
Giữ giùm ta chút heo may
Hoàng hôn sóng nước Hồ Tây nhuốm chiều
Cổ Ngư lá phượng rơi nhiều
Điểm vàng tóc rối mùa yêu hẹn hò.
Giữ giùm ta bức
Chiều xuân bàng bạc buông trên mái phố. Từng giọt mưa xuân đọng li ti trên những vạt rêu non. Ngói nâu trầm lô xô, loang lổ, ẩm ướt. Hàng cây bằng lăng khẳng khiu, trơ trụi, lác đác còn rơi rớt lại vài ba chiếc lá màu cam đỏ, can trường cố bám trụ trước khi buông mình chao liệng xuống đường đầy bâng khuâng, lưu luyến. Đầu cành, nhu nhú những búp non màu đỏ tía. Phố chiều nay đẹp tựa như một bức tranh, một vẻ đẹp của sự sống hồi sinh từ sự tàn phai đầy bi tráng.
Tôi hay thích ngồi bên ô cửa sổ của những quán trà, cà phê, ngắm phố cổ vào những buổi chiều muộn như thế này, sau một ngày tất bật vì công việc. Tự thưởng cho mình dăm ba phút tĩnh lặng, bên một cốc trà hoa ngát hương hoặc một ly cà phê thơm ngầy ngậy sữa cho tỉnh táo trước khi trở về nhà lo bữa tối.
Đang thả cho hồn mình đi hoang theo những dòng người ngược xuôi, nhấp nhóa ánh đèn đường ai đó bật sớm, chợt nghe văng vẳng tiếng hát ru từ trên gác xép vọng xuống. Tiếng hát ru hời vỗ về tiếng khóc oe oe của một người phụ nữ cứng tuổi, có lẽ là bà ru cháu trong một cữ ngủ dặm của trẻ sơ sinh. “À a à ơi! À a à ời! Cái cò mà đi ăn đêm. Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…” Tôi như bị thôi miên vào tiếng hát ru ngọt ngào ấy. Tâm thức thoát khỏi thực tại, trôi về miền ký ức tuổi thơ xa xôi…
Tôi may mắn được sinh ra ở một vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ Hà Tây quê lụa cũ. Mẹ tôi là một phụ nữ nông thôn điển hình với vóc dáng khỏe mạnh, làn da nâu bánh mật và suối tóc dài đen huyền sóng sánh chảy trên lưng. Đặc biệt, mẹ có một giọng hát thiên phú, bẩm sinh, mượt mà hiếm có. Những đêm hè trăng sáng, trời oi nồng, bức bối, quê chưa có điện, mẹ trải chiếu xuống nền đất nằm cho mát lưng. Bốn chị em chúng tôi nằm xếp hàng, mẹ nằm một phía dùng quạt nan phe phẩy cho cả đàn con. Suối tóc đen huyền của mẹ chảy tràn trên chiếu, vấn vít hương sả, bồ kết mẹ gội lúc ban chiều. Rồi mẹ búi tó lại thành một cuộn, dùng thay luôn cho gối. Chúng tôi không chạy ra ngoài chơi trốn tìm như mọi khi mà thích nằm nghe mẹ hát. Giọng mẹ hay như giọng nghệ sĩ Thu Hiền Tường Vy. Lúc mẹ hát các bài hát ru mượt mà, đằm thắm, khi lại lên tông cao chót vót kiểu “Cô gái vót chông”, “Tiếng đàn Ta Lư”. Bố tôi ngày xưa có lẽ mê mẹ một phần cũng bởi tiếng hát ấy. Rồi chúng tôi ngủ say lúc nào không biết. Có hôm sáng ra tỉnh dậy, thấy mình lăn tít vào trong gầm giường ôm con chó ngủ ngon lành.
Xưa ru con, sau này, mẹ lại ru cháu. Mẹ hát đầy say mê. Như thể bao nhiêu tình yêu thương dành cho con cháu, mẹ đặt cả vào từng câu hát vậy. Nên đứa trẻ nào nằm trong tay mẹ cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say nồng thơm thơm hương sữa.
