Tháng mười. mùa mưa bão vẫn chưa kết thúc. Hà Nội đã từng trải qua những ngày bão đổ. Gió rít từng cơn, gió giật liên hồi. Mưa tuôn xối xả hết cơn nọ đến cơn kia, tối tăm mặt mũi. Cây cối ngả nghiêng, gãy đổ răng rắc. Nhiều cây không chịu được sức giật của gió, bị lôi tuột lên, bật gốc, nằm sõng soài, chỏng chơ trên mặt đất. Nhà mái bằng kiên cố thì còn đỡ chứ nhà nào cấp bốn có khi mái ngói, mái tôn bay vèo vèo. Ra rả trên đài, ti vi, báo chí…, thông tin về các tuyến phố bị ngập úng, sự di chuyển của cơn bão và hậu quả nó gây ra được cập nhật liên tục. Nếu không có việc bắt buộc phải ra ngoài thì nhất nhất, ai ai cũng cố thủ trong nhà tránh bão.
Tôi vốn dĩ hay lơ đãng, cứ vẩn vơ văn hóa, văn nghệ đây đó chứ ít chịu để ý tình hình thời tiết. Nhưng ngay từ bé, chị em tôi luôn được bảo vệ an toàn trong bão.Và giờ khi đã lớn lên, có gia đình riêng, tôi cũng luôn chủ động phòng chống bão rất chu đáo. Ấy là bởi vì tôi đã có một “trung tâm báo bão” rất hiệu quả và kịp thời. Đó là Mẹ.
Mẹ tôi xuất thân là nông dân nên từ hồi còn sống ở quê, bà đã rất quan tâm đến thời tiết để liệu việc đồng áng. Cứ mỗi khi bão sắp về, bà lại vội vàng, hối hả đong cho đầy chum gạo, nhặt củi rác chất đầy một góc bếp để khi mưa bão còn có cái mà đun. Nhất thiết trong chạn bát phải có một liễn mỡ lợn thật đầy, một liễn muối, một chai nước mắm cốt, tương thì lúc nào cũng sẵn cả chum phơi nắng ngoài sân suốt mùa hè, dậy mùi thơm nưng nức. Bà mua dăm lạng cá khô hoặc tép chi chi, là loại cá khô bé xíu. Lạc nhân của nhà trồng được, sau khi thu hoạch và bán, bà bớt lại vài cân, cất đi để dành ăn dần khi lỡ buổi chợ. Và không thể thiếu được một vại dưa muối chua thơm sực mùi hành lá.
Mấy chục năm nay rời quê ra thành phố sống, mẹ tôi vẫn cứ giữ thói quen ấy mặc dù nó không còn quá cần thiết nữa. Giờ thời buổi 4.0, chợ truyền thống, siêu thị, chợ online hàng hóa ê hề, chỉ cần bốc máy gọi điện thoại hoặc một cái chạm tay vào màn hình cảm ứng là cỗ bàn người ta mang đến tận bàn ăn, chẳng cần phải dụng công chế biến vất vả như trước. Nhưng mỗi khi nghe ti vi báo sắp có bão, mẹ lại vội vàng gọi điện cho cả bốn đứa con nhắc chuẩn bị thực phẩm dự phòng. Không chỉ mua sẵn đồ dự trữ cho mình, mẹ còn tự tay đi chợ mua thức ăn về chế biến thành từng món hộ các con. Nào giò xào, dưa cải muối chua, thịt kho quẹt, cá kho, trứng gà, trứng vịt, bí xanh, bí đỏ, gia vị, diêm, nến… rồi gọi điện cho từng đứa tranh thủ về mà lấy. Mẹ không giỏi nấu những món hiện đại nhưng những món ăn truyền thống của mẹ ngon ghê lắm. Xưa nhà không có tủ lạnh, chỉ có mùa đông và ngày Tết mới được ăn miếng giò xào. Nay, giữa những ngày cuồng điên bão đổ, tôi vẫn được ăn miếng giò hình tam giác điểm vân trắng của mỡ thủ xen kẽ hài hòa với vân nâu của mộc nhĩ, nấm hương. ăn kèm với dưa chua vàng ươm chấm mắm ớt cay xé lưỡi. Giò xào mẹ làm ăn không hề ngấy ngán, cứ giòn sần sật, mát mượt mềm môi, thơm nồng mùi hạt tiêu giã dối, trôi cơm không cưỡng lại được. `
Chẳng cứ gì bão của thiên nhiên mà mỗi khi cuộc đời tôi có “bão”, tôi cũng đều luôn có mẹ ở bên, chia “bão”, gánh “bão” và chống “bão” cùng. Đó là may mắn, là niềm hạnh phúc vô bờ của tôi. Ngày tôi theo chồng vào sống ở Đà Nẵng một năm, khi ốm nghén nằm nhôi nhoai chỉ thở thôi cũng thấy mệt, không ăn uống được gì, người tôi nhớ nhất là mẹ, thèm được mẹ chăm sóc, thèm ăn những món ăn dân dã, truyền thống mà đậm đà tròn vị Hà Nội của mẹ đến mức tôi đã lên tàu rời khỏi Đà Nẵng để trở về bên mẹ. Ngày con tôi ốm đau phải nằm triền miên trong bệnh viện, cũng lại là mẹ nấu từng món ăn mang lên tận viện tiếp sức cho cháu, cho con…
Chẳng phải bỗng nhiên mà mỗi khi cảm thấy thống khổ, đau đớn, hay khi phải đối mặt với hiểm nguy, chúng ta lại hay bật ra một tiếng gọi: “Mẹ ơi!” đầy da diết chứ không phải là bất kỳ ai khác. Bởi chỉ có mẹ là người đã chiết ra từ cơ thể mình từng giọt máu, từng chút can xi, từng chút dinh dưỡng quý giá để tạo nên hình hài cho con, vắt kiệt từng giọt sữa thơm, ngon, mát lành để nuôi con khôn lớn. Cho dù khi con đủ lông, đủ cánh, tung bay đi khắp bốn phương trời thì lòng mẹ vẫn luôn dõi theo con như sợi dây rốn kết nối máu thịt giữa con và mẹ chưa hề bị chia cắt. Để mỗi khi có bão trời hay giông bão cuộc đời, con vẫn luôn ấm áp, an toàn vì đời con may mắn còn có mẹ.
5/8/2019
Viết cho mùa Vu Lan
-PHỐ HOA-
(Sống để Yêu thương)
Để lại một bình luận