Tôi bắt đầu biết và gắn bó với dòng Tô Giang từ cái thuở nó còn trong xanh tự nhiên lắm, từ cách đây 30 năm trở về thế kỷ trước, khi tôi phải tạm biệt dòng sông Đáy quê hương Hà Tây cũ của mình, chính thức nhập cư trở thành công dân thủ đô. Tô Giang là cái tên do tôi lãng mạn tự đặt chứ khi tra trong các loại từ điển, tôi chưa thấy có tư liệu nào gọi như thế bao giờ. Nay Hà Tây đã trở thành một phần của Hà Nội với bao nhiêu thay đổi. Và dòng Tô Giang của tôi sau ngần ấy năm cũng đã phải vật vã, oằn mình gánh thêm bao sự đổi thay. Chỉ tiếc, sự đổi thay ấy không được như tôi vẫn vẫn thường mơ mộng.

Tôi ngày bé đặc biệt thích nước, hay thích ngắm ao, hồ, sông, suối và biển cả. Thật may, như thể cầu được ước thấy, nhà mới của gia đình tôi lại được nằm ven sông, dù chỉ là con sông Tô Lịch bé nhỏ. Ngôi nhà mái ngói đỏ tươi nằm lọt thỏm giữa màu xanh mướt mát của một khu vườn rộng, nhờ ăn mạch nước ngầm từ sông Tô Lịch mà cây trái, rau cỏ xanh tốt quanh năm. Tuổi học trò của tôi và chúng bạn đã gắn bó với những buổi trưa nằm dưới những tán cây, vặt táo, chanh, ổi, roi… chấm muối ăn ngon lành.

 

Tô Lịch là một con sông nhỏ, là một cạnh của tứ giác nước Thăng Long, bắt nguồn từ Hồ Tây (khởi thủy là sông Hồng). Sông chảy dọc theo đường Láng, đường Khương Đình, Kim Giang rồi đổ ra sông Nhuệ ở cửa sông Cầu Tó. Nhà tôi ở Cầu Tó, gần ngã ba sông. Những năm 90, nước sông rất sạch. Buổi sáng sớm, nhất là những hôm giở giời, tôm nhảy lao xao trên mặt sông lặng sóng. Bọn trẻ con chúng tôi theo mấy bác hàng xóm, xắn quần lội xuống sông xúc tôm về cho mẹ rang lên ăn cơm. Những con tôm sông tươi rói, bụng đầy trứng, sau khi được đôi bàn tay đảm đang, khéo léo của mẹ rang chín trở nên đỏ au, ăn cùng canh rau muống luộc vắt chanh hái trong vườn nhà thật ngon không thể tả. Bốn chị em chúng tôi đánh bay nồi cơm dẻo thơm của mẹ, giữa trưa hè chang chang nắng.

Cũng giống như các thành phố lớn khác, Hà Nội không thoát khỏi sự càn quét của cơn bão đô thị hóa. Chưa đầy hai mươi năm, khu ngoại thành ven đô đất rộng người thưa nơi tôi sinh sống giờ đã nhà cao tầng mọc lên san sát hai bên bờ sông. Những Đại Thanh, Linh Đàm, Kim Văn, Kim Lũ, thậm chí cả Royal City và cả chục khu đô thị khác tôi không nhớ hết tên. Hàng vạn căn hộ chồng chất lên nhau như chạy tuốt lên trời đồng nghĩa với hàng chục vạn cư dân đua nhau lên sống lửng lơ giữa không trung. Nhưng nước thải, chất thải của họ lại theo trăm ngàn đường ống chảy thẳng ra dòng Tô Giang bé nhỏ, chưa kể nước thải công nghiệp chưa qua xử lý từ các nhà máy, xí nghiệp trong vùng, biến sông Tô một thời thơ mộng đi vào thi ca trở thành một con mương chứa nước thải khổng lồ của thành phố. Thậm chí, người ta đã từng nghĩ đến việc lấp sông (mà trên thực tế là đã từng có một đoạn sông bị vùi lấp biến mất vĩnh viễn) hoặc cống hóa sông Tô Lịch cho đỡ bẩn, đỡ mất mỹ quan chung của thủ đô Hà Nội.

Sông Tô Lịch không phải là không có những lúc đẹp nên thơ, thậm chí còn đẹp và thơ không thua gì thời các vị vua quan cưỡi thuyền rồng du ngoạn trên sông. Chạy dọc ven bờ sông suốt từ trên đầu nguồn phía Hồ Tây xuống tận cửa sông Cầu Tó là hàng phượng vĩ xanh ngút ngát, mùa hè trổ bông đỏ rực như lửa cháy. Đoạn chảy qua phố Bằng Liệt, nơi có tháp Báo Ân cao 45m ngự trong chùa Linh Tiên, in bóng lồng lộng giữa trời xanh mây trắng, soi bóng xuống dòng Tô Giang trong xanh.

Cả một năm trời, có lẽ sông Tô Lịch chỉ được hồi sinh trong một quãng thời gian ngắn ngủi sau những ngày mưa bão. Nước sông Hồng cuồn cuộn đổ vào sông Tô Lịch, cuốn phăng đi cả một dòng sông đen ngòm như mực, thau rửa tới tận cùng những những cặn bã bẩn thỉu, đặc két tận đáy. Để rồi sau mấy ngày ngầu đục, phù sa lắng xuồng, dâng tặng cho cư dân sinh sống hai bên bờ một dòng sông hiền hòa, phẳng lặng, xanh trong màu rêu tự nhiên đẹp đến ngỡ ngàng. Người ta lại đổ ra sông bắt cá, bắt tôm. Tôi cứ ngẩn ngơ ngắm nhìn dòng sông thương nhớ ấy, như gặp lại ký ức của những ngày thơ ấu xắn quần lội sông xúc tôm mang về để mẹ nấu cơm cho ăn như thuở nào. Và ôm ấp ước vọng những dự án làm sạch sông Tô Lịch sẽ sớm thành công. Để dòng Tô Giang bao đời nay chảy qua quê hương cụ Chu Văn An, ưu ái ghé chân ngang qua nhà tôi trước khi hòa mình vào dòng Nhuệ Giang trên quê hương danh sĩ Ngô Thì Nhậm, sẽ lại tiếp tục bồi đắp cảm xúc cho tôi viết nên những trang văn thơ tràn đầy xúc cảm.

30/7/2019

-PHỐ HOA-

 

Chia sẻ bài này