Thằng bé út nhà tôi mắc tật khóc dạ đề suốt 4 tháng trời. Cứ đến khoảng 8 giờ tối là bắt đầu vào cữ khóc đêm của nó. Cả nhà chia ca thay nhau bế, hát ru, vỗ về cho cháu ngủ. Bố tôi luôn là người mở màn cho show hát ru bất đắc dĩ. Ông ngoại yêu cháu bằng một tình yêu đặc biệt. Cũng lại bắt đầu bằng câu “cái cò”. Hầu như ai cũng mở đầu bằng bài hát này như một thói quen. Bố tôi thuộc mấy bài hát ru là do nghe mẹ tôi hát ru con nhiều quá mà ngấm, mà nhớ tự lúc nào.
Xong đến tôi và cuối cùng, khi tất cả đã mệt mỏi rã rời tay, buồn ngủ rũ ra thì mới đến lượt mẹ. Bà bế rong cháu ngoại khắp tầng nhà, vừa vỗ về, vừa ầu ơ ru hời ru hỡi. Tiếng bà hát ru văng vẳng trong đêm khuya thanh vắng. Sáng ra, hàng xóm tấm tắc khen: “Sao bà hát ru hay thế. Tôi cứ nằm nghe cả đêm rồi ngủ quên lúc nào không biết”. Vô tình, mẹ đã ru cả hàng xóm ngủ mà không hay.
Chợt có tiếng còi xe khiến tôi giật mình bừng tỉnh. Trên gác xép yên ắng. Có lẽ đứa trẻ đã ngủ say. Ngoài kia, phố đã lên đèn rực rỡ. Tôi vội vã trả tiền cà phê rồi ra về. Trong đầu vẫn ngân nga giai điệu hát ru của mẹ năm nào: “Ầu ơ! Cái cò mà đi ăn đêm…” mà vẫn thơ thẩn nghĩ: Không biết giữa phố phường hiện đại, náo nhiệt bây giờ, có bao nhiêu người còn cất tiếng hát ru?”
5/12/2020
-Phố Hoa-
“Ai đã trải trần gian nhiều tục lụy
Mới cảm thương khi ngắm cánh sen tàn
Thân khô xác, hương còn vương vấn mãi
Gói vào hồn trong một cõi riêng mang”
Hoa – vốn dĩ đã là sự kết tinh từ những gì tinh túy nhất của thiên nhiên và trời đất, là biểu trưng cho vẻ đẹp hoàn mỹ, thánh thiện của người phụ nữ. Nhưng có lẽ chẳng có loài hoa nào lại có thể hội tụ đầy đủ trong mình ý nghĩa triết học – nhân sinh cao quý, ý nghĩa về âm dương ngũ hành và là biểu tượng cho sự thanh khiết cùng ý chí vươn lên mãnh liệt đầy khí chất như hoa sen. Chẳng thế mà giữa bao nhiêu loài hoa trên trái đất tươi xanh này, sen đã được chọn làm một trong những biểu tượng của Phật giáo, được bình chọn nhiều nhất trong danh sách đề cử quốc hoa của Việt Nam và là quốc hoa chính thức của một số nước trên thế giới.
Sen là nữ hoàng của mùa hạ. Suốt mấy tháng mùa hè nắng nóng như thiêu như đốt, nhiều loài hoa còi cọc không phát triển nổi vì nắng nóng thì sen, cứ bừng bừng một sức sống ngùn ngụt thanh xuân. Tháng hai, mặt ao, hồ còn phẳng lặng như gương, chuồn chuồn chấp chới soi bóng trên mặt nước. Tháng tư, lác đác đây đó trên mặt hồ, nhu nhú vài búp lá nâu nâu, nhọn hoắt. Rồi lá xòe ra như bàn tay. Rồi thì bẵng đi ít bữa, cả mặt hồ rập rờn xanh mướt lúc nào không hay. Thấp thoáng đôi búp sen hồng, sen trắng, sen xanh, e ấp ngậm sương đêm hé nở đón ánh ban mai tinh khôi để rồi bung tỏa rực rỡ, ngát hương trọn một vùng trời tháng năm, tháng sáu.
Sen là loài cây tận hiến cho nhân gian từ tâm hồn đến thể xác, từ vật chất đến tinh thần. Toàn bộ cây sen vừa là thực phẩm, vừa là dược liệu quý. Sen lặng lẽ góp mặt trong nền văn hóa ẩm thực và y học phương Đông lâu đời với những giá trị không thể phủ nhận. Và sen, luôn mang lại cho giới phật tử một cảm giác an nhiên khó tả trên con đường giác ngộ Phật giáo.
Người thành phố có thú chơi hoa vô cùng tao nhã. Mùa nào thức nấy nên lẽ tất, dĩ, ngẫu, mùa hạ không thể không mua sen về thưởng lãm. Người ta nhẹ nhàng, nâng niu lựa từng bó sen tươi rói mang về cắm. Từ nụ, hoa, nhụy, đài, lá non, lá già, thậm chí cả lá khô xơ xác …, tất thảy đều có thể cắm vào bình hoa, tạo nên những tác phẩm hoa sen thấm đẫm chất nghệ thuật. Từ đôi bàn tay thô ráp, nứt nẻ của người nông dân trồng sen, người bán sen đến đôi tay nhỏ nhắn, dịu dàng của người cắm hoa sen đều vương vấn, ngan ngát hương sen. Và cả không gian trưng bày sen bỗng như bừng sáng bởi bình hoa ướp làn hương thanh tịnh ấy.
Điều đáng tiếc duy nhất ở hoa sen có lẽ là tuổi đời ngắn ngủi. Nếu khéo chọn mua được bó sen tươi về cắm trong không gian mát mẻ thì cũng chơi được dăm ngày. Nhưng nếu đặt bình hoa ở nơi nắng nóng thì có khi chỉ hôm trước, hôm sau, hoa đã héo tàn mà có bông còn ấm ức tím tái vì chưa kịp tỏa hương, khoe sắc.
Phải chăng, vì tuổi đời của sen quá ngắn mà người ta càng có ý thức nâng niu, canh đợi cho bằng được thời điểm hoa nở để chiêm ngưỡng, tận hưởng, thưởng thức vẻ đẹp cùng hương thơm thuần khiết; để thấy trân quý hơn giá trị của sen. Và rồi giật mình thảng thốt đầy tiếc nuối khi bắt gặp cánh hoa đầu tiên rụng xuống.
Một cánh. Hai cánh rồi ba cánh. Từng cánh sen cứ lần lượt rời khỏi cái gương sen vàng ươm, rớt xuống trong thinh lặng, chẳng mấy mà đã phủ kín mặt bàn, mặt tủ, kệ… bày sen. Ở trong ao, hồ, đầm nước, cánh sen rụng xuống mặt nước cong cong như chiếc thuyền nan là một trong những hình ảnh biểu tượng cho tâm thái an nhiên của con người trước sóng gió cuộc đời.
Chẳng thể nói là hoa tàn đẹp hơn hoa mới nở. Cũng giống như nói “người con gái đương độ xuân thì lại kém sắc hơn người đã bước sang tuổi trung niên” tất yếu sẽ khó lọt tai. Nhưng ngắm những cánh hoa sen héo úa, tàn, rơi… cũng thấy mênh mang, bi tráng ghê gớm lắm.
Đời người, nếu có thể sống đầy khí chất như hoa sen, hãy tận hiến cho đời những giá trị nhân văn sâu sắc. Để một mai khi không còn tồn tại trên thế gian này nữa, thì điều khiến cho người đời nhớ đến, chẳng phải là khối tài sản nhiều bao nhiêu, địa vị quyền cao chức trọng lớn thế nào, mà là những giá trị tốt đẹp về nhân cách, về những việc làm thiện nguyện… giúp ích cho cộng đồng và xã hội. Cũng như những đóa sen kia, cho dù đã héo khô, tàn úa, vẫn khiến cho người ta phải nặng lòng vương vấn mãi chút hồn hương.
Rạng sáng 22/7/2019
-PHỐ HOA-
© 2025 Phố Hoa
Theme by Anders Noren — Up ↑
Bình luận gần đây