong lão dùng tay vặt ngoéo cái đầu gà đưa cho Hậu.
– Nhất phao câu, nhì đầu cánh. Thằng chú chén đi lấy sức mà làm.
Cứ nghĩ đến đôi tay kia vừa tắm rửa, khâm liệm xác chết xong, giờ lại xé miếng thịt gà, Hậu chợt bưng miệng hộc lên một tiếng rồi nôn thốc nôn tháo, mặt mũi tái xanh tái tử.
– Nghĩ kinh chứ gì? Rồi thằng chú cũng phải quen thôi. Tao ngày trước cũng thế.
Lão Đại vẫn điềm nhiên nhai thịt gà rau ráu vừa nốc rượu. Lão cầm cả quả ớt bỏ vào miệng mà mặt không hề nhăn vì cay. Dường như mọi thứ gia vị đắng, cay, chua, chát trên đời này chả thấm tháp gì so với nỗi đắng cay đời lão cả. Lạ cái là lão uống rượu say như thế nhưng làm việc vẫn rất chuẩn, thậm chí như lên đồng. Nên nhiều lúc cấp trên cũng nhắc nhở lão nhưng thấy lão vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ nên cũng lờ đi. Hậu bò lên giường nằm đắp chăn thở dốc. Vết sẹo trên má gã giật giật. Chưa bao giờ gã bỏ cơm, kể cả lúc ốm vẫn phải táng vài ba bát thay thuốc cho chóng khỏi. Vậy mà hôm nay, gã chịu ôm bụng đói đi nằm, họng cứ ứ lên, không nuốt nổi. Ngoài kia, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng khóc của người nhà ông cụ lẫn trong tiếng tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” ai oán của một đám khác đang được tổ chức ngoài phòng tang lễ. Đám nọ cứ nối tiếp đám kia. Bảo sao lão Đại chả thể nào ăn hết xôi, gà, oản, quả. Hậu thiếp đi chập chờn, đầu đau như búa bổ. Tiếng cô gái áo dài đen khóc cha nghe rõ mồn một.
12 giờ 30, đám kia di quan đi Văn Điển hỏa táng. Lão Đại gọi Hậu dậy để chuẩn bị đưa ông cụ ra ngoài phòng tang lễ. Hậu uể oải, bụng đói meo.
– Này, húp tạm bát mì tôm lấy sức làm tiếp. Không nhịn đói đến chiều được đâu. Sẽ phải quen dần thôi. Nay mai sẽ lại như tao, uống rượu giải sầu cùng với ma ấy chứ.
Lão Đại dúi vào tay Hậu đôi đũa rồi đi luôn ra ngoài. Nhóm phụ trách khâu tổ chức tang lễ đang nhanh chóng thu dọn hết hoa quả, bánh trái, xôi, gà của đám cũ mang vào phía sau để bày đồ lễ của đám mới lên. Ảnh thờ và tên của người chết đám trước được gỡ xuống, thay tên và ảnh thờ của ông cụ vào. Gia thế ông cụ chắc cũng khá nên đồ lễ đầy đặn, hậu hĩnh. Khung treo huân, huy chương dày đặc, chi chít, sáng lấp lóa. Hoa lan Thái vàng rực được trang trí từ ngoài sảnh vào tận bên trong, phủ xung quanh và bên trên quan tài đầy trang trọng. Hiếm có đám nào chọn gói dịch vụ cao cấp thế. Chắc người nhà muốn tổ chức một đám tang cho tương xứng với chức vụ của ông cụ khi còn sống.
Hậu lùa vội bát mì rồi quăng đũa chạy ra. Cô gái áo dài đen có đôi mắt buồn thăm thẳm lặng lẽ thống nhất công việc với ban tổ chức tang lễ lần cuối và cắt đặt công việc cho người nhà rồi đứng bên quan tài chịu tang cha. Mặc dù là phụ nữ nhưng ở cô luôn toát lên vẻ cương nghị và một sự mạnh mẽ, kiên cường.
– Đã đến giờ cử hành tang lễ. Ban tổ chức lễ tang xin trân trọng kính mời tang quyến cùng toàn thể thân bằng cố hữu, bà con khối phố, đồng chí, đồng nghiệp… của cụ Phạm Văn Vinh chuẩn bị làm lễ để tiễn đưa cụ về nơi an nghỉ cuối cùng.”
Tiếng cậu MC chầm chậm, lên bổng, xuống trầm với một khuôn mặt đầy biểu cảm thương xót đám nào cũng giống đám nào kéo đám người đang nhốn nháo vào vị trí. Cả nhà tang lễ im phăng phắc. Giờ đám cưới, sinh nhật, thượng thọ, đám ma… đều có dịch vụ trọn gói hết,. Rất chuyên nghiệp, có MC đầy đủ. Chỉ cần gia chủ chọn các gói với các mức giá theo khả năng tài chính là được. Giờ Hậu mới nhận ra MC chính là cái cậu đã cùng với gã và lão Đại tắm xác cho ông cụ lúc sáng. Giờ đã bảnh bao trong bộ lễ phục làm MC tang lễ rất trang nghiêm.
– Vợ nó làm nhân viên phục vụ ở đây luôn. Bộ phận lễ tân, đang phục vụ trà nước kia kìa. Thằng chú có muốn không, tao làm mối cho một đám. Đã vào đây làm việc rồi thì khó lấy vợ ngoài lắm. Đàn bà con gái nó kinh mấy thằng cha làm nhà xác.
Thấy Hậu ngẩn ra nhìn cậu MC, lão Đại như đọc được ý nghĩ trong đầu gã nên thủng thẳng bảo gã. Tự dưng gã thấy ong ong như có hàng trăm con ong đang bay vo vo trong đầu. Đã từng ăn cơm tù vài năm nhưng đấy là một mình gã. Giờ nghĩ đến cái viễn cảnh gã sẽ giống cậu MC kiêm tắm xác kia, lấy một cô vợ cùng nghề, cả hai vợ chồng quanh năm suốt tháng quanh quẩn với xác chết. Con cái sinh ra kiểu gì chả có lúc vào “cơ quan bố mẹ” chơi, cũng lại ám mùi tử khí từ bé. Chỉ nghĩ thôi đã thấy tương lai ảm đạm, u uất lắm rồi. Mặt gã trắng bệch.
Tang lễ sắp kết thúc. Hàng trăm đoàn khách thăm viếng đã đến tiễn đưa ông cụ lần cuối. Vòng hoa nhiều đến nỗi trong nhà không còn chỗ để, phải đặt ngoài sân. Nhiều người còn đi mấy vòng, vừa đi vừa chấm nước mắt khóc, bày tỏ niềm xót thương. Gã thấy nhiều khách viếng thì thầm to nhỏ nói chuyện với nhau rằng họ bị sốc khi ông cụ ra đi đột ngột, chóng vánh quá. Thật ứng với cái câu: “Sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, nhiều người thương tiếc”. Đó cũng là niềm hạnh phúc và tự hào của một con người. “Sau này mình chết, chắc chả có mấy người thăm viếng”. Tự dưng gã chạnh lòng nghĩ quẩn. Thì gã thân cô, thế cô, có nhiều bạn bè thân thích gì đâu. Bố mất sớm, mẹ góa con côi lần hồi nuôi nhau. Gã mải chơi, bỏ học, lêu lổng ăn chơi đua đòi theo lũ bạn xấu. Bị rủ rê, tham gia vào nhóm trộm cướp. Một lần đi cướp, xảy ra xô xát, gã rút dao đâm trọng thương nạn nhân nên bị phạt tù. Mẹ gã ngất lên ngất xuống, đổ bệnh, ốm đau quặt quẹo suýt chết. Giờ dặt dẹo như con mèo hen, uống thuốc nhiều hơn ăn cơm. Gã nghiến răng vào đây làm cũng là muốn kiếm chút tiền chạy chữa, thuốc thang phụng dưỡng mẹ và chuộc lỗi lầm. Chứ nếu chỉ có mình gã thì chắc gã đã ngựa quen đường cũ rồi. Ngày nào chả có thằng đến tìm dụ dỗ gã tái xuất giang hồ.
Cô gái áo dài đen vào phòng trong sắp xếp đồ lễ để mang theo xuống đài hóa thân hoàn vũ thì cậu MC kéo tay cô nói nhỏ:
– Chị ơi! Anh em trong này đã nhiệt tình, vất vả với cụ và gia đình từ mấy hôm nay rồi. Xin gia đình chút lộc cụ gọi là bồi dưỡng cho cả ê kíp ạ.
Cô gái áo dài đen thoáng cau mặt, ngạc nhiên:
– Cảm ơn các anh chị em nhưng tôi tưởng chúng tôi đã ký hợp đồng trọn gói rồi cơ mà nhỉ?
– Dạ đúng ạ. Nhưng đây là em xin chút lộc cụ gọi là tiền bồi dưỡng thêm thôi ạ.
Cô gái thở dài. Từ hôm bố cô phải nhập viên cấp cứu cho đến tận bây giờ, ngoài tiền viện phí, thuốc men mua thêm, không biết bao lần cô đã phải mất thêm tiền bồi dưỡng, lo lót cho bác sĩ, y tá, nhân viên thanh toán viện phí… Và giờ vào đến nhà tang lễ rồi vẫn bị vòi thêm tiền. Cô hỏi giọng ngán ngẩm:
– Thế tôi phải đưa anh bao nhiêu?
– Dạ, tùy tâm gia đình ạ. Thường thì các đám cho chúng em mỗi người một trăm. Ca này có 9 người phục vụ, cộng thêm 3 anh lái xe tang ngoài kia nữa là 12 ạ.
Giờ di quan đã đến. Để cho mọi việc êm đẹp, suôn sẻ, cô gái rút ví ra đếm đủ triệu hai đưa cho MC nhà tang lễ. Anh ta rối rít cảm ơn rồi chạy tọt vào phòng trong đưa cho vợ. Chả biết anh ta có chia chác đủ cho mọi người không nữa. Cô vợ đang tranh thủ thu dọn bánh trái, sữa, nước ngọt người nhà ông cụ không dùng hết cất vào tủ mang về cho con. Mang tiếng làm việc trong nhà xác hơi ghê một tí nhưng cả hai vợ chồng cóp nhặt khoản nọ, khoản kia cũng đủ nuôi cái gia đình bé nhỏ của họ. Nên họ gắn bó ở đây cũng mấy năm rồi và không có ý định rời đi tìm công việc khác.
Lễ tang kết thúc. Đoàn người đưa tang đã rời đi hết. Hậu cùng lão Đại và mọi người trong ca trực quét tước, dọn dẹp từ trong ra ngoài cho sạch sẽ tinh tươm rồi vào phòng “họp rút kinh nghiệm”.
– Ở cái nhà xác này thì chỉ vui nhất là lúc “họp rút kinh nghiệm” thôi anh ạ.
Cậu MC vừa cười vừa nói nhỏ với Hậu.
– Ủa, họp hành, rút kinh nghiệm, phê bình, kiểm điểm thì có gì đâu mà vui?
Hậu ngạc nhiên.
– Cứ vào khắc biết.
Mọi người kéo nhau vào phòng họp chính là phòng tiếp khách của nhà đại thể. Lão Đại thông báo sơ qua tình hình công việc rồi chia cho mỗi người một túi đồ và một phong bì:
– Đây là lộc của ngày hôm nay. Tôi chia đều cho mọi người. Mọi người về nghỉ ngơi rồi mai lại tiếp tục công việc nhé!
Hậu cũng được một túi khá nặng tay và một phong bì giống tất cả mọi người dù gã vừa mới đi làm ngày đầu tiên. Lão Đại rất công bằng, không phân biệt người mới hay cũ.
– Thôi, thằng chú về nghỉ cho lại sức. Cố mà ăn uống rồi đi ngủ sớm. Ngày đầu thế là giỏi lắm rồi. Dần dần sẽ quen thôi.
Lão Đại vỗ vai Hậu rồi đi về cái ổ của lão. Bữa tối hôm nay của lão sẽ là một nắm xôi, miếng thịt và cút rượu lấy từ đám tang ông cụ vừa xong. Lúc chiều lại có thêm hai cái xác mới nhập kho. Ngày mai lại tiếp tục cái điệp khúc tắm xác, khâm liệm…
Hậu về đến nhà thì trời đã xâm xẩm tối. Trên cái bàn nước cũ kỹ, mâm cơm mẹ gã đã bày sẵn, úp lồng bàn. Trong nhà mà không khí vẫn oi nóng hầm hập. Ruồi muỗi bay như vãi trấu. Tiếng tụng kinh, gõ mõ từ trên căn gác xép vẳng xuống lốc cốc, lốc cốc. Mùi hương trầm loại hàng chợ nghe khét chứ không thơm ngọt như trầm xịn bay quẩn khắp căn nhà trọ tạm bợ làm Hậu thấy khó chịu. Từ lúc bắt đầu vào làm trong nhà đại thể, Hậu đâm ra sợ tiếng niệm phật và mùi hương ghê gớm. Nó u uất, luẩn quẩn, và ám ảnh như gõ vào óc, gẩy từng dây thần kinh của gã tưng tưng. Hậu lại thấy váng vất. Gã đặt túi đồ lên bàn rồi lấy quần áo đi tắm. Làn nước mát xối thẳng vào người làm dịu đi cái nóng oi bức, ngột ngạt của mùa hè. Thế mà bước chân ra khỏi nhà tắm, gã thấy người gai gai…
– Con ăn cơm đi. Buổi đầu tiên đi làm thế nào?
Mẹ gã âu yếm gắp cho gã một miếng thịt gà.
– Ọe!
Gã chợt bụm miệng nôn khan một tiếng như đàn bà ốm nghén. Phần thịt gà gã được chia lúc chiều, mẹ gã chặt ra rang mắm gừng ăn cơm.
– Con sao thế? Trúng gió à?
Bà hốt hoảng sờ trán gã thấy nóng ran.
– Thôi chết! Vừa đi làm được một hôm đã lăn ra ốm sốt thế này. Thôi lên giường nằm nghỉ, mẹ cho thịt gà vào nấu cháo cho.
– Đừng, mẹ. Mẹ đừng nấu cháo thịt. Nấu cho con bát cháo hoa thôi. Hôm nay con không ăn được thịt.
Mẹ gã không biết rằng, kể từ lúc tắm xác cho ông cụ xong thì gã đã không nuốt nổi thịt nữa.
Đại dịch Covid – 19 mà người dân quen gọi là Corona tràn đến thành phố này như một cơn lốc. Trên đài phát thanh, vô tuyến, loa phường…, mở mắt ra đã nghe thấy tiếng phát thanh viên căng thẳng cập nhật tình hình lây lan và cảnh báo, tuyên truyền cách ly, phòng chống dịch. Trường học đóng cửa hàng loạt. Khẩu trang, nước sát trùng, diệt khuẩn bị đẩy giá lên cao chót vót mà vẫn cháy hàng. Bệnh viện trở thành tuyến đầu chống dịch. Bác sĩ, nhân viên y tế nghiễm nhiên trở thành chiến sĩ cảm tử. Tất cả các lễ hội bị hủy bỏ. Người dân được cảnh báo hạn chế đến chỗ đông người và phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Bệnh viện cũng vắng hẳn. Mọi khi mới 5 giờ sáng đã có người đến xếp hàng lấy số khám nhưng nay vào giờ làm rồi mà người đến khám vẫn lưa thưa. Người ta sợ đến bệnh viện sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh nên tự ra hiệu thuốc mua thuốc về uống cầm cự kiểu hên xui. Nhưng người bệnh nặng thì vẫn cứ phải vào cấp cứu, không thể trì hoãn đợi hết dịch được. Và người tận số thì vẫn cứ phải chết. Tang chủ dù muốn hay không vẫn phải tiến hành tổ chức tang lễ bình thường, bất chấp dịch bệnh.
Nhà trường cho nghỉ học mà lại không có ai trông nom nên bọn trẻ nhà cậu MC phải theo bố mẹ vào nhà xác. Bố mẹ bận làm việc thì chúng chơi tha thẩn với nhau. Đứa lớn lớp 3 trông đứa nhỏ mới 5 tuổi như con mèo tha con chuột. Được cái bọn trẻ rất ngoan, tự chơi, không khóc quấy đòi bố mẹ. Thỉnh thoảng mẹ chúng lại giúi cho cái bánh hay hộp sữa tươi ăn tạm. Lúc mới đến thì hai đứa nhỏ cũng được đeo khẩu trang y tế rất cẩn thận. Nhưng chỉ được một lúc chúng đã tháo tuột ra quẳng đâu mất. Bận làm nên bố mẹ chúng cũng tặc lưỡi mặc kệ.
Đám tang hôm nay rất vắng vẻ. Ngoài người nhà thì khách viếng lác đác. Ban tổ chức tang lễ xướng tên các đoàn khách viếng chừng mươi mười lăm phút đã sạch bách, chẳng còn ai. Người ta có rất nhiều lý do hợp lý để gửi phong bì mà không phải đến thăm viếng trực tiếp. Tang chủ cũng nhanh chóng kết thúc tang lễ, di quan đi hỏa táng rồi ai về nhà nấy. Từ đầu đến cuối, cả khách lẫn chủ đều đeo khẩu trang kín mít. Ở trên bàn đăng ký danh sách khách viếng của ban tổ chức còn có cả lọ dung dịch sát khuẩn nhanh.
Quét quáy, dọn dẹp xong xuôi, vợ cậu MC sực nhớ tới hai đứa trẻ. Nãy giờ mải làm việc, cô cũng quên béng mất hai đứa con. Chột dạ, cô cất tiếng gọi hớt hải:
-Tôm, Tép ơi! Các con đâu rồi?
Không có tiếng trả lời.
Cô hốt hoảng gọi báo cho chồng rồi cùng mọi người chạy túa đi tìm khắp các ngóc ngách. Phòng nào cô cũng mở cửa gọi toáng lên: Tôm ơi! Tép ơi mà vẫn không thấy đâu. Thôi chết! Hay là bọn mẹ mìn lợi dụng đám tang đông người, trà trộn vào khách thăm viếng để bắt cóc cả hai đứa đi rồi? Nghĩ đến đây, cô bủn rủn hết chân tay, mặt cắt không còn giọt máu, khóc ầm ĩ.
– Bình tĩnh tìm kỹ đã nào.
Lão Đại gắt.
Cô vào cả kho tang phục, mở tủ rũ tung từng cái khăn xô, từng tấm vải liệm ra xem hai đứa có chui vào đó rồi ngủ quên không. Đầu tóc cô rũ rượi, bùng nhùng trong đống đồ tang. Hai đứa trẻ vẫn không thấy đâu.
Hai vợ chồng cậu MC thất thần ngồi phệt xuống bậc tam cấp nhà tang lễ. Mấy người chạy ra ngoài cổng hỏi thăm. Một cậu bảo vệ đi check camera an ninh. Không thấy hai đứa bé ra ngoài. Lão Đại đột ngột đứng phắt dậy, lừ đừ đi vào phía trong. Mọi người im lặng, căng thẳng nhìn theo. Vợ cậu MC vẫn khóc thút thít.
– Con này trật tự để tao nghe ngóng. Hình như bên trong có tiếng gì đó.
Cả nhóm người đứng lên, lặng lẽ đi theo lão Đại. Lão dò dẫm từng bước, từng bước, tai vểnh lên như tai dơi bắt tín hiệu âm thanh từ xung quanh. Lão đi qua sảnh, đi theo hành lang, bước vào kho tang phục.
– Lúc nãy cháu tìm kỹ ở đây rồi chú ạ. Lục tung các tủ quần áo, vải vóc lên rồi mà vẫn không thấy con cháu đâu. Hu hu!
– Suỵt! Tao bảo mày trật tự cơ mà? Mày nhớ xem còn chỗ nào mày chưa kiểm tra không?
– Dạ, chính tay cháu đã rũ từng cái áo, cái khăn ra mà.
– Thế còn chỗ này?
Lão Đại chỉ tay vào mấy cái quan tài sơn vàng, sơn đỏ.
– Ơ, cháu…
Chị ta ấp úng. Lão Đại ra hiệu cho mọi người giữ im lặng rồi áp tai vào từng cái quan tài một. Cái thứ nhất. Cái thứ hai. Cả phòng căng thẳng theo dõi theo từng động tác của lão, như nghe thấy cả tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực.
Lão dừng lại hơi lâu ở cái thứ 3. Áp tai nghe thêm lần nữa rồi bảo cậu MC và Hậu mở nắp ra. Hai người từ từ nhấc nắp quan tài lên. Cả phòng hồi hộp nín thở.
– Đây rồi! Bọn trẻ đây rồi! Tôm ơi! Tép ơi! Các con có làm sao không?
Cậu MC vội bế một đứa ra. Hậu nhẹ nhàng bế nốt đứa còn lại. Mẹ nó chạy ào đến, ôm chặt con vào lòng khóc nức nở, sờ nắn khắp nơi xem con có bị làm sao không. Hai đứa choàng thức giấc kêu:
– Mẹ ơi! Con đói!
Cả phòng vỡ òa lên sung sướng.
– Vậy là cháu ông không sao rồi. Tổ cha bay. Làm cho cả nhà xác suýt vỡ tim vì sợ. Mà lần sau thằng bố con mẹ mày phải cẩn thận hơn nhé! Tìm người mà gửi chúng nó đi vậy. Tao nghe tình hình dịch bệnh còn căng đấy! Chắc lũ trẻ vẫn phải nghỉ học dài dài. Thôi đưa con về nhà tắm rửa, ăn uống và nghỉ ngơi đi. Mà sao bọn trẻ trèo vào xong lại tự đậy nắp quan tài vào được nhỉ?
– Dạ, là cháu ạ. Lúc đi qua đây thấy cái nắp nằm dưới đất, cháu tưởng khách xem hàng chưa kịp đậy lại nên đậy nhanh rồi đi ra, cũng không biết có bọn trẻ ngủ quên bên trong. Mà hai đứa này cũng nghịch quá! Hết trò rồi hay sao mà lại trèo vào đây nằm ngủ quên chứ?
Một cậu nhân viên luống cuống nhận lỗi.
– Thôi, tất cả đều phải rút kinh nghiệm. Giờ thì giải tán.
Mọi người lục tục kéo nhau ra về sau sự cố hy hữu, chưa từng xảy ra trong lịch sử mấy mươi năm hình thành và tồn tại của cái nhà xác này. Hú hồn.
Hậu về đến ngõ thì trời đã tối mịt. Gã mò mẫm chìa khóa hồi lâu mới mở được cửa vào nhà. Căn phòng trọ tối om và vắng lặng. Bật điện lên ngó thấy bàn ăn trống trơn. Mọi khi giờ này mẹ đã nấu xong cơm nước, bày biện, đậy lồng bàn cẩn thận chờ con trai về rồi lên gác xép tụng kinh niệm Phật rồi cơ mà nhỉ? Hôm nay cũng không nghe thấy tiếng mõ. Hay là mẹ đi đâu mà quên không báo cho Hậu? Gã lấy điện thoại ra bấm số gọi mẹ. Tiếng chuông kêu inh ỏi trên gác xép. Hay mẹ để quên điện thoại ở nhà? Gã trèo lên cầu thang, với tay bật đèn. Căn gác xép áp với mái tôn sáng bừng lên dưới ánh điện. Có con gì nhảy chồm vào người gã khiến gã giật mình suýt ngã ngửa. Nghe nó rớt cái bịch rồi kêu méo một tiếng. Tổ cha con mèo làm gã hết hồn. Vuốt của nó cào sượt chảy cả máu tay xon xót. Lồm cồm bò dậy, gã tá hỏa khi nhìn thấy bóng áo nâu quen thuộc đổ gục bên kinh kệ. Cái dùi gõ mõ một đầu bọc vải lăn lóc bên cạnh. Gã nhào vào lay gọi mẹ nhưng không được. Gã bế thốc mẹ lên, run rẩy dò dẫm từng bước xuống cầu thang rồi chạy ra ngoài đường gọi taxi đưa bà vào viện Q. cấp cứu quên cả khóa cửa. Bác sĩ khoa cấp cứu lưu đo huyết áp, nghe tim mạch rồi lặng lẽ lắc đầu.
– Bà ấy bị nhồi máu cơ tim nhưng không được cấp cứu kịp thời nên đã không qua khỏi. Chúng tôi rất tiếc. Bà ấy đã mất cách đây vài tiếng. Gia đình chuẩn bị lo hậu sự cho bà ấy.
Hậu đổ gục xuống bên giường cấp cứu của mẹ như một cây chuối bị phạt ngang. Nỗi đau đột ngột và quá lớn khiến cho gã tê dại. Gã gào lên một tiếng “Mẹ ơi!” thống thiết rúng động cả căn phòng khiến cho tất thảy đều giật mình quay lại. Gã ôm chặt mẹ khóc tu tu như một đứa trẻ. Gã đã hại chết mẹ rồi! Lúc gã mẹ lên cơn nhồi máu cơ tim sắp chết, gã còn đang bận lo đám tang cho người khác. Lúc mẹ gã trút hơi thở cuối cùng đơn độc một mình trên gác xép không có con bên cạnh, gã đang mải đi tìm con cho người khác. Thêm một lần gã bị dày vò và giận mình ghê gớm. Mới đi làm chưa được bao lâu, còn chưa kịp lấy vợ sinh con cho mẹ vui vầy tuổi già thì mẹ đã ra đi đột ngột và tức tưởi như thế này. Mẹ ơi!!!!
– Anh phải bình tĩnh lại để còn lo cho mẹ chứ? Gọi điện cho người nhà đến hỗ trợ anh đi.
Cô điều dưỡng an ủi gã. Gã cay đắng nhớ ra là gã chẳng có người thân nào ngoài mẹ cả. Từ bé đến giờ gã chỉ có mẹ là người thân duy nhất. Hai mẹ con phiêu bạt bao nhiêu năm làm thuê trong vùng kinh tế mới Lâm Hà, Lâm Đồng. Sau khi gã được ra tù, vì muốn thay đổi môi trường sống nên hai mẹ con dắt díu nhau đến thành phố nhỏ này thuê nhà, kiếm kế sinh nhai. Giờ gã biết phải làm sao?
– Nhà anh ở đâu? Anh có người thân ở gần đây không?
– Tôi… tôi không có ai thân thích, ngoài mẹ.
– Vậy giờ anh tính thế nào?
Hậu luống cuống, run rẩy. Tai họa ập đến đột ngột quá khiến gã trở tay không kịp, không biết phải làm sao.
– Thế anh có định đưa mẹ anh về nhà hay tổ chức tang lễ ở nhà đại thể?
Nhắc đến nhà đại thể, gã mới chợt nhớ ra là gã đang là nhân viên ở đó. Phải rồi. Tổ chức tang lễ là nghề của gã cơ mà. Chả có nhẽ gã lo hậu sự cho thiên hạ được mà lại không lo được cho chính mẹ của mình? Gã không ngờ lại có ngày gã phải hành nghề ngay trên cái chết của mẹ. Gã lập cập rút điện thoại ra để gọi cho lão Đại nhờ giúp đỡ. Mò khắp các túi chẳng thấy điện thoại đâu. Hay là trong lúc cuống cuồng đưa mẹ vào cấp cứu, gã bị đánh rơi điện thoại ở đâu đó rồi? Thôi cứ đưa mẹ vào nhà xác đã rồi tính sau. Nghĩ đến nhà xác mà gã thấy tim mình thắt lại. Giờ thì gã đã hiểu nỗi đau đớn của cô gái mặc áo dài đen hôm ấy lớn đến thế nào rồi.
Xe cứu thương của bệnh viện lặng lẽ chở hai mẹ con Hậu tiến về nhà xác ngay trong đêm. Chưa bao giờ gã thấy mình cô độc và lẻ loi đến thế. Thi thể mẹ gã phủ khăn trắng toát. Chuyến xe xuyên màn đêm đen kịt như đi vào cõi âm ty lạnh lẽo.
Cổng nhà xác đóng kín. Hậu xuống xe bấm chuông gọi mãi mới thấy người ra mở cửa. Không phải là lão Đại.
– Chú Đại đâu rồi anh?
– Tôi không biết. Thấy ông ấy tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc bảnh bao, xịt nước hoa thơm điếc mũi rồi đi đâu từ chập tối. Chắc lại đi tìm mấy con gà móng đỏ giải khuây thôi.
Cậu thanh niên nháy mắt cười với Hậu. Trong ánh sáng yếu ớt, vàng vọt của bóng đèn đường, cậu ta không nhận ra vẻ mặt thất thần và đôi mắt đỏ hoe của Hậu.
Nhân viên điều dưỡng của khoa cấp cứu lưu làm thủ tục bàn giao thi thể bệnh nhân cho nhà xác. Chính tay Hậu ký mọi giấy tờ và cùng một cậu nhân viên trực đưa mẹ vào tủ bảo quản tử thi. Lúc đóng cánh của tủ lại và dán tờ giấy ghi tên, tuổi, địa chỉ của mẹ ra bên ngoài, gã ngồi phịch xuống, ngay cạnh tủ, úp mặt xuống hai đầu gối, khóc như mưa. Lúc này, cậu đồng nghiệp mới thấy lạ hỏi:
– Bác ấy là người nhà của anh à?
Hậu lặng lẽ gật đầu.
Sáng sớm tinh mơ, lão Đại khật khưỡng chân nam đá chân chiêu mở cổng bước vào nhà đại thể. Lâu lâu lão lại đi ra ngoài đổi gió một đêm. Mẹ kiếp cái lũ đàn bà ăn hại thối tha! Rặt một lũ lăng loàn và phản trắc! Lần nào đi ra ngoài kiếm gái, lão cũng uống thật say và chửi. Từ ngày mụ vợ lão đổ đốn rồi bỏ đi, lão bị lãnh cảm với đàn bà. Phải mất một quãng thời gian rất lâu sau đó, lão mới tìm lại được cảm giác và ham muốn xác thịt nhưng lại sinh ra cái thói ưa bạo dâm. Lão phải vừa làm tình, vừa chửi bới, lăng mạ thậm chí đánh đập đối tác thì lão mới thỏa mãn được nên nhiều lần lão khiến cho các cô cave khiếp vía, bỏ của chạy lấy người. Đêm qua, chả hiểu sao, lão và cô gái gọi của nhà nghỉ đã tìm đủ mọi cách, giở đủ các ngón nghề ăn chơi hành lạc ra mà vẫn không thể lên đỉnh như mọi khi. Thay đến hai cô cũng không làm cho lão toại nguyện. Ấm ách, bí bách, điên tiết, lão gọi rượu vào bắt cả hai cô trần truồng uống suốt đêm. Sáng ra, lão rút nắm tiền quăng lên giường rồi loạng choạng ra về.
Mắt nhắm mắt mở, khát cháy cả cổ họng, lão đi tìm nước uống. Mò mẫm mãi chả thấy phòng ngủ đâu, lão mò được xuống nhà tắm xác, vặn vòi rồi vục mồm vào vòi hứng nước uống ừng ực. Cái trò uống rượu say lại hay khát nước mới đểu. Uống đã mồm, lão thấy bàng quang căng cứng, tức anh ách. Chả hiểu tại mót đái quá hay tại cái của nợ kia hôm nay không được giải tỏa mà sao khó chịu thế. Lão lại lần đường đi tìm nhà vệ sinh. Sao đi mãi chả tới nơi thế nhỉ? Rượu nó phá nát hệ thần kinh của lão rồi. Mót quá không thể trì hoãn cái sự sung sướng lại được, lão vạch quần đái tồ tồ vào xó tối. Kệ. Đái đã. Mọi chuyện tính sau.
Hậu dựa lưng vào tủ xác, gục đầu xuống gối ngồi lơ mơ, mặc cho muỗi cắn, gã cũng không buồn gãi. Bóng đêm tang tóc bao trùm lấy gã. Hai mẹ con đang ở cạnh nhau mà sao cách biệt lạnh lẽo quá như vậy. Thỉnh thoảng, gã lại chồm lên mở cánh tủ ra, sờ vào chân, vào người mẹ như không muốn chấp nhận một sự thật phũ phàng là mẹ gã đã chết. Đôi chân đã lạnh ngắt, đang cứng dần. Gã lại đóng cửa tủ, ngồi sõng soài, khóc tu tu. Cậu nhân viên nói thế nào gã cũng không chịu rời khỏi cái tủ. Mệt quá, gã lại rơi vào trạng thái lơ mơ.
Hậu thấy mẹ dắt mình đi hái tiêu thuê. Ở Lâm Hà, người ta trồng hồ tiêu xen lẫn cà phê nên hai mẹ con chả bao giờ hết việc. Lúc thì làm cỏ, lúc lại hái tiêu, hái cà phê cũng đủ để sống qua những ngày tháng tuổi thơ nghèo khó nhưng bình yên. Trưa nắng chang chang, Hậu kêu đói. Mẹ lại dắt Hậu vào ngồi nghỉ dưới bóng cây để mẹ đi tìm cái gì ăn tạm. Hậu ngồi dựa lưng vào gốc cây đợi mẹ, bụng sôi lên ùng ục. Bỗng cái vòi tưới tiêu tự động bị hỏng van, nước phun ra tung tóe, ướt hết cả mặt gã. Hậu đưa tay lên vuốt mặt. Quái, nước giếng khoan sao lại có mùi khai khai như nước đái bò? Hậu nghe thấy huỵch một cái. Có cái gì đó đổ rầm vào người gã làm gã choàng tỉnh dậy, đau điếng. Đẩy cái đống nặng chịch, hôi hám ra khỏi người, gã đứng lên với tay bật công tắc điện. Ánh sáng bừng lên chói cả mắt. Gã nhận ra cái đống nặng chịch sặc mùi rượu kia là lão Đại. Lão say khướt, vừa vạch quần đái thẳng vào mặt gã mà mắt vẫn nhắm tịt không biết gì. Gã kéo lão gồi dựa lưng vào cái tủ. Miếng giấy nhỏ phất phơ đập vào mắt lôi tuột gã trở về thực tại nghiệt ngã. Gã ngồi phịch xuống bên cạnh lão Đại, khóc rưng rức.
Đái xong được một bãi, lão Đại thấy nhẹ cả người, nhắm mắt ngáy khò khò. Cả đêm vật vã với cái của nợ không đâu vào đâu, lại nốc bao nhiêu là rượu, mệt bã người. Đang ngủ ngon thì lão nghe thấy tiếng khóc ti tỉ, ti tỉ ngay bên cạnh. Lão lè nhè quát:
– Đứa nào khóc? Làm sao mà phải khóc? Chúng mày có làm được gì cho ông đâu mà ông vẫn cho tiền còn gì nữa? Ông đây chả khóc thì thôi. Rặt một phường lăng loàn và phản trắc…
Lão khua khua hai cái tay, gạt trúng vào mặt Hậu.
– Chú ơi!
Ủa, nghe sao như tiếng thằng Hậu? Đây là đâu? Sao nó lại ở đây?
Lão cố mở mắt ra nhìn thì đúng là thằng Hậu thật.
-Tổ cha mày. Mày ngồi yên đi xem nào. Cứ lắc qua lắc lại làm tao chóng cả mặt.
– Chú say quá rồi.
– Tiên sư đứa nào dám bảo tao say. Tao chả bao giờ say. Là chúng nó say tao. Là rượu say tao đấy chứ!Tao uống rượu. Rượu uống tao. Hơ hơ…
Lão Đại say mềm oặt, líu ríu méo hết cả tiếng.
– Mà sao mày lại ngồi đây? Mày cũng đi nhà thổ tìm gái à? Tao đã bảo để tao tìm cho một đám mà không chịu nghe.
– Chú tỉnh lại đi. Đây là nhà xác.
Lão Đại lắc lắc cái đầu.
– Với tao, nhà nào cũng là nhà xác hết. Sống mòn hay chết mòn thì cũng thế thôi. Chả nghĩa lý gì. Thế sao mày không về nhà mà lại vào đây ngồi một mình thế? Bình thường sợ ma lắm cơ mà?
– Hôm nay cháu không sợ. Vì ở đây có mẹ cháu.
– Hả, mẹ mày á? Bà ấy đâu?
– Trong này.
Hậu đưa tay chỉ vào cái tủ bảo quản tử thi rồi ôm mặt khóc rưng rức. Lão Đại tự vỗ tay vào mặt mình cho tỉnh táo lại rồi hết nhìn chăm chăm vào cái tủ lại quay sang dòm vào mặt Hậu hỏi một câu hết sức ngớ ngẩn:
– Sao bà ấy lại ở trong này?
– Hôm qua cháu đi làm về muộn quá, mẹ cháu bị nhồi máu cơ tim không được cấp cứu kịp nên đã mất lúc cháu không có nhà. Hu hu.
Lão Đại tỉnh rượu hẳn. Bình thường, lão vốn dửng dưng với cái chết và những thây ma. Mấy chục năm sống ở cái nhà xác này, lão coi xác chết chỉ là đối tượng lao động đơn thuần. Nhưng hôm nay thì khác. Đối tượng lao động của lão lại là mẹ của đồng nghiệp mà lão vẫn quen miệng gọi là thằng chú, dù nó kém lão rất nhiều tuổi. Khổ thân thằng bé. Mẹ góa con côi. Giờ mất mẹ chỉ có một thân một mình, lại trơ khấc ra giữa cuộc đời này giống như lão. Bỗng dưng, lão thấy bùi ngùi, thương cảm.
– Thôi, chuyện đã rồi. Sinh lão bệnh tử. Ai cũng phải trải qua. Giờ thằng chú về nhà chuẩn bị đi. Sáng ra làm thủ tục đăng ký với bên công ty mai táng rồi tổ chức tang lễ cho bà ấy. Thế họ hàng có ai không? Định chôn hay thiêu?
– Mẹ con cháu ở xa đến nên không có ai thân thích chú ạ.
– Vậy theo tao nghĩ nên hỏa táng cho bà ấy rồi gửi tro cốt vào chùa vì bà ấy cũng là Phật tử. Cứ yên tâm. Tao sẽ giúp. Mọi người ở đây sẽ giúp.
Lão kéo Hậu đứng lên rồi gọi cậu nhân viên trực đêm lấy xe đưa Hậu về nhà. Trời cũng vừa sáng hẳn.
Hậu ghé qua nhà ông tổ trưởng tổ dân phố để thông báo về việc mẹ gã mất đột ngột rồi về nhà. Cửa khóa. Bà hàng xóm thấy có tiếng lạch cạch thì chạy sang:
– Mẹ thế nào rồi cháu? Bác thấy cháu đi vội nên đã khóa cửa giúp cháu.
– Cảm ơn bác. Mẹ cháu mất rồi bác ạ.
– Thôi chết! Sao bà ấy đi nhanh quá vậy?
– Vâng ạ. Mẹ cháu bị nhồi máu cơ tim nhưng không cấp cứu kịp.
– Khổ thân cháu quá! Tội nghiệp bà ấy. Bác xin chia buồn cùng cháu.
