Chiều xuân bàng bạc buông trên mái phố. Từng giọt mưa xuân đọng li ti trên những vạt rêu non. Ngói nâu trầm lô xô, loang lổ, ẩm ướt. Hàng cây bằng lăng khẳng khiu, trơ trụi, lác đác còn rơi rớt lại vài ba chiếc lá màu cam đỏ, can trường cố bám trụ trước khi buông mình chao liệng xuống đường đầy bâng khuâng, lưu luyến. Đầu cành, nhu nhú những búp non màu đỏ tía. Phố chiều nay đẹp tựa như một bức tranh, một vẻ đẹp của sự sống hồi sinh từ sự tàn phai đầy bi tráng.
Tôi hay thích ngồi bên ô cửa sổ của những quán trà, cà phê, ngắm phố cổ vào những buổi chiều muộn như thế này, sau một ngày tất bật vì công việc. Tự thưởng cho mình dăm ba phút tĩnh lặng, bên một cốc trà hoa ngát hương hoặc một ly cà phê thơm ngầy ngậy sữa cho tỉnh táo trước khi trở về nhà lo bữa tối.
Đang thả cho hồn mình đi hoang theo những dòng người ngược xuôi, nhấp nhóa ánh đèn đường ai đó bật sớm, chợt nghe văng vẳng tiếng hát ru từ trên gác xép vọng xuống. Tiếng hát ru hời vỗ về tiếng khóc oe oe của một người phụ nữ cứng tuổi, có lẽ là bà ru cháu trong một cữ ngủ dặm của trẻ sơ sinh. “À a à ơi! À a à ời! Cái cò mà đi ăn đêm. Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…” Tôi như bị thôi miên vào tiếng hát ru ngọt ngào ấy. Tâm thức thoát khỏi thực tại, trôi về miền ký ức tuổi thơ xa xôi…
Tôi may mắn được sinh ra ở một vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ Hà Tây quê lụa cũ. Mẹ tôi là một phụ nữ nông thôn điển hình với vóc dáng khỏe mạnh, làn da nâu bánh mật và suối tóc dài đen huyền sóng sánh chảy trên lưng. Đặc biệt, mẹ có một giọng hát thiên phú, bẩm sinh, mượt mà hiếm có. Những đêm hè trăng sáng, trời oi nồng, bức bối, quê chưa có điện, mẹ trải chiếu xuống nền đất nằm cho mát lưng. Bốn chị em chúng tôi nằm xếp hàng, mẹ nằm một phía dùng quạt nan phe phẩy cho cả đàn con. Suối tóc đen huyền của mẹ chảy tràn trên chiếu, vấn vít hương sả, bồ kết mẹ gội lúc ban chiều. Rồi mẹ búi tó lại thành một cuộn, dùng thay luôn cho gối. Chúng tôi không chạy ra ngoài chơi trốn tìm như mọi khi mà thích nằm nghe mẹ hát. Giọng mẹ hay như giọng nghệ sĩ Thu Hiền Tường Vy. Lúc mẹ hát các bài hát ru mượt mà, đằm thắm, khi lại lên tông cao chót vót kiểu “Cô gái vót chông”, “Tiếng đàn Ta Lư”. Bố tôi ngày xưa có lẽ mê mẹ một phần cũng bởi tiếng hát ấy. Rồi chúng tôi ngủ say lúc nào không biết. Có hôm sáng ra tỉnh dậy, thấy mình lăn tít vào trong gầm giường ôm con chó ngủ ngon lành.
Xưa ru con, sau này, mẹ lại ru cháu. Mẹ hát đầy say mê. Như thể bao nhiêu tình yêu thương dành cho con cháu, mẹ đặt cả vào từng câu hát vậy. Nên đứa trẻ nào nằm trong tay mẹ cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say nồng thơm thơm hương sữa.
Thằng bé út nhà tôi mắc tật khóc dạ đề suốt 4 tháng trời. Cứ đến khoảng 8 giờ tối là bắt đầu vào cữ khóc đêm của nó. Cả nhà chia ca thay nhau bế, hát ru, vỗ về cho cháu ngủ. Bố tôi luôn là người mở màn cho show hát ru bất đắc dĩ. Ông ngoại yêu cháu bằng một tình yêu đặc biệt. Cũng lại bắt đầu bằng câu “cái cò”. Hầu như ai cũng mở đầu bằng bài hát này như một thói quen. Bố tôi thuộc mấy bài hát ru là do nghe mẹ tôi hát ru con nhiều quá mà ngấm, mà nhớ tự lúc nào.
Xong đến tôi và cuối cùng, khi tất cả đã mệt mỏi rã rời tay, buồn ngủ rũ ra thì mới đến lượt mẹ. Bà bế rong cháu ngoại khắp tầng nhà, vừa vỗ về, vừa ầu ơ ru hời ru hỡi. Tiếng bà hát ru văng vẳng trong đêm khuya thanh vắng. Sáng ra, hàng xóm tấm tắc khen: “Sao bà hát ru hay thế. Tôi cứ nằm nghe cả đêm rồi ngủ quên lúc nào không biết”. Vô tình, mẹ đã ru cả hàng xóm ngủ mà không hay.
Chợt có tiếng còi xe khiến tôi giật mình bừng tỉnh. Trên gác xép yên ắng. Có lẽ đứa trẻ đã ngủ say. Ngoài kia, phố đã lên đèn rực rỡ. Tôi vội vã trả tiền cà phê rồi ra về. Trong đầu vẫn ngân nga giai điệu hát ru của mẹ năm nào: “Ầu ơ! Cái cò mà đi ăn đêm…” mà vẫn thơ thẩn nghĩ: Không biết giữa phố phường hiện đại, náo nhiệt bây giờ, có bao nhiêu người còn cất tiếng hát ru?”
5/12/2020
-Phố Hoa-
Để lại một bình luận