Chẳng có họ hàng thân thích nên công tác chuẩn bị tang lễ cho mẹ cũng đơn giản. Mấy anh em đồng nghiệp đến nhà lắp đặt bàn thờ vong và mua đồ lễ giúp Hậu. Ông tổ trưởng dân phố và bà con hàng xóm mỗi người giúp một tay. Lúc chuẩn bị đưa mẹ ra ngoài tắm rửa, vệ sinh trước khi khâm liệm, Hậu run lẩy bẩy, đứng không vững. Lão Đại thấy mặt Hậu biến sắc bèn nói:
– Thôi mày ra ngoài kia xem công việc đến đâu rồi. Để tao làm cho.
– Cháu muốn được chăm sóc mẹ lần cuối chú ạ.
– Mày có chắc mày sẽ làm được không?
– Dạ được.
Hậu mím chặt môi. Tờ giấy dán tên tử thi đã bị rơi mất từ bao giờ không biết. Nhưng Hậu thì vẫn nhớ rõ mồn một cái tủ này. Dưới chân tủ, bãi nước đái của lão Đại hồi sáng vẫn chưa kịp khô, bốc mùi khai nồng nặc.
Hậu từ từ đưa tay mở cánh cửa rồi kéo cái khay inox ra. Mẹ gã được phủ một tấm vải màu trắng. Ba người lặng lẽ khiêng cái khay sang phòng tắm xác. Gã tưởng như đang khênh cả ngọn núi nặng trĩu tay. Đi như nhích từng bước một mà mấy lần muốn khuỵu ngã.
– Cậu mở khăn ra đi. Tôi chuẩn bị sẵn nước ngũ vị hương đây rồi.
– Vâng.
Hậu run run kéo nhẹ cái khăn ra khỏi khuôn mặt mẹ. Mắt bà hé mở. Da tái nhợt. Đôi mắt như thể vẫn còn đang ngóng đợi ai nên chưa thể khép kín. Gã òa khóc.
– Thôi, đứng ra kia để tao làm cho bà ấy.
Lão Đại đeo khẩu trang và găng tay cẩn thận. Lão nhúng cái khăn vải xô vào chậu nước ngũ vị hương rồi bắt đầu vén mớ tóc dính bết trên trán bà mẹ của Hậu ra. Chả hiểu sao lần này lão lại thấy run tay hơn mọi khi. Mớ tóc mai được vén sang bên tai, trán bà lộ ra một vết sẹo mờ.
Lão Đại thoáng thất thần, vội bỏ cái khăn ra rồi dùng hai tay xoay cho khuôn mặt bà mẹ Hậu thẳng lên. Gương mặt này sao quen quá. Chỉ già đi theo thời gian và nhợt nhạt thôi chứ không thay đổi nhiều về đường nét. Cái sẹo! Thôi đúng rồi cái sẹo! Chả có nhẽ…
Quá khứ đau khổ và nhục nhã năm xưa vụt hiện về như một nhát dao cắt qua mọi tầng ký ức. Lúc lão lao vào đánh gã người tình chó chết của vợ thì mụ vợ sợ hãi níu chặt tay lão, sợ lão sẽ giết người. Lão điên tiết gạt tay đẩy mụ vợ lăng loàn và phản trắc sang một bên. Cốp một cái. Mụ vợ ngã va đầu vào thành giường rách cả trán, máu me be bét rồi ngất xỉu.
– Mẹ cậu tên gì?
– Sao tự nhiên chú lại hỏi tên mẹ cháu ạ?
Hậu giật mình.
– Tôi hỏi mẹ cậu tên là gì?
Lão Đại quát to.
-Dạ, Nhạn ạ. Lê Thị Nhạn. Cháu đã kê khai đầy đủ thông tin khi làm thủ tục đưa mẹ cháu vào đây rồi.
Hậu ngơ ngác.
– Thế cậu tên gì?
– Dạ Hậu ạ. Chú sao thế?
– Cậu có chắc không? Hậu có phải là tên trong giấy khai sinh không?
À không ạ. Tên thật của cháu là Trần Văn Đức. Nhưng từ khi chuyển vào Lâm Đồng sống thì mẹ cháu hay gọi cháu là Hậu và cấm cháu dùng tên thật.
Lão Đại đưa hai tay lên ôm lấy đầu. Tất cả các nếp nhăn trên mặt lão xô lại, rúm ró. Cuộc đời oái oăm toàn chơi khăm lão, cứ dồn đẩy lão vào những khúc cua đột ngột và lắt léo. Nó còn ngang trái hơn cả trên phim. Cho dù lão đã mong mỏi, tìm kiếm suốt mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ lão nghĩ sẽ gặp lại vợ con trong hoàn cảnh bi đát như thế này.
– Chú Đại. Chú làm sao thế ạ?
Lão Đại rút ví, lấy ra một tấm ảnh bé xíu đã hơi ố vàng:
– Cậu có biết ai đây không?
– Sao chú lại có ảnh này của cháu ạ? Cháu cũng có một cái.
Hậu lập cập rút ví, moi ra một bức ảnh nhỏ. Hai cái ảnh chụp đứa trẻ bụ sữa đang cười toe toét, đặt cạnh nhau chẳng khác nhau chút nào.
– Con… Bố là bố đẻ của con đây. Bố đã tìm con khắp nơi suốt mấy chục năm nay mà không thấy. Sao đời chúng ta lại ra nông nỗi này cơ chứ?
Lão Đại ôm chặt Hậu khiến gã muốn nghẹt thở. Nước mắt như hòa lẫn vào nhau trên khuôn mặt hai người đàn ông một già một trẻ xộc xệch, rúm ró vì những vết sẹo tàn tích của một thời tù tội. Trên bàn tắm xác, đôi mắt bà Nhạn cũng tự khép lại từ bao giờ. Dường như, hai khóe miệng của bà cũng hơi mỉm cười. Khuôn mặt bà như giãn ra. Thanh thản. Nhẹ nhõm.
24/2/2020
-Phố Hoa-
Sống để Yêu thương
(Ảnh st)
Để lại một bình